Tại hội nghị trực tuyến toàn ngành ngân hàng về “Triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2019” do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức sáng ngày 2/1, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng đại diện lãnh đạo nhiều bộ, ngành ghi nhận, trong năm qua, ngành ngân hàng đã có sự điều hành tín dụng hiệu quả, đáp ứng nhu cầu vốn cho doanh nghiệp và người dân phát triển sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng bền vững.
Theo báo cáo tại hội nghị, tính đến cuối tháng 12/2019, dư nợ tín dụng toàn hệ thống ngân hàng ước đạt trên 8,2 triệu tỷ đồng, tăng 13,7% so với cuối năm 2018. Cơ cấu tín dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên và kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Thông qua các chương trình kết nối giữa ngân hàng với doanh nghiệp đã góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ngân hàng thuận lợi để phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh. Trong năm 2019, doanh số giải ngân cho vay mới của các tổ chức tín dụng đã đạt gần 600 nghìn tỷ đồng đối với gần 125 nghìn doanh nghiệp và một số khách hàng khác.
Ngành ngân hàng cũng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, bao gồm gia hạn nợ và điều chỉnh kỳ hạn trả nợ đối với gần 9 nghìn doanh nghiệp với dư nợ gần 3 nghìn tỷ đồng; thực hiện các hình thức hỗ trợ khác như: điều chỉnh giảm lãi suất, giảm phí…cho 2.500 doanh nghiệp và một số khách hàng khác với các khoản vay cũ có dư nợ trên 120 nghìn tỷ đồng.
Ghi nhận những kết quả đạt được trong năm 2019, Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh, trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế và lạm phát bình quân đã được Quốc hội và Chính phủ đặt ra từ đầu năm, NHNN đã xây dựng chỉ tiêu định hướng tín dụng cả năm khoảng 14%, có điều chỉnh linh hoạt phù hợp diễn biến, tình hình thực tế nhằm kiểm soát lạm phát, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Cùng với đó, NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng điều chỉnh cơ cấu tín dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh – vốn là lĩnh vực động lực cho tăng trưởng; kịp thời đáp ứng vốn cho các dự án giao thông, công trình, dự án trọng điểm; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với những lĩnh vực tiềm ẩn rủi rỏ trong kinh doanh bất động sản, chứng khoán; tăng cường quản lý rủi ro đối với lĩnh vực BOT, BT giao thông và tiêu dùng.
Các tổ chức tín dụng cũng đã triển khai nhiều chương trình tín dụng đối với ngành, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt là tín dụng nông nghiệp nông thôn, các chương trình tín dụng đặc thù trong nông nghiệp như: cho vay đóng mới, nâng cấp tàu phục vụ đánh bắt xa bờ; cho vay giảm tổn thất trong nông nghiệp; cho vay nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch. Cùng đó, các tổ chức tín dụng cũng triển khai các chương trình tín dụng đối với các dự án, phương án sản xuất kinh doanh có mục tiêu tăng trưởng xanh nhằm khuyến khích hoạt động kinh doanh thân thiện với môi trường và xã hội.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng ghi nhận, các tổ chức tín dụng cũng đã chủ động xây dựng và triển khai các chương trình ưu đãi dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp…; hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, khôi phục sản xuất kinh doanh. Chẳng hạn như: thực hiện các giải pháp hỗ trợ người chăn nuôi lợn bị thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi tại 63 tỉnh, thành phố; cho vay thu mua lúa gạo nhằm hạn chế đà giảm giá, hỗ trợ người trồng tiêu tại Tây Nguyên, khách hàng vay vốn bị thiệt hại do cháy rừng….
Đồng tình với báo cáo ghi nhận những kết quả tích cực của ngành ngân hàng trong năm 2019, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cũng bày tỏ một số kiến nghị nhằm thúc đẩy hơn nữa mối liên kết giữa ngành ngân hàng và khu vực nông nghiệp nông thôn, hướng tới sự phát triển bền vững trong tương lai.
Theo ông Cường, cần có cách tiếp cận khác trong việc tạo điều kiện cho vay nguồn vốn tín dụng ngân hàng đối với người dân và khu vực nông nghiệp, cụ thể như vấn đề tài sản thế chấp. Ngành ngân hàng và ngành nông nghiệp cần có sự nghiên cứu, bàn thảo để thống nhất 1 cách thức cho vay mới cho phù hợp để làm sao khơi dậy được tiềm năng đầu tư trong nông nghiệp. Thực tế cho thấy hiện nay, với những chính sách tín dụng và thực trạng cho vay đang được triển khai thì “thế chấp vẫn đầy đủ mà cuối cùng vẫn rủi ro”.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị ngành ngân hàng phối hợp cùng ngành nông nghiệp xây dựng, phát triển các mô hình khởi nghiệp, thử nghiệm trong nông nghiệp và kiểm soát, xử lý quyết liệt nợ xấu vốn gây ảnh hưởng tới thị trường tài chính tiền tệ và tác động tiêu cực thị trường tín dụng mà người dân và doanh nghiệp đang trông đợi, kỳ vọng.
Đại diện ngành thông tin và truyền thông, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng đề xuất ngành ngân hàng cần quan tâm, chú trọng phát triển thị trường thanh toán trực tuyến; trong đó, đặc biệt là dịch vụ Mobile Money – với những lợi ích to lớn về công nghệ mang lại cho xã hội mà rất nhiều người dân và doanh nghiệp mong đợi.
Ngân hàng Nhà nước và Bộ Thông tin và Truyền thông cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa để tạo điều kiện cho Mobile Money sớm được đưa vào thử nghiệm tại Việt Nam vào năm 2020.
Năm 2020 sẽ là năm chuyển đổi số cơ bản, nhằm đưa Việt Nam nhanh chóng trở thành quốc gia số, một số ngành sẽ được ưu tiên chuyển đổi trước; trong đó có ngành ngân hàng.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, với nền tảng là những kết quả tích cực đã đạt được trong năm 2019, ngân hàng sẽ là ngành luôn đi đầu trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Bởi ngân hàng là ngành mang tính toàn cầu cao, là nền tảng thúc đẩy kinh tế số và là ngành có tiềm lực tài chính, trình độ nhân lực công nghệ tốt./.
Theo TTXVN