K'Bang là huyện vùng sâu xa của tỉnh Gia Lai với 14 xã, thị trấn; trong đó có 8 xã đặc biệt khó khăn với số đông đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống. Để giúp đồng bào vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống, những năm qua huyện Kbang đã lồng ghép triển khai có hiệu quả nhiều chương trình mục tiêu quốc gia như Chương trình 132, 134, 135, 167, chương trình định canh - định cư, đào tạo nghề cho lao động nông thôn... Nhiều mô hình kinh tế mới hiệu quả cao như cao su tiểu điền, trồng cây mắc ca, cây cam đường canh, cây sa nhân tím, nuôi cá lồng bè, cánh đồng lúa mẫu năng suất cao... được triển khai rộng rãi để người dân đẩy mạnh sản xuất, từng bước giảm nghèo bền vững. Đời sống tinh thần của người dân trên địa bàn cũng ngày một nâng cao, y tế, giáo dục, văn hóa được quan tâm đầu tư, an sinh xã hội được đảm bảo. Đặc biệt, Chương trình xây dựng nông thôn mới đã tạo được sự đồng tình hưởng ứng mạnh mẽ trong bà con, góp phần quan trọng làm thay đổi diện mạo nông thôn các xã vùng sâu.
Trước kia, Kroong là một trong những xã khó khăn nhất của huyện Kbang, tỷ lệ hộ nghèo chiếm đến hơn 80% do tập quán canh tác của bà con dân tộc thiểu số Bah Nar nơi đây rất lạc hậu chỉ mang tính tự cung, tự cấp. Cơ sở hạ tầng tạm bợ, xã hội kém phát triển. Được sự quan tâm đầu tư, những năm gần đây bộ mặt xã Kroong đã thay đổi rõ nét, hệ thống giao thông thông suốt, 21/23 thôn, làng đã có đường bê tông nội làng, 100% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia. Tập quán canh tác theo đó cũng dần thay đổi, từ chỗ độc canh cây lúa nay bà con chuyển sang canh tác nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao mang tính sản xuất hàng hoá.
Xã Sơn Lang cũng từ một xã đặc biệt khó khăn vươn lên mạnh mẽ với kết cấu hạ tầng giao thông đã cơ bản hoàn thiện. Bên cạnh việc ổn định cho 6 làng đồng bào dân tộc thiểu số canh tác hơn 90 ha lúa nước 2 vụ, xã Sơn Lang còn tập trung thúc đẩy việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa các loại cây có giá trị kinh tế cao phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu ở địa phương như cây cam đường canh, cây sa nhân tím, cây bời lời đỏ và lai tạo một số đàn trâu, bò phát triển hiệu quả trên địa bàn. Cây cam đường canh được đưa vào xã cách đây ba năm, có 3 hộ trồng thử nghiệm đã minh chứng hiệu quả kinh tế của loại cây này đạt tới 600-700 triệu đồng/ha. Lợi thế về tiềm năng mặt nước hơn 1.600 ha là cơ sở thuận lợi cho việc phát triển thành công mô hình nuôi cá tầm cho lợi ích kinh tế gần 100 triệu đồng/sào. Cây sa nhân tím cũng được nhiều hộ trồng thử nghiệm với mức thu nhập đạt xấp xỉ 200 triệu đồng/ha/năm...
Dù còn đó nhiều khó khăn phải đối diện, song huyện KBang đã vượt khó tập trung mọi nguồn lực đầu tư cho vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tạo tiền đề làm thay đổi bộ mặt nông thôn, góp phần dựng xây một cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Kbang hôm nay đang từng ngày thay da đổi thịt. Mảnh đất giàu truyền thống cách mạng ngày nào giờ đang dần vươn mình khẳng định sự vững vàng, tự tin trong phát triển kinh tế./.
Theo TTXVN