Thứ Bảy, 28/9/2024
Giáo dục
Thứ Bảy, 20/8/2011 20:47'(GMT+7)

Ðột phá trong đào tạo nguồn nhân lực

Sinh viên Trường đại học Yersin Đà Lạt thực hành thí nghiệm.

Sinh viên Trường đại học Yersin Đà Lạt thực hành thí nghiệm.

Muốn sử dụng phải đào tạo lại

Theo Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) vào thời điểm tháng 2-2011, cả nước có 227 trường cao đẳng (CÐ) với 576.878 sinh viên; 149 trường đại học (ÐH) với 1.358.861 sinh viên. Công tác đào tạo ÐH, CÐ đã góp phần quan trọng tạo nguồn nhân lực phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Tuy nhiên, so với yêu cầu của công cuộc CNH, HÐH đất nước, quá trình đào tạo nguồn nhân lực vẫn còn nhiều bất cập. Chủ tịch Hội khoa học phát triển nguồn nhân lực - nhân tài Việt Nam Vũ Ngọc Phương cho rằng, trong công tác đào tạo thời gian qua chủ yếu tập trung vào những ngành, nghề có chi phí thấp như kinh tế, luật chiếm 43% số học sinh, sinh viên; các ngành khoa học kỹ thuật chỉ chiếm 25,5%... Trong khi đó, khoảng 50% số nhân lực được các doanh nghiệp tiếp nhận phải đưa đi đào tạo lại từ ba tháng trở lên. Ðiều đó cho thấy trong đào tạo hiện nay còn quá nặng về lý thuyết, thiếu ứng dụng thực tiễn.

Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực (Bộ GD và ÐT), tiến sĩ Phạm Văn Sơn cho rằng, nhân lực đào tạo ở các bậc hằng năm vẫn tăng nhưng đội ngũ nhân lực chất lượng cao vẫn rất thiếu so với nhu cầu xã hội, chất lượng còn nhiều yếu kém. Thực tế tại các doanh nghiệp, cơ quan sử dụng lao động cho thấy, phần lớn số người có trình độ, chuyên môn, kỹ thuật, thậm chí cả những nhóm người có trình độ thạc sĩ vẫn cần phải có thời gian đào tạo bổ sung hoặc đào tạo, bồi dưỡng trước khi sử dụng họ. Ðiều đó gây lãng phí nguồn nhân lực cho cả Nhà nước và doanh nghiệp. Mặt khác, xét về cơ cấu ngành nghề đào tạo và sử dụng rất thiếu nhân lực trình độ cao ở một số ngành, lĩnh vực quan trọng như các ngành kỹ thuật - công nghệ, nông - lâm- ngư chiếm tỷ trọng thấp; trong khi đó, các ngành nghề luật, kinh tế, tài chính... lại quá cao.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Đại học Nguyễn Trãi, TS Nguyễn Tiến Luận cho rằng, đào tạo chưa thật sự gắn với nhu cầu thực tế khi tư tưởng phổ biến hiện nay là tất cả sinh viên ra trường đều phải có kiến thức hàn lâm, có thể trở thành những nhà khoa học mà chưa quan tâm đến thực tế nhu cầu phát triển kinh tế  - xã hội đang cần gì để đào tạo đáp ứng nhu cầu đó. Viện trưởng Viện Khoa học phát triển nhân lực và tài năng PGS,TS Bùi Ngọc Oánh cho rằng, việc đào tạo nhân lực trong các trường ÐH, CÐ còn nặng nề, thiếu tính thực tiễn và tính ứng dụng. Ðặc biệt, cơ sở vật chất của nhiều trường ÐH, CÐ còn yếu kém, chưa đủ tiêu chuẩn phục vụ cho việc đào tạo. Trong khi đó, tình trạng bằng "thật" nhưng học "giả" thông qua việc chạy bằng, xin điểm để đủ điều kiện tốt nghiệp ảnh hưởng không nhỏ đến việc đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng của đất nước.

Ðáng chú ý, theo thừa nhận của Bộ GD và ÐT, trong đào tạo ÐH, CÐ hệ không chính quy của nhiều trường còn mất cân đối về cơ cấu ngành nghề, trình độ đào tạo và hình thức đào tạo; hoạt động liên kết đào tạo (trong nước, ngoài nước) có nơi chưa thực hiện đúng quy định của pháp luật. Nhất là một số trường ÐH, CÐ mới thành lập chưa thực hiện đúng các cam kết khi thành lập trường, tiến độ triển khai kế hoạch xây dựng và phát triển trường chậm làm ảnh hưởng đến điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo...

Cần những việc làm cụ thể

Phát triển nguồn nhân lực không đơn giản chỉ là đào tạo nghề nghiệp mà còn là nền móng để giải quyết triệt để đói nghèo, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, ổn định chính trị xã hội....Chiến lược phát triển nguồn nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011 - 2020 đòi hỏi cần có sự đổi mới căn bản, toàn diện GD và ÐT theo nhu cầu xã hội; nâng cao chất lượng đào tạo theo yêu cầu chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế, phục vụ đắc lực sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tiến sĩ Phạm Văn Sơn cho rằng, để đào tạo tốt nguồn nhân lực, việc quy hoạch, quản lý và mở ngành đào tạo hiện nay cần nghiên cứu để phù hợp với nhu cầu thực tế và định hướng phát triển nguồn nhân lực quốc gia. Cần tránh tình trạng các trường chạy theo thị hiếu thí sinh hơn là đáp ứng nhu cầu nhân lực cho xã hội. Nếu không kịp thời điều chỉnh, cán cân cung - cầu nguồn nhân lực ngày càng mất cân đối, hệ lụy đến sự phát triển của đời sống kinh tế - xã hội là tất yếu. Các cơ sở đào tạo ÐH, CÐ cần thật sự đổi mới công tác tuyển sinh, đào tạo để sau khi tốt nghiệp, sinh viên trở thành người lao động vừa có "tâm" vừa có "tầm". Theo PGS,TS Bùi Ngọc Oánh, cần thành lập những lực lượng chuyên môn kiểm tra và loại trừ nạn "học giả, bằng thật" ở các trường ÐH, CÐ trong nước và "học giả, bằng giả" do các trường ÐH ở nước ngoài cấp, nhằm tạo sự trong sạch và phát triển nguồn nhân lực có trình độ thực tiễn cao.

Các chuyên gia giáo dục nhận định, vấn đề cốt yếu trong nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chính là thực hiện nâng cao chất lượng đào tạo, tăng cường cơ sở vật chất phục vụ đào tạo gắn với nhu cầu xã hội. Các trường ÐH, CÐ cần xây dựng và công bố chuẩn đầu ra cho từng ngành đào tạo, trình độ đào tạo; đổi mới chương trình, giáo trình, phương pháp giảng dạy để sinh viên có thể đạt chuẩn đầu ra khi tốt nghiệp. Tăng cường hợp tác trong đào tạo, nghiên cứu khoa học giữa các cơ sở giáo dục ÐH với các doanh nghiệp, thông qua việc ký kết các hợp đồng, thỏa thuận hợp tác. Ngành GD và ÐT cần đẩy nhanh tiến độ hoạt động tự đánh giá chất lượng giáo dục các cơ sở giáo dục ÐH, CÐ và triển khai các hoạt động đánh giá ngoài; giám sát, kiểm tra có hiệu quả các cơ sở đào tạo trong việc thực hiện kế hoạch cải tiến chất lượng giáo dục.

Công cuộc CNH, HÐH đất nước ngày càng đòi hỏi nguồn lực lao động chất lượng cao, đó chính là yếu tố cơ bản của sự phát triển nhanh và bền vững. Vì vậy, ngành GD và ÐT cần có những đổi mới toàn diện, quyết liệt, cụ thể và có tính đột phá nhằm tạo chuyển biến về chất lượng, hiệu quả và quy mô đưa giáo dục ÐH, CÐ vừa đáp ứng nhu cầu xã hội, vừa ngang bằng các nước trong khu vực và tiếp cận trình độ tiên tiến trên thế giới, góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Xuân Kỳ/ Nhân Dân

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất