Thứ Hai, 30/9/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Ba, 9/6/2009 11:15'(GMT+7)

Dự thảo Luật Quảng cáo: Thắt hầu bao báo chí ?

Các công trình quảng cáo ngoài trời chưa được coi là tài sản của DN.

Các công trình quảng cáo ngoài trời chưa được coi là tài sản của DN.

Thắt chặt quảng cáo trên báo chí

Từ Điều 24 đến Điều 26 quy định: QC trên báo in không được quá 10% và tạp chí không quá 20%. Nếu quảng cáo quá số lượng trên sẽ phải xin phép ra phụ trương chuyên QC. Với báo điện tử không vượt quá 10% diện tích (trừ chuyên trang QC) và chỉ được đặt ở bên phải hoặc bên trái khuôn hình. Dự thảo cũng quy định báo nói, báo hình không QC quá 5% thời lượng phát sóng (trừ kênh, hệ chương trình chuyên QC)... Nhìn từ thực tế, nhất là trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay thì thực hiện được những quy định trên thật quá khó khăn với các cơ quan thông tin tuyên truyền. Không đồng tình với quy định này, ông Trần Quang Tiến (Hội Nhà báo Việt Nam) đưa ra ví dụ về sự phá sản của một số cơ quan báo chí trên thế giới do không có quảng cáo. Trong khi đó, hầu hết các tờ báo in ở nước ta hiện nay phải tự hạch toán thu - chi thì quy định trên đã "bóp nghẹt" nguồn thu của các báo. Ngoài ra, việc bắt buộc phải xin phép khi ra thêm phụ trương quảng cáo là rườm rà và dễ phát sinh tiêu cực. Thực tế, nhiều tờ nhật báo uy tín, số nào cũng kèm phụ trương, chiếu theo luật thì ngày nào cơ quan báo đó cũng phải đi xin giấy phép. Ông Tiến kiến nghị, do đã có quy định về việc ra phụ trương thì cứ để các cơ quan tự áp dụng, nếu sai sẽ bị xử phạt.

Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Thành Lương, Giám đốc Trung tâm Quảng cáo Đài THVN nhấn mạnh: QC là một ngành công nghiệp không khói, vừa thu lợi nhuận cao, vừa là nhiệt kế đo tăng trưởng kinh tế, do đó Điều 26 "khống chế" thời lượng QC trên báo nói, báo hình là phi lý. Theo ông, "có thực mới vực được đạo", không có tiền thì nhà đài không thể xây dựng các chương trình hấp dẫn, bổ ích phục vụ công chúng, mà nguồn thu cơ bản của Đài THVN chính là QC. Chỉ làm phép so sánh đơn giản thế này sẽ thấy rõ: mua một tập phim hay của nước ngoài tối đa hết 2.000 USD, sản xuất một tập phim Việt Nam tối thiểu phải mất 15.000 USD. Không những thế, dự thảo Luật Điện ảnh quy định Đài THVN phải chiếu phim Việt Nam vào các giờ vàng, vậy tiền ở đâu để sản xuất phim, để mua bản quyền phát sóng các chương trình quan trọng? Để có thể nâng cao chất lượng, có lẽ Đài Truyền hình sẵn sàng chấp nhận phạt nếu điều luật trên được thực thi - ông Lương khẳng định.

Còn bà Nguyễn Thanh Hương, phụ trách QC báo điện tử VnExpress cho rằng: Việc quy định QC trên báo điện tử chỉ được đặt một bên khuôn hình là thiếu tính khoa học vì mỗi báo điện tử có một giao diện khác nhau, hơn nữa diện tích báo điện tử tùy thuộc vào lượng tin, bài nhập hằng ngày, do đó không có tiêu chí để tính 10% diện tích báo điện tử là bao nhiêu…

Nhiều điểm cần làm rõ

Dự thảo luật lần này cũng đã liệt kê 7 nhóm hàng hóa, dịch vụ không được phép quảng cáo là: hàng hóa, dịch vụ bị cấm kinh doanh; thuốc lá; rượu có nồng độ cồn từ 30% trở lên; đánh bạc hoặc các trò chơi có thưởng dưới hình thức đánh bạc; các sản phẩm thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 6 tháng tuổi; thuốc độc, thuốc gây nghiện và một số hàng hóa, dịch vụ khác do Chính phủ quy định (Điều 10).

Quy định trên vừa thừa vừa thiếu, theo lý giải của ông Phạm Bá Dương, phụ trách QC Đài PT&TH Hà Nội là do có những hàng hóa trong thời điểm này bị cấm nhưng trong thời điểm khác thì lại được phép, do đó ông đề nghị ban soạn thảo chỉ nên quy định cấm quảng cáo các sản phẩm theo danh mục hàng hóa do Chính phủ quy định tại từng thời điểm.

Về những hành vi bị cấm trong hoạt động QC, điểm b, Điều 11 quy định: "CấmQC trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong, mỹ tục của dân tộc Việt Nam", ông Dương đặt câu hỏi: Tiêu chuẩn nào để đánh giá văn hóa, thuần phong, mỹ tục của người Việt Nam? Ví dụ khi quảng cáo về du lịch Tây Nguyên trên các địa phương khác có hình ảnh người đàn ông đóng khố đánh cồng chiêng thì QC đó có bị phạt không? Câu hỏi này không thành viên nào trong ban soạn thảo luật trả lời được.

Dẫn chứng cho những điều còn "mù mờ" trong dự thảo, ông Trần Hùng, Phó Tổng thư ký Hiệp hội QC Việt Nam nói: "Tại sao điểm 3 (Điều 17) quy định rất rõ người phát hành QC có nghĩa vụ "bồi thường thiệt hại do mình gây ra theo quy định của pháp luật" nhưng lại không có điều nào quy định doanh nghiệp được quyền đầu tư lâu dài cho các công trình QC, chưa coi các công trình QC ngoài trời là tài sản của doanh nghiệp và cũng không có quy định nào nói rõ Nhà nước sẽ bồi thường thiệt hại tài sản cho doanh nghiệp… nếu sự thiệt hại đó do Nhà nước gây ra.

Về việc kiểm duyệt nội dung QC, ông Hùng đề xuất Nhà nước nên thành lập Hội đồng thẩm định quốc gia (tương tự Hội đồng duyệt phim) gồm đại diện một số ngành chức năng. Hằng tuần, các đơn vị gửi nội dung QC lên để Hội đồng thẩm định duyệt và khi đã qua thẩm định thì kịch bản QC đó có thể QC ở bất kỳ địa phương nào trong cả nước. Ông Hùng cho rằng, biện pháp này vừa thuận lợi cho các doanh nghiệp, vừa tránh được sự thẩm định cảm tính.

Ngoài ra, các đại biểu còn góp ý không nên cấm sự so sánh giữa sản phẩm này với sản phẩm khác nếu sự so sánh đó là lành mạnh hoặc nên có những quy định cụ thể rõ hơn về phần trăm cho người làm QC, hợp đồng dịch vụ trong QC…

Như vậy, để dự thảo Luật Quảng cáo đi vào cuộc sống còn nhiều điều phải tiếp tục sửa đổi, bổ sung./.

(Theo: HNM)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất