Thứ Bảy, 23/11/2024
Diễn đàn
Chủ Nhật, 5/10/2014 9:1'(GMT+7)

Găn kết hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Tỉnh Đắc Lắc vừa tổng kết 10 năm thực hiện công tác kết nghĩa giữa các cơ quan, đơn vị với các buôn đồng bào dân tộc thiểu số. Kết quả thật đáng mừng: 538 buôn đồng bào trên địa bàn đều được các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà trường kết nghĩa và triển khai nhiều hoạt động thiết thực. Đặc biệt, tại 65 buôn thuộc diện đặc biệt về an ninh chính trị-nơi các thế lực thù địch thường xuyên lợi dụng những vấn đề về dân tộc, tôn giáo để phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thông qua các hoạt động kết nghĩa đã tạo chuyển biến toàn diện cả về đời sống kinh tế-xã hội và quốc phòng-an ninh. Từ hoạt động kết nghĩa, bà con đã nêu cao tinh thần cảnh giác, đoàn kết đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch.

Cụ thể hóa sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Đắc Lắc, trong 10 năm qua, còn có 1.323 hộ người Kinh kết nghĩa với 1.323 hộ người dân tộc thiểu số. Các cặp hộ này thường xuyên hỗ trợ nhau để cùng tiến bộ, như giúp nhau phát triển kinh tế, xóa nghèo, xây dựng gia đình hạnh phúc.

Được biết, trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, những năm gần đây, mô hình kết nghĩa, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số đã được một địa phương, đơn vị, trong đó có các đơn vị quân đội như Binh đoàn 15 triển khai rất hiệu quả. Tại Binh đoàn 15 cũng đã xây dựng, nhân rộng mô hình “gắn kết hộ người Kinh với hộ đồng bào dân tộc thiểu số”. Từ mô hình này mà nhiều buôn làng đồng bào dân tộc thiểu số từ nghèo đói, lạc hậu đã vươn lên trở thành những buôn làng kiểu mẫu trong phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa và xây dựng nông thôn mới.

Từ cách làm của tỉnh Đắc Lắc và Binh đoàn 15 cho thấy, việc phát động, triển khai mô hình kết nghĩa, hỗ trợ buôn làng, hộ đồng bào dân tộc thiểu số là chủ trương hết sức đúng đắn, mang lại hiệu quả to lớn cả trước mắt cũng như lâu dài, góp phần củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Thực tiễn, theo dòng chảy lịch sử, dân tộc Việt Nam ta vốn có truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái từ hàng nghìn năm nay. Đoàn kết toàn dân tộc đã tạo nên sức mạnh vô địch để dân tộc ta đánh bại mọi kẻ thù xâm lược, giải phóng dân tộc khỏi áp bức, thu giang sơn về một mối.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chăm lo xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Ngày 19-4-1946, trong thư gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tổ chức tại Plei-cu (Gia Lai), Bác đã căn dặn: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau… Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt. Chúng ta quyết góp chung lực lượng lại để giữ vững quyền tự do, độc lập của chúng ta”.

Thời điểm hiện nay, nhiều địa phương trong cả nước đang tiến hành Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số. Đây là dịp để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta khắc ghi lời Bác về đại đoàn kết toàn dân tộc; nhân rộng những mô hình mà tỉnh Đắc Lắc cũng như Binh đoàn 15 thực hiện thành công.

Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, khi mà các thế lực thù địch, phản động tiếp tục có những âm mưu, thủ đoạn và hành động chống phá, đòi hỏi chúng ta càng phải chăm lo xây dựng, củng cố và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; thực sự xem đại đoàn kết toàn dân tộc là vấn đề có ý nghĩa chiến lược, là động lực và là nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.

Kiều Bình Định (QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất