Thứ Hai, 30/9/2024
Giáo dục
Thứ Tư, 4/12/2013 20:58'(GMT+7)

Đột phá trong thi cử và khắc phục tình trạng dạy thêm, học thêm

Các vị khách tham gia buổi toạ đàm (Ảnh: TH)

Các vị khách tham gia buổi toạ đàm (Ảnh: TH)


Ngày 4-12,  Cổng thông tin điện tử Chính phủ đã tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề: "Đột phá trong thi cử và khắc phục tình trạng dạy thêm, học thêm". Tham gia tọa đàm có các vị khách mời: Ông Nguyễn Vinh Hiển - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; PSG.TS NGƯT Đinh Xuân Khoa - Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh; PGS. Văn Như Cương - Hiệu trưởng trường Lương Thế Vinh (Hà Nội).

Ủng hộ hướng ra đề mở

Chiều 3/12, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế Thế giới (OEDC) đã chính thức công bố kết quả kỳ thi khảo sát đánh giá PISA 2012. Tuy nằm trong nhóm nước kinh tế thấp trong các nước tham gia kỳ thi PISA (gồm 65 quốc gia và vùng lãnh thổ), song Việt Nam luôn đứng ở tốp 10 và tốp 20 trên bảng tổng sắp. Kết quả này cho thấy sự tiến bộ không ngừng của học sinh phổ thông Việt Nam được đánh giá thông qua các kỹ năng và kiến thức thực tế mà OECD thực hiện.

Các vị khách mời tại buổi toạ đàm đều có chung ý kiến rằng hướng ra đề thi, đề kiểm tra mở đã khắc phục được phần nào sự thay đổi về chất việc kiểm tra đánh giá học sinh phổ thông cũng như tuyển chọn đầu vào ở bậc GD nghề nghiệp.

Theo PGS Văn Như Cương nói, đề mở là một hướng ra đề nên khuyến khích thực hiện, vì nó giúp học sinh phát huy sáng tạo, bày tỏ suy nghĩ cá nhân… Nhưng ra đề mở rất khó. Mở tới đâu? Mở như thế nào? Đề mở nhưng chấm có mở không? Đề mở nhưng dạy học có mở không? Đó là những điều phải suy nghĩ.

Nhận xét về một đề mở của trường Hà Nội - Amsterdam, yêu cầu học sinh trình bày suy nghĩ về câu hát của Jonh Lennon: "Phải chăng chúng ta đều tỏa sáng, như mặt trăng, như những vì sao…”, PGS. Văn Như Cương cho biết trăng và các vì sao không tự tỏa sáng mà nó sáng nhờ mặt trời. Vậy nên khi ra đề thế này, người ra đề cũng cần tính tới tình huống học sinh sẽ viết “người ta không cần tự tỏa sáng mà có thể sáng nhờ người khác, có thể dựa dẫm vào sự tỏa sáng của người khác, nhờ vào ô dù nào đó. Mỗi đề thi đều phải mang tới cho học sinh những thông điệp nhất định. Vậy trong tình huống đó người chấm cần làm gì?

Nói về đề mở, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển lại có ý kiến khác: “Đề mở không bao giờ có một kết quả duy nhất và có thể chấp nhận quan điểm trái chiều, nếu học sinh trình bày thuyết phục. Ví như trong đề thi trên, học sinh hoàn toàn có thể viết “Tôi không muốn như mặt trăng, như các vì sao mà muốn làm mặt trời”.

Với những đề thi mở, cách dạy học mở thì không chỉ nhìn vào kết quả mà phải nhìn vào quá trình giáo dục, không chỉ kiểm tra kiến thức, suy nghĩ mà còn kiểm tra kỹ năng lập luận logic, cách thuyết phục… Đó cũng là mục đích của việc đổi mới kiểm tra, đánh giá mà Bộ Giáo dục – Đào tạo đang hướng tới.

“Gánh nặng” dạy thêm - học thêm

Tại buổi toạ đàm, các ý kiến cho rằng, việc ra đề mở cũng góp phần làm giảm việc dạy thêm học thêm. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, việc dạy thêm, học thêm hiện nay vẫn còn là xuất phát và đáp ứng nhu cầu của các em học sinh. Sắp tới, chủ trương giảm tải môn học, giảm tải kỳ thi sẽ làm giảm đi áp lực thi cử, kiểm tra đối với các em học sinh, giảm đi gánh nặng dạy thêm, học thêm.

PGS. Văn Như Cương bày tỏ mong muốn cần phải chống tiêu cực trong việc học thêm, dạy thêm. Trước đây, việc dạy thêm, học thêm có nghĩa là phụ đạo kiến thức cho những em học sinh còn yếu kém và bồi dưỡng cho những em học sinh khá giỏi. Dạy thêm và học thêm phải tiến tới điều đó, chính đáng và có lợi cho học sinh, chứ không phải chỉ đơn thuần là cấm đoán dạy thêm, học thêm một cách tràn lan, vô ích.

Theo PSG.TS NGƯT Đinh Xuân Khoa - hiệu trưởng Trường Đại học Vinh, nếu việc học ở trên lớp chưa hết kiến thức, việc các em phải học thêm là điều tất yếu. Lúc đó, các em phải học và kiểm tra bài theo kiểu tái hiện “thầy đọc – trò chép”. Tuy nhiên, Đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục sẽ làm giảm được gánh nặng này.

Cũng không thể không nói tới các yếu tố khác có ảnh hưởng đến việc học thêm - dạy thêm. Đó là tâm lý của các bậc phụ huynh, muốn cho con học thật nhiều cho bằng bạn, bằng bè, thậm chí là hơn cả bạn bè. Các em học sinh chỉ học có một buổi ở trên lớp, bố mẹ lại đi làm vắng nhà, nên tất yếu tâm lý của bố mẹ muốn gửi con tới trường, tới các lớp học thêm để nhờ thầy cô quản lý và dạy dỗ.

Do đó, để giảm đi gánh nặng dạy thêm - học thêm không chỉ phụ thuộc vào ngành giáo dục mà còn phụ thuộc tới rất nhiều các yếu tố khác. Theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, Bộ Giáo dục – Đào tạo đã có chủ trương sẽ tăng giờ tự học của học sinh ở trường có sự hướng dẫn của thầy cô, tránh tình trạng đưa kiến thức trong giờ học ra ngoài giờ học.

PGS Văn Như Cương cũng đề nghị cần làm khảo sát xã hội học để thấy yêu cầu học thêm, dạy thêm ở bộ phận để có thể giải quyết yêu cầu cho bộ phận đó. Cần tăng cường trách nhiệm của các thầy cô giáo, của những người làm công tác giáo dục và cả các bậc phụ huynh. Một điều rất quan trọng là các bậc phụ huynh nên kỳ vọng ở con em mình ít hơn mà cần “kỳ công” hơn trong việc dạy con học.

Đổi mới kiểm tra, đánh giá thi cử là khâu đột phá

Tại buổi toạ đàm, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cũng khẳng định nếu các thầy cô giáo chỉ chấm điểm bài thi, mà không có nhận xét đánh giá  xem em học sinh đó cần phải sửa chữa điều gì là sai.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, đổi mới kiểm tra, đánh giá trong thi cử được coi là khâu đột phá, then chốt trong việc thực hiện, triển khai NQTW 8  về Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, cần hướng tới việc học sinh làm được gì sau khi học. Trong thực tế, quan niệm về kiểm tra đánh giá còn hạn hẹp, chỉ coi trọng kết quả cuối cùng là học được gì. Trong khi đó, cách kiểm tra đánh giá theo quan điểm mới là trong quá trình dạy học, giáo viên phải biết phát hiện những nhân tố nổi bật của học sinh để bồi dưỡng, phát huy; nhìn ra những yếu kém của học sinh để có hướng dẫn kịp thời, điều chỉnh phương pháp, nội dung dạy học để giúp học sinh đạt được kết quả tốt trong quá trình học tập. Đây là hướng đi coi trọng, tăng cường đánh giá quá trình kết hợp với đánh giá kết quả giáo dục.

PSG.TS NGƯT Đinh Xuân Khoa - hiệu trưởng Trường Đại học Vinh cũng cho biết, đổi mới kiếm tra đánh giá thi cử một cách đột phá được xem là điểm then chốt, bởi nó tác động ngược lại đến việc dạy và học, đồng thời đây là việc có thể làm luôn, làm ngay, không sợ thất bại và không phải đầu tư nhiều, nó tác dụng đến toàn hệ thống giáo dục.

Theo PGS. Văn Như Cương cũng cần coi trọng việc dạy cho học trò cái gì, học trò học như thế nào, áp dụng điều học được ra cuộc sống như thế nào.

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cũng cho biết rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo đang triển khai cách đánh giá mới, đó là không dựa chỉ vào kết quả, không nhằm vào từng đối tượng học sinh cụ thể, mà nhằm vào diện rộng. Nhưng tổng hợp lại có kết quả chung là học sinh làm được gì, phân tích điều tra được các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả giáo dục như yếu tố giáo viên, yếu tố cơ sở vật chất, chương trình, SGK; có cả những yếu tố của quá trình thực hiện như công tác quản lý của nhà trường, quản lý giáo viên… Khi tìm ra được mối tương quan giữa các tác động đó sẽ thay đổi chính sách, hướng tới kết quả tốt hơn.

Thu Hằng
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất