Thứ Bảy, 28/9/2024
Diễn đàn
Thứ Ba, 10/11/2009 21:21'(GMT+7)

Dòng máu Việt

Bộ trưởng Y tế Liên bang Đức Phi-líp Rốt-lơ.

Bộ trưởng Y tế Liên bang Đức Phi-líp Rốt-lơ.

Cuối tháng 10 vừa qua, tin từ phương trời xa về sự thành đạt của một người mang trong mình dòng máu Lạc Hồng đã làm nhiều công dân Việt xốn xang. Đó là Bộ trưởng Y tế Liên bang Đức Phi-líp Rốt-lơ (Philipp Rosler) sinh ra từ Nha Trang, nhậm chức vụ quan trọng trong nội các Đức khi vừa 36 tuổi - cái tuổi rất trẻ cho cương vị Bộ trưởng không chỉ so sánh với Việt Nam, mà với cả thế giới. Sau đó không lâu, ngày 5-11, Giáo sư Trịnh Xuân Thuận, quốc tịch Mỹ, một chàng trai gốc Hà Nội, một gương mặt lớn của khoa học Thiên văn học thế giới đã được nhận giải thưởng Kalinga 2009 của UNESCO. Trước đó, ông đã được nhận nhiều giải thưởng cao quý khác và công bố nhiều công trình xôn xao nhân loại.

Hai con người, hai thế hệ (61 và 36 tuổi), hai lĩnh vực theo đuổi khác nhau, ở hai châu lục khác nhau, và còn nhiều điều khác nhau nữa, nhưng họ có một điểm chung là cùng mang trong mình dòng máu Việt, cùng được Đất Mẹ dang tay trong hai tiếng Đồng Bào!

Chuyện thành đạt của hai ông Phi-líp Rốt-lơ và Trịnh Xuân Thuận cũng không phải ai ai cũng vui mừng, mở lòng bác ái mà tự hào về dân tộc. Có người đã hẹp hòi và cũ kĩ cho rằng, họ ở phương trời khác, chế độ khác, sao không về Tổ quốc mà hiến dâng? Lại cũng có người nhân đấy mà ca ngợi chế độ khác, phê phán chế độ ta không biết nuôi dưỡng, trọng dụng nhân tài, để cho nhiều lĩnh vực bây giờ: “Tuấn kiệt như sao buổi sớm, nhân tài như lá mùa thu”!

Không! Người có lương tâm và tư duy tỉnh táo luôn biết nhìn mọi chuyện, đặt mọi chuyện trong những hoàn cảnh lịch sử cụ thể. Những ai mang trong mình dòng máu Tiên Rồng, dù hoàn cảnh nào, phương trời nào, mọi sự thành đạt, đóng góp cho tiến bộ thế giới đều đáng được trân trọng; và những con người mang dòng máu Tiên Rồng ấy mỗi khi vấp váp, khổ đau, Đất Mẹ Việt Nam đều rỉ máu xót xa.

Việt Nam ta là nước nghèo, lạc hậu về khoa học kĩ thuật, nhưng con người chúng ta từ xa xưa đã có rất nhiều tên tuổi làm cho thế giới nghiêng mình. Nhiều danh hiệu cao quý của quốc tế trên nhiều lĩnh vực đã được trao cho người Việt. Ngày nay, hàng vạn sinh viên, các nhà khoa học Việt Nam đang công tác, học tập và thành đạt; nhiều nhà quản lí, nhà kinh doanh giỏi trên khắp thế giới đã chứng minh người Việt Nam giàu trí tuệ, giàu bản lĩnh sáng tạo. Tổ quốc nghèo, nhưng con người chúng ta chưa bao giờ hèn mọn.

Và đó, vừa là niềm tự hào, vừa là một dằn vặt, một động lực thôi thúc mỗi con dân nước Việt, thôi thúc cả hệ thống chính trị hãy làm sao biến tiềm năng trí tuệ Việt trong nước và quốc tế thành sức mạnh chung vai gánh vác sự nghiệp dân giàu, nước mạnh.

Để khơi nguồn tài năng sáng tạo Việt Nam chúng ta đã có nhiều chủ trương, nghị quyết, chiến lược… nhưng điểm mấu chốt là cần phải nhen nhóm và thổi bùng lên ngọn lửa của lòng tự hào song song với lòng tự ái dân tộc. Nếu chỉ tự hào mà thiếu tự ái thì sẽ duy ý chí, mù quáng, kiêu ngạo; nếu chỉ tự ái mà thiếu tự hào sẽ dẫn đến tự ti, thiếu tự tin, nhút nhát, tự bó hẹp và rập khuôn máy móc. Vì vậy, trong lòng mỗi người Việt Nam cần trỗi dậy phẩm chất tự tin, tự hào về quê hương, Tổ quốc mình trên cơ sở một nhận thức khoa học, biết mình biết ta, để trước thế giới hội nhập “Ta là ta, mà vẫn cứ mê ta” chung lưng góp sức vì hai tiếng Việt Nam thiêng liêng, thương mến tận đáy lòng./.

(Theo: QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất