Thứ Bảy, 28/9/2024
Sức khỏe
Thứ Hai, 2/5/2011 16:32'(GMT+7)

Đồng Tháp: Tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng chống HIV/AIDS

 Là một trong 06 tỉnh biên giới Tây Nam, Đồng Tháp có tuyến biên giới giáp với tỉnh Prâyveng Vương quốc Campuchia dài khoảng 48,7km nằm trên địa bàn huyện Tân Hồng, huyện Hồng Ngự và thị xã Hồng Ngự. Với đặc điểm tình hình dân cư thường xuyên qua lại biên giới để làm ăn, buôn bán và kinh doanh các hoạt động trá hình khác như ma túy, mại dâm… đây là một trong những nguyên nhân của HIV/AIDS lây lan nhanh trên địa bàn Tỉnh.

Từ khi trường hợp nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện vào năm 1992, tính đến ngày 31/12/2010, tổng số người nhiễm HIV/AIDS được phát hiện ở Đồng Tháp là 4.905 trường hợp, trong đó chuyển thành AIDS là 1.743 trường hợp, tử vong 803 trường hợp. Chỉ tính riêng tại Đồng Tháp đã có 142/144 xã, phường, thị trấn có người nhiễm HIV/AIDS, tổng số người nhiễm là 4.146 trường hợp, trong đó đã chuyển sang AIDS là 1.668 trường hợp, tử vong 1.792 trường hợp. Trong đó, địa phương có số người nhiễm chiếm tỷ lệ cao nhất là huyện Hồng Ngự, thị xã Hồng Ngự, huyện Thanh Bình, Tam Nông, thành phố Cao Lãnh và thị xã Sa Đéc. Đặc biệt, số trường hợp mới nhiễm được phát hiện trung bình khoảng 35 trường hợp/tháng, từ đó có thể nhận thấy rằng dịch HIV/AIDS ở Đồng Tháp chưa có dấu hiệu dừng lại.

Đối tượng nhiễm HIV/AIDS có xu hướng trẻ hóa ngày càng rõ rệt, người nhiễm HIV/AIDS ở lứa tuổi 20-39 chiếm tỷ lệ 77,77%, tuổi vị thành niên từ 13-19 chiếm tỷ lệ 3,20%, điều này ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh vì đây là lực lượng chủ yếu làm ra của cải vật chất cho xã hội. Nhóm trẻ em dưới 13 tuổi (chiếm 3,93%) bắt đầu chịu sự tác động của đại dịch HIV/AIDS, điều này ít nhiều dịch HIV/AIDS có chiều hướng lan ra cộng đồng.

Theo nhận định của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS Tỉnh, xu hướng lây nhiễm HIV/AIDS ở Đồng Tháp có nét đặc thù giống các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, chủ yếu lây truyền qua đường tình dục, đa số các trường hợp lây nhiễm HIV/AIDS ít nhiều liên quan đến tình trạng di biến động, dân cư qua lại biên giới, đặc biệt nguy cơ bị lây nhiễm cao và đe dọa lây lan sang cộng đồng là từ nhóm gái mãi dâm, lái xe đường dài…

Trong giai đoạn 2001 - 2007, Đồng Tháp là tỉnh đứng thứ 10 trong cả nước có tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS cao, nhưng nhờ sự nỗ lực của ngành y tế và các ngành, các cấp trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, đến năm 2010 tình trạng lây nhiễm HIV/AIDS có chiều hướng chững lại, đứng hàng thứ 15 trong cả nước về tỷ lệ lây nhiễm.

Trước tình hình đó, ngay trong năm 2010, Tỉnh đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều hoạt động chuyên môn trong phòng, chống HIV/AIDS. Đặc biệt là hoạt động thông tin, giáo dục và truyền thông về phòng chống HIV/AIDS đã được ngành y tế của Tỉnh triển khai khá tốt trên diện rộng, với sự tham gia của hầu hết các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội từ Tỉnh đến cơ sở bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Ngoài việc tăng cường truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, ngành y tế còn chú trọng đến các hoạt động truyền thông thay đổi hành vi tại các huyện, thị trọng điểm thông qua các mô hình dự án do các tổ chức quốc tế tài trợ đã đem lại nhiều kết quả thiết thực như:

Chương trình can thiệp giảm tác hại trong phòng lây nhiễm HIV có sự cam kết giữa ngành Y tế và Công an thông qua các kênh tuyên truyền viên đồng đẳng, cộng tác viên, phòng tư vấn xét nghiệm tự nguyện... đã tiếp cận, phân phát gần 34.000 bao cao su miễn phí, phân phát và thu gom trên 143.000 bơm kim tiêm.

Chương trình chăm sóc và điều trị bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS bước đầu đã được triển khai tại các bệnh viện tuyến Tỉnh. Đặc biệt từ năm 2008 đến nay, Tỉnh đã tranh thủ đủ nguồn thuốc đáp ứng nhu cầu điều trị bệnh nhân AIDS, giúp bệnh nhân an tâm điều trị tại địa phương.

Hoạt động tư vấn, xét nghiệm tự nguyện từng bước đi vào nền nếp theo đúng quy trình và hoạt động ngày càng có hiệu quả, thu hút nhiều khách hàng tự đến. Hiện nay, tỉnh Đồng Tháp có 02 phòng tư vấn xét nghiệm tự nguyện, thu hút bình quân trên 100 lượt khách hàng/phòng/tháng. Số người được tư vấn trước xét nghiệm là 9.719 người, số người xét nghiệm HIV là 5.541 người, số người quay lại nhận kết quả và được tư vấn sau xét nghiệm là 5.023 người, trong đó phát hiện 186 ca dương tính với HIV.

Chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đến nay đã tư vấn trước xét nghiệm HIV cho 23.392 phụ nữ mang thai (đạt tỷ lệ hơn 77,89% so với số phụ nữ khám thai lần đầu tại cơ sở y tế), 13.993 phụ nữ mang thai được xét nghiệm HIV tự nguyện, số trẻ sinh ra từ bà mẹ nhiễm HIV được điều trị dự phòng lây truyền HIV là 35. Chương trình này đang được triển khai mở rộng trong toàn Tỉnh với các nội dung: tăng cường sự ủng hộ, tham gia của chính quyền các cấp và các ngành đoàn thể liên quan, thiết lập hệ thống chăm sóc, hỗ trợ các bà mẹ, trẻ em nhiễm HIV tại cộng đồng; củng cố và đầu tư cho Trung tâm Bảo trợ xã hội để tăng cường khả năng tiếp nhận và chăm sóc trẻ mồ côi bị nhiễm HIV không nơi nương tựa...

Với sự nỗ lực của các cơ quan quản lý và sự vào cuộc tích cực của các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội trong toàn Tỉnh cùng sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, tỷ lệ lây nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh đã giảm dần (hiện đứng thứ 15 trong cả nước), mức độ dịch khoảng 0,28%. Tuy nhiên, theo nhận định của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS, xu hướng lây nhiễm HIV/AIDS ở Đồng Tháp chủ yếu lây truyền qua đường tình dục, đa số các trường hợp lây nhiễm ít nhiều liên quan đến tình trạng di biến động, dân cư qua lại biên giới, đặc biệt nguy cơ cao bị lây nhiễm và đe dọa lây lan sang cộng đồng là từ nhóm gái mại dâm.

Theo báo cáo của Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, số gái mại dâm có hồ sơ quản lý trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp là 540 trường hợp, nhưng con số thực tế có thể cao hơn nhiều.

Việc thay đổi hành vi của các đối tượng nguy cơ cao lại còn ở mức thấp. Kết quả điều tra của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương tại Đồng Tháp cho thấy, người nhiễm HIV/AIDS sau khi biết mình bị nhiễm HIV vẫn tiếp tục quan hệ tình dục với gái mại dâm và sử dụng bao cao su rất thấp. Trong khi đó, mạng lưới cán bộ chuyên trách tại Trạm Y tế còn yếu về trình độ chuyên môn và chưa có chính sách, chế độ phù hợp để khuyến khích họ tham gia tích cực vào hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật trong phòng chống HIV/AIDS chưa được kiểm tra, đánh giá thường xuyên tại cơ sở. Vấn đề kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV còn nặng nề. Việc tiếp cận tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS cho lao động di biến động còn gặp nhiều khó khăn do người lao động thường xuyên đi xa trong thời gian dài, người nghiện ma túy và gái mại dâm thường xuyên thay đổi chỗ ở và địa điểm sinh hoạt nên việc quản lý tuyên truyền gặp nhiều khó khăn. Nguồn kinh phí từ chương trình mục tiêu quốc gia còn hạn hẹp, chưa đủ sức triển khai một cách đồng bộ và sâu rộng chương trình hành động quốc gia tới tất cả các địa bàn và tới từng người dân trong cộng đồng.

Trong thời gian tới, các vấn đề ưu tiên trong công tác phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh Đồng Tháp là cần phải tập trung vào công tác thông tin, truyền thông và giáo dục làm chuyển đổi hành vi; tăng cường các hoạt động can thiệp làm giảm tác hại nhằm ngăn chặn sự lây nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma túy, gái mại dâm và từ họ lây lan ra cộng đồng; chăm sóc người nhiễm tại cộng đồng và các cơ sở y tế; dự phòng lây truyền từ mẹ sang con; đảm bảo an toàn truyền máu; quản lý khám điều trị các nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục. Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện và tăng cường năng lực hệ thống giám sát HIV/AIDS, nâng cao năng lực của hệ thống phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn Tỉnh.

Minh Phú

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Tháp

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất