Mấy năm qua, theo dõi các giải thưởng nghệ thuật, cùng nhiều cuộc thi trong lĩnh vực này rất dễ đưa tới ấn tượng rằng ở Việt Nam đã và đang "được mùa" tài năng trẻ trên nhiều lĩnh vực nghệ thuật, nhưng trên thực tế, dường như câu chuyện không đơn giản như vậy?
Xét từ phương diện hoạt động đại chúng, thì mỗi năm ở nước ta diễn ra vài ba cuộc thi tuyển chọn giọng hát, cùng các cuộc thi người đẹp, siêu mẫu, hoa khôi. Hội họa, nhiếp ảnh,... và một số loại hình nghệ thuật khác cũng đã bắt đầu có giải thưởng riêng, văn học cũng tổ chức nhiều cuộc thi, bước đầu giới thiệu một số cây bút trẻ. Các cuộc thi tổ chức trên truyền hình thường vẫn được giới thiệu mua bản quyền từ chương trình nổi tiếng của nước ngoài, được đầu tư kinh phí cao, làm việc chuyên nghiệp, được bảo đảm bởi các hiệp hội, tập đoàn tên tuổi; các cuộc thi về văn học thường có "bà đỡ" là nhà xuất bản hoặc các công ty truyền thông tiếng tăm. Tại một số cuộc thi, quán quân hoặc người đã vào đến chung khảo thường được gắn danh xưng, như "thần tượng" (idol), "giọng hát Việt" (The voice of Vietnam), rồi siêu mẫu, hoa hậu, hoa khôi, họa sĩ tài năng, nhiếp ảnh gia có triển vọng, nhà văn trẻ; và dường như vì e người đời không biết tới thành tích của mình, cho nên có người gắn luôn tên cuộc thi vào nghệ danh. Kết quả là trên một số tờ báo, đặc biệt là trên mạng xã hội, các "thần tượng", "biểu tượng" của giới trẻ xuất hiện với mật độ khá dày. Thi thoảng lại có một vài lời ngợi ca các nghệ sĩ Việt Nam tài năng không thua kém gì nghệ sĩ nước ngoài, thậm chí có phần vượt trội và "hoa hậu" thì sắc nước hương trời không dễ sánh!? Điều này lại như là trái ngược với ý kiến nhận xét của nhiều nghệ sĩ đã thành danh, rằng nghệ thuật Việt Nam đang rất thiếu gương mặt trẻ đủ sức khỏa lấp, thay thế thế hệ đi trước
Đáng buồn là sự lo ngại về sự vắng bóng tài năng trẻ đích thực trong đời sống nghệ thuật nước nhà là có cơ sở.
Như trong âm nhạc, số người thành danh và nổi tiếng, ngày càng được hâm mộ sau khi được trao giải thưởng thường có tỷ lệ không cao. Một số người, sau khi đoạt giải một cuộc thi là lập tức tham gia dòng nhạc thị trường, thành tựu chưa thấy đâu mà "tai tiếng" đã la liệt trên mặt báo. Năm trước, một giọng ca nữ khi nhận giải đã có những hứa hẹn ngọt ngào, đầy cảm xúc, nhưng chỉ thời gian ngắn sau đó, cô liên tục dính chuyện lùm xùm, từ điều dư luận gọi là vô ơn với người đã nâng đỡ mình, tới ăn mặc hở hang! Gần đây, báo chí lại đề cập tới một giọng ca nam nổi tiếng thật thà, chân chất lại dính vào một vụ việc rất đáng trách.
Như lẽ thường, giải thưởng sẽ tạo đà để nghệ sĩ đi tiếp trên con đường nghệ thuật, đóng góp nhiều hơn, thì đáng tiếc là có một số người lại trở nên "nổi tiếng" vì có phát ngôn thiếu trách nhiệm, bỏ tập, bỏ diễn, đạo nhạc; thậm chí có người còn xuất bản cuốn sách được gọi là hồi ký để kể về quá trình... chuyển giới của mình, với bìa sách đầy dung tục! Một vài người sớm bị loại thì quay ra bới móc ban giám khảo, chê cuộc thi thiếu tính chuyên nghiệp; người khác hé lộ tin tức để có thể từ đó suy ra cuộc thi không công bằng, có dàn xếp. Tại một số cuộc thi sắc đẹp cũng vậy, thường ít khi chọn được gương mặt sở hữu cả hai điều kiện nhan sắc và tài năng, thay vào đó lại có cả hoa hậu chưa tốt nghiệp phổ thông trung học, ban giám khảo cuộc thi người mẫu nọ thì ứng xử thiếu văn hóa, thí sinh không tôn trọng giám khảo... Chưa kể một số "người đẹp, người mẫu" từ một số cuộc thi vô danh lại sa vào tệ nạn xã hội. Với một số cuộc thi văn học, có cây bút sau khi được trao giải thì dường như "buông bút" vì không thấy xuất hiện trên văn đàn, có người chuyển sang làm báo, làm giám khảo của các cuộc thi không liên quan đến văn học hoặc là viết giới thiệu sách cho người khác, chia sẻ kinh nghiệm viết văn (!); có người thì la cà trên facebook để bàn tán các chuyện tào lao như để câu kéo độc giả. Vậy phải chăng, giải thưởng đã làm một số nghệ sĩ trẻ suy giảm niềm say mê và suy giảm động lực cống hiến?
Trên thực tế, các cuộc thi mua bản quyền phần lớn là dành cho người không chuyên, nghiệp dư, và chủ yếu nhằm mục đích giải trí phục vụ khán giả truyền hình, trước hết là làm vừa lòng khán giả, sau đó mới là tìm kiếm tài năng. Ở một số cuộc thi, thí sinh tham gia chương trình được qua một khóa đào tạo ngắn hạn, và dù thế nào thì khóa đào tạo này không thể thay thế quá trình đào tạo bài bản ở các trường nghệ thuật chính quy. Điều đó giải thích tại sao một số thí sinh sau khi được trao giải tại cuộc thi đã lựa chọn con đường thi vào trường đại học liên quan tới nghệ thuật, và có thể nói quyết định của họ là đúng đắn. Tương tự, tại các cuộc thi hoa khôi hay người mẫu được phát trên truyền hình, thí sinh mới chỉ được chỉ dẫn cách thức đi lại trên sân khấu, đứng trước máy ảnh, máy quay phim... Trong khi đó, để trở thành một người mẫu chuyên nghiệp, hoặc có ý định "lấn sân" sang âm nhạc, sân khấu, điện ảnh, thì chủ thể buộc phải trải qua các khóa đào tạo cơ bản về nghề nghiệp, văn hóa, tri thức,... cũng tức là không thể coi vốn liếng ít ỏi tích lũy trước đó là nền tảng duy nhất để họ hoạt động nghệ thuật.
Và thiết nghĩ, tâm sự trên báo chí gần đây của một người mẫu nam không may bị bạo bệnh sẽ làm nhiều bạn trẻ phải suy nghĩ về ước mơ nghệ thuật của mình. Dù đã là người mẫu, diễn viên bước đầu tự khẳng định trên sàn diễn người mẫu và trong điện ảnh, anh vẫn thừa nhận nhiều lần muốn bỏ nghề, nhưng vì buông lơi việc học hành quá sớm cho nên khó có cơ hội tìm kiếm công việc ổn định khác.
Không chịu sức ép lớn như nghệ thuật biểu diễn, nhưng đã có một số họa sĩ, nghệ sĩ nhiếp ảnh, cây bút trẻ lại ưa "diễn xuất" hơn là sáng tác. Họ có mặt tại đủ loại không gian nghệ thuật để bình luận, để chia sẻ kinh nghiệm sáng tác, trong khi ngay cả tác phẩm đoạt giải của họ cũng như đã trôi vào quên lãng. Và hình như trao đổi chưa đủ, một số người còn "bút chiến" trên mạng để khoe kiến thức, rồi chê bai người khác, thậm chí tự ve vuốt bằng cách chụp lại cuốn sách của mình kèm theo nhận xét tán dương của "bạn đọc"; có người úp mở hé lộ đang ấp ủ tiểu thuyết lớn, một cuốn sách hay, nhưng nhìn vào tần suất có mặt của họ tại các sự kiện, thời gian online trên các website,... có thể kết luận đó chỉ là ấp ủ khó hoàn thành trong tương lai gần, nếu không nói sẽ không bao giờ có. Chưa kể một số người trẻ, sau khi được trao một giải thưởng nghệ thuật lại như bắt chước diện mạo nghệ sĩ lớn, từ trang phục có vẻ "bụi bặm, lãng tử" đến lối nói năng mang màu sắc kiêu bạc.
Như đã đề cập, các cuộc thi, giải thưởng dành cho nghệ sĩ trẻ vẫn diễn ra tại nhiều nước trên thế giới. Có điều, người tham gia thường coi đây là trò chơi truyền hình, đi tìm vận may; niềm tự hào khi chiến thắng tại các cuộc thi như vậy cũng không cao. Bởi người nhận giải ý thức được rằng, cơ hội nổi tiếng sau đêm chung kết là vô cùng nhỏ, vì con đường nghệ thuật rất dài, đầy cam go. Cho nên ít nghệ sĩ trẻ vừa đoạt giải thưởng ở lĩnh vực này lại nhảy sang lĩnh vực khác; hiện tượng nghệ sĩ thích gây gổ, tạo xì-căng-đan để nổi tiếng là hiếm có. Giải thưởng đối với họ rất quan trọng, nhưng không mấy người ngủ quên trên giải thưởng để đánh mất sự nghiệp. Dù đã nổi tiếng, được thừa nhận thì hành động có vẻ cực đoan của J.P.Sartre khi từ chối nhận giải thưởng Nô-ben văn học năm 1964 cũng có cái lý của ông. Ông không coi thường giải thưởng được trao tặng, mà từ chối bởi không muốn sáng tác của mình rồi sẽ theo lối mòn, bị ảnh hưởng từ nơi trao giải. Hẳn các nghệ sĩ cũng chia sẻ với ông khi xác định không sáng tác chỉ nhằm để tranh giải, cố đoạt giải thưởng để có địa vị trong nghệ thuật nói riêng, xã hội nói chung. Dù hoạt động trên lĩnh vực nghệ thuật nào thì điều K.Pau-tốp-xki viết rằng, nghệ sĩ "có nghĩa vụ rạch ròi là phải đưa vào từng tác phẩm của mình tất cả những gì quý giá mà họ có.
Không được nương nhẹ với mình, cần phải cống hiến tất cả những gì tốt đẹp nhất, thân thiết nhất, đừng kỳ kèo đòi sự đền bù như những kẻ keo kiệt" vẫn có ý nghĩa.
Tất nhiên, không được xem thường các cuộc thi nghệ thuật nghiệp dư, bởi chí ít thì trong số các nghệ sĩ tên tuổi của nghệ thuật Việt Nam hiện nay đã có nhiều người bắt đầu sự nghiệp từ sân chơi nghệ thuật quần chúng. Trong những năm tháng mới vào nghề, các giải thưởng nghệ thuật phong trào dù nhỏ nhưng đã trở thành động lực giúp họ nuôi dưỡng, hiện thực hóa giấc mơ nghệ thuật. Nhưng lâu nay, với một số người trẻ, dường như giải thưởng lại trở thành niềm kiêu hãnh thái quá; ngay cả khi cuộc thi nghệ thuật mà họ đoạt giải không còn mấy ai nhớ đến, thì một số người vẫn nhấm nháp thành tựu đã có, không tiếp tục sáng tạo vừa để có thành tựu nghệ thuật mới, vừa chứng minh giải thưởng là xứng đáng. Không riêng gì nghệ thuật, ở bất cứ một ngành nghề nào, tìm ra các cá nhân xuất sắc cũng khó như việc "đãi cát tìm vàng". Trừ hiếm hoi các cá nhân mà tài năng không đợi tuổi hoặc đặc thù nghề nghiệp, phần lớn nghệ sĩ phải trải qua quá trình khổ luyện lâu dài mới xác định được vị trí trong lòng công chúng.
Ngay tại các nước được xem là trung tâm của nghệ thuật thế giới, cũng trải qua giai đoạn khủng hoảng thiếu tên tuổi lớn. Vấn đề quan trọng là ở chỗ, xã hội cùng cơ quan có trách nhiệm cần có chính sách khuyến khích, bồi dưỡng, tạo điều kiện giúp tài năng nghệ thuật trẻ phát triển; đồng thời cố gắng tinh tuyển để phát hiện và trao giải thưởng cho tác phẩm của tài năng đích thực, không tôn xưng tác phẩm, cá nhân chưa xứng đáng hoặc chưa nhận được đồng tình của dư luận nghề nghiệp và công chúng, để không xảy ra tình trạng "vàng thau lẫn lộn". Về phần mình, muốn có một tương lai nghệ thuật nhiều hứa hẹn, các nghệ sĩ trẻ cần nỗ lực phấn đấu để không ngừng hoàn thiện tài năng.
Các giải thưởng nghệ thuật dù rất đáng trân trọng nhưng chỉ là ghi nhận bước đầu, là sự động viên khuyến khích của xã hội, chứ không phải là sự khẳng định cuối cùng và là đỉnh cao của tài năng.
LÊ TIẾN ANH/Theo Nhân Dân