Thứ Hai, 30/9/2024
Giáo dục
Thứ Hai, 24/1/2011 20:58'(GMT+7)

Đưa hoạt động văn hóa dân gian vào trường học: Khơi dậy nét đẹp văn hóa truyền thống

Nặn tò he, trò chơi truyền thống được trẻ em yêu thích. Ảnh: Nhật Nam

Nặn tò he, trò chơi truyền thống được trẻ em yêu thích. Ảnh: Nhật Nam

Dịp này những hoạt động như vậy được tổ chức dồn dập ở các nhà trường, với mong muốn mang lại cho các em cảm nhận thật tự nhiên và ý nghĩa về những nét đẹp truyền thống của dân tộc.

Hướng về cội nguồn…

Với ngành GD-ĐT Thủ đô, việc tổ chức các phiên chợ quê từ lâu đã trở thành nếp quen của nhiều nhà trường, song chủ yếu ở khối mầm non. Cuộc vận động xây dựng "Trường học thân thiện, HS tích cực" được triển khai 2 năm qua đã thực sự làm dấy lên phong trào tổ chức các hoạt động vui chơi dân gian ở mọi trường học. Rộn rã nhất là vào dịp Hà Nội đón Đại lễ. Các hoạt động vui chơi dân gian được tổ chức không chỉ ở các nhà trường, mà còn mang quy mô lớn trên toàn quận, huyện.

Nhưng không chỉ dừng lại ở việc tổ chức phong trào, nhiều thầy, cô giáo đã mày mò, sưu tập những hoạt động tập thể mang tính truyền thống, mong muốn để các em tiếp cận thường xuyên với những hoạt động văn hóa dân gian vốn quen thuộc với trẻ con ngày trước nhưng lại đang dần bị bỏ quên. Quận Cầu Giấy là một trong số những đơn vị tiêu biểu khi dành hẳn một ngày ở Công viên Nghĩa Đô để tổ chức ngày hội các trò chơi dân gian, hội chợ quê và triển lãm tranh do chính các em vẽ, thu hút gần 7.000 HS các trường tham gia. Đến với ngày hội, các em được hóa thân vào vai kẻ bán - người mua những thứ quà quê như bánh đúc, bánh cuốn, bánh rán, bún chả; làm người thợ nặn gốm miệt mài với đất sét, với bảng màu. Hấp dẫn và tập trung HS đông hơn cả là khu liên hoan các trò chơi dân gian với nhiều trò hấp dẫn như nhảy bao tải, ném bóng, kéo co, nặn tò he, tô tượng, bịt mắt bắt dê…

Trong những ngày cuối tuần này, nhiều trường học trên địa bàn quận cũng rộn rã bởi nhiều hình thức văn hóa dân gian được tổ chức ngay tại trường. Không quá bỡ ngỡ với múa sạp, nặn tò he… nhưng các em đều thực sự háo hức. Theo cô Phạm Minh Thúy, Hiệu trưởng Trường THCS Mai Dịch, đây là phần thưởng tinh thần cho những cố gắng của các em trong học kỳ I vừa qua, cũng là cách để hình thành văn hóa giao tiếp trong ứng xử với bạn bè, thầy cô của HS khi tham gia hoạt động tập thể. Còn Trưởng phòng

GD-ĐT quận Cầu Giấy Nguyễn Thị Vân Anh cho rằng, đây là bài học về văn hóa truyền thống một cách sinh động và ý nghĩa nhất. Thay vì những bài học lý thuyết trên lớp, các em được trực tiếp tham gia và có cảm nhận của riêng mình về những hoạt động này. Bằng sự sáng tạo, tận tâm và trách nhiệm, các thầy, cô giáo đều mong muốn góp phần nuôi dưỡng trong mỗi HS về tình cảm quê hương, đất nước, hình thành ý thức bảo vệ, giữ gìn những nét đẹp của văn hóa, lịch sử và con người Thăng Long - Hà Nội.

… để hình thành nếp sống văn hóa

Khi dư luận xã hội đang không khỏi bức xúc vì tác động tiêu cực của game online, bạo lực học đường… thì các hoạt động văn hóa dân gian như thế được coi là một trong những giải pháp quan trọng và bền vững để lôi cuốn HS vào những hoạt động lành mạnh. Việc đưa trò chơi dân gian, hát dân ca và các loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian, xây dựng quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học được coi là điểm nhấn trong việc triển khai phong trào "Trường học thân thiện, HS tích cực" giai đoạn này. Bà Dương Thanh Huyền, Trưởng phòng GD-ĐT quận Hoàn Kiếm, một trong hai cá nhân tiêu biểu vừa được UBND TP khen thưởng trong việc triển khai phong trào, cho biết: Các hoạt động này không chỉ góp phần rèn luyện sức khỏe, kỹ năng ứng xử với các tình huống trong cuộc sống, thói quen làm việc, sinh hoạt theo nhóm mà còn rèn cho HS kỹ năng ứng xử văn hóa, tránh xa những trò chơi vô bổ và tệ nạn xã hội.

Năm học này, Hà Nội còn tạo được điểm nhấn riêng là đưa vào giảng dạy bộ tài liệu "Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho HS". Theo đó, HS được học về những nét đẹp văn minh, thanh lịch của người Hà Nội, bắt đầu từ lời ăn, tiếng nói trong giao tiếp, sinh hoạt hằng ngày, khơi dậy cho các em ý thức trách nhiệm trong học tập, rèn luyện và giữ gìn, phát huy những giá trị truyền thống.

Từ những chuyển biến trong ý thức, trách nhiệm của mỗi HS, diện mạo của các nhà trường đã có nhiều thay đổi. Chuyển biến rõ nét và dễ thấy nhất là cảnh quan các trường học được xây dựng xanh -sạch - đẹp, nền nếp dạy - học và sinh hoạt được duy trì, trường lớp được giữ gìn khang trang… từ đó có tác động tích cực đến chất lượng giáo dục. Cùng với các thầy, cô giáo, từ đầu năm học tới nay, HS Thủ đô đã hưởng ứng tích cực các hoạt động xã hội, từ thiện với hơn 2 tỷ đồng và 16 tấn hàng hóa (gồm quần áo, sách vở, đồ dùng học tập…) gửi tặng các bạn nghèo. Những hoạt động như thế đang ngày càng lan tỏa, có tác động tích cực tới việc lưu truyền và phát huy nét đẹp truyền thống cho các thế hệ HS Thủ đô.

(Theo Thống Nhất/HNM)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất