Thứ Hai, 30/9/2024
Pháp luật
Thứ Tư, 5/11/2008 21:7'(GMT+7)

"Dừng mọi cuộc họp, tập trung giúp dân khắc phục hậu quả"

Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị (ngoài cùng bên trái) đi kiểm tra công tác phòng chống lũ lụt.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị (ngoài cùng bên trái) đi kiểm tra công tác phòng chống lũ lụt.

- Thưa ông, tính đến cuối ngày hôm nay, tình hình ngập lụt ở Hà Nội đã được khắc phục đến đâu?

Trong những ngày qua, TP Hà Nội đã dừng mọi cuộc họp và những công việc không thật cần thiết để tập trung mọi lực lượng và phương tiện ứng cứu khẩn cấp, khắc phục các thiệt hại do thiên tai gây ra. Trong đó ưu tiên tối đa cho việc bảo vệ an toàn các tuyến đê xung yếu; tiêu thoát nước cho khu vực nội thành; bảo vệ tính mạng, tài sản cho nhân dân. Cả Thành phố coi đây là nhiệm vụ hàng đầu, nhiệm vụ quan trọng số một.

Mặc dù vậy, do quy mô thiên tai lần này hết sức nặng nề và nghiêm trọng, lại xảy ra trên diện rộng, cho đến hôm nay trên địa bàn Hà Nội vẫn còn một số điểm úng ngập. Thành phố đã hỗ trợ hàng trăm tấn lương thực, thực phẩm, thuốc men, nước sinh hoạt cho các khu vực này, đồng thời phát và hướng dẫn cách sử dụng hóa chất khử trùng để đề phòng dịch bệnh.

Hoạt động của người dân trong khu vực nội thành từng bước đang trở lại bình thường, song cũng phải hết sức đề phòng vì trong 2 - 3 ngày tới, một đợt không khí lạnh tăng cường có thể gây mưa lớn trở lại. Lãnh đạo TP Hà Nội đã chuẩn bị tinh thần để ứng phó cho đợt mưa lũ tiếp theo. Mọi phương án đều phải đặt lên hàng đầu yêu cầu bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của người dân.

- Trong ngày 4/11, rất nhiều tin đồn về việc vỡ đê xung yếu của Hà Nội. Vậy tình trạng an ninh các tuyến đê trọng yếu trên địa bàn Hà Nội hiện nay thế nào khi mà chúng ta thường xuyên được cảnh báo về các hiện tượng sụt lở, lún nứt đê điều?

Hiện nay mọi tuyến đê đang được bảo vệ an toàn, kể cả những nơi xung yếu. Một số tuyến đê đáng lo ngại như ở Gia Thượng, Liên Trì, Thuỵ Phương... đang được tập trung mọi lực lượng và phương tiện để gia cố, khắc phục hiện tượng sạt lở. Ngay chiều qua, lãnh đạo Thành phố đã kịp thời chỉ đạo các cơ quan báo, đài thông báo để mọi người biết, khắc phục ngay những tin đồn thất thiệt.

Thành phố Hà Nội đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo chặt chẽ việc xả lũ các đập hồ Hoà Bình, Tuyên Quang, Thác Bà, sao cho vừa bảo vệ an toàn cho đập, nhưng cũng phải tính đến yêu cầu an toàn cho đê, cho dân cư khu vực hạ lưu.

Toàn bộ lực lượng cán bộ lãnh đạo Thành phố, người nào việc nấy, đã được phân công cụ thể và chúng tôi thực hiện chế độ ứng trực 24/24h tại các địa bàn trọng điểm. 

- Rõ ràng, trận mưa lũ lịch sử 35 năm mới xảy ra này ban đầu đã làm cho Hà Nội lúng túng. Vì thế, việc chỉ đạo lãnh đạo Hà Nội về sau dù đã rất cố gắng nhưng vẫn khiến không ít người dân lo lắng, hoang mang. Bên cạnh đó, những con số về thiệt hại của người dân về tính mạng và tài sản trong đợt mưa lũ này tại Hà Nội quả là đáng để lãnh đạo Hà Nội phải suy nghĩ, thưa ông?

- Đây là một trận mưa lũ lớn lịch sử không phải chỉ là lớn nhất trong vòng 35 - 40 năm qua, mà kể từ khi ở nước ta có chế độ quan trắc thuỷ văn, chưa khi nào có lượng mưa lớn như năm nay, có nơi lên tới 1218 mm, và lại diễn ra vào tháng 11.

Hôm tôi về kiểm tra tình hình ở Mỹ Đức, so với mức lũ lịch sử năm 1971 được nhân dân khắc dấu trên vách đá núi, thì năm nay còn ngập cao hơn 15 cm. Do đó, chúng ta có bị động trong dự báo, trong ứng cứu, nhưng cũng chỉ diễn ra trong ngày đầu tiên. Liền ngay sau đó, cụ thể là từ 1/11, chúng tôi đã kịp thời khắc phục một cách hết sức tập trung và đồng bộ, do đó đã hạn chế thấp nhất sự thiệt hại về người và của.

Vấn đề dự báo và đối phó với thiên tai, không phải riêng ở nước ta, mà trên thế giới, con người chưa thể dự báo chính xác hoàn toàn được, nhưng không vì thế mà lãnh đạo thành phố không nhận trách nhiệm trước nhân dân về những nguyên nhân chủ quan.

Từ trận mưa lũ này, có rất nhiều bài học về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, công tác nghiên cứu dự báo và quy hoạch… đối với tất cả các cấp, các ngành đều phải nghiêm túc rút ra. Bằng việc trực tiếp đến tại những nơi người dân bị thiệt hại, mất mát để thăm hỏi, cứu trợ, tôi cảm nhận sâu sắc những vất vả, cực nhọc, lo toan của người dân. Tôi và nhiều đồng chí lãnh đạo các cấp đã trực tiếp thăm hỏi, chia buồn đến thân nhân người đã mất và những gia đình bị thiệt hại nặng nề trong đợt mưa lũ.

Lãnh đạo Hà Nội sẽ nghiêm túc kiểm điểm, đánh giá sâu sắc nguyên nhân, hậu quả và rút kinh nghiệm một cách toàn diện sau đợt mưa lũ này.

- Chúng tôi được biết hôm 2/11, khi trả lời phóng viên VietNamNet, ông đang có mặt tại một địa bàn xung yếu. Tại một địa bàn cơ sở, ông cảm nhận như thế nào mức độ nghiêm trọng của lũ lụt lần này?

Đó là lúc tôi đang tới thăm một thôn công giáo toàn tòng thuộc xã An Phú, huyện Mỹ Đức. Toàn thôn bị nước lụt chia cắt. Mực nước dâng cao tận mái nhà. Mọi di chuyển của người dân đều bằng ghe, thuyền hoặc bơi lội trong ngõ xóm; tôi và anh em cán bộ cũng phải di chuyển bằng thuyền nhỏ của người dân. Nhiều gia đình phải nổi lửa nấu cơm trên mặt đê…

Trong những thời điểm người dân khó khăn như vậy, cán bộ lãnh đạo từ cấp Thành phố cho tới cơ sở đều sát cánh bên cạnh người dân. Tuy vậy, ngay tại một đoạn đê xung yếu nơi tôi trực tiếp  kiểm tra, thì vẫn có những người tỏ ra chủ quan, sự ứng cứu không thật tích cực. Đó là điều thực sự phải lo ngại.

- Cha ông ta đã đúc kết: thủy, hoả, đạo, tặc. Trong bốn thứ ấy, việc đối phó với lũ lụt là khó khăn nhất, thiệt hại cũng lớn nhất. Để góp phần khắc phục và giảm thiểu những thiệt hại, ông có nêu lên bài học lớn nhất là phải huy động sức dân tại chỗ; đồng thời cũng từ thực tế tại nơi ông đang kiểm tra, chỉ đạo, ông cũng nói lên sự lo lắng trước hiện tượng có những người dân vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại?

Vâng, đúng là tôi cảm thấy sức dân tại chỗ cần phải được huy động tốt hơn, bởi phạm vi thiên tai lần này rất rộng, cho nên không thể nơi này trông chờ nơi khác. Dù vậy, tôi thực sự rất lấy làm tiếc và muốn chân thành xin lỗi bạn đọc, xin lỗi mọi người về những lời gây nên sự bức xúc và bị phê phán.

Tôi đã nói lên sự lo lắng, bức xúc của mình vào lúc người dân cũng đang vô cùng bức xúc. Tuy nhiên, tôi tin rằng mỗi người sẽ được mọi người nhận xét, đánh giá thông qua cả việc làm và lời nói, và nhất là việc làm trên thực tế. Tôi nói điều này vừa để xin lỗi, vừa để nói lên niềm tin nơi mọi người.

-  Được ông thổ lộ từ đáy lòng mình những lời như thế, VietNamNet cảm thấy cũng có phần thiếu sót và cũng muốn được xin lỗi ông cùng bạn đọc. Cũng chỉ vì muốn thông tin nhanh đến bạn đọc nên phóng viên đã đường đột phỏng vấn qua điện thoại giữa lúc ông đang có mặt tại nơi úng ngập nặng. Chúng tôi cũng quá vội vàng…

Vào lúc này, tôi không muốn nói rằng báo chí có lỗi. Tôi muốn cùng với báo chí, cùng với mọi người hãy làm những việc cụ thể gì đó để góp phần hạn chế, để chia sẻ về những thiệt hại, mất mát của người dân. Tôi nghĩ, đó là cách tốt nhất mà mọi người đang mong muốn ở chúng ta trong lúc này.

Xin cảm ơn ông!

Theo Vương Hà (VietNamNet)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất