Thứ Sáu, 27/9/2024
Đời sống
Chủ Nhật, 20/7/2014 9:47'(GMT+7)

Gia Lai thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm nghèo bền vững

Thu hoạch cà phê phục vụ xuất khẩu

Thu hoạch cà phê phục vụ xuất khẩu

Tỉnh Gia Lai đang tập trung rà soát các đối tượng là hộ nghèo; thực hiện các nhóm giải pháp quan trọng và phù hợp để tiến tới thực hiện công tác giảm nghèo theo hướng bền vững. Hiện nay, toàn tỉnh còn đến 17,23% số hộ nghèo (53.400 hộ), trong đó có gần 83% số hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số Bahnar và J'rai (44.000 hộ). Tỉnh phấn đấu đến cuối năm 2015 giảm số hộ nghèo xuống còn 12%, bình quân mỗi năm giảm từ 2% - 3%; ở những địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao trên 25%, mỗi năm giảm tỷ lệ từ 4% - 5%. 

Tại Gia Lai, qua rà soát, phân loại cho thấy, có đến 9 nguyên nhân dẫn đến cuộc sống nghèo khó của người dân như: Thiếu đất sản xuất, thiếu vốn, thiếu kỹ năng canh tác, thiếu kiến thức việc làm; trong đó việc thiếu đất sản xuất trong các hộ đồng bào dân tộc thiểu số vẫn là vấn đề mấu chốt. Tỉnh đang tập trung thực hiện nhiều giải pháp để giải quyết tình trạng hộ nghèo thiếu đất. Nguyên nhân thiếu đất chủ yếu là do có nhiều hộ nghèo dân tộc thiểu số sau khi được cấp đất đã sang nhượng lại cho người khác, hoặc sử dụng đất chưa hiệu quả, một số địa phương không còn quỹ đất để hỗ trợ, vẫn còn tình trạng tách hộ bừa bãi ở các buôn làng để được nhận đất theo quy định... 

Một trong những giải pháp quan trọng nhất được tỉnh Gia Lai xác định là đẩy mạnh việc chuyển đổi đất lâm nghiệp (rừng nghèo) để hỗ trợ đất sản xuất cho người dân, đồng thời tiếp nhận lao động vào làm công nhân trong các doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn. Đối với những địa phương không còn quỹ đất sản xuất để hỗ trợ, tập trung hỗ trợ người nghèo học nghề để tự tạo việc làm, hoặc giao khoán rừng quản lý theo quy định của Nhà nước. 

Tỉnh cũng tập trung rà soát các hộ nghèo đã được giải quyết đất sản xuất theo chương trình 132, 134, nhưng đã sang nhượng để có biện pháp xử lý và ngăn chặn. Đối với những hộ nghèo do thiếu vốn đầu tư phát triển sản xuất, tỉnh sẽ bố trí kinh phí cho những hộ mới thoát nghèo vay vốn với lãi suất bằng lãi suất cho vay đối với hộ nghèo theo quy định hiện hành. Ngoài ra, tỉnh hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số (không phải là hộ nghèo) đi xuất khẩu lao động với mức vay tối đa là 30 triệu đồng/người, lãi suất bằng lãi suất cho vay theo chương trình đi xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài. Những hộ nghèo tham gia nhận khoán bảo vệ rừng được tỉnh trích kinh phí hỗ trợ từ nguồn ngân sách địa phương với mức 200.000 đồng/ha/năm, ngoài kinh phí hỗ trợ của Nhà nước theo quy định. Tỉnh cũng tạo cơ chế thông thoáng để các doanh nghiệp phát triển, thu hút lao động tại chỗ, phấn đấu hàng năm giải quyết từ 2.000 - 3.000 lao động thuộc hộ nghèo có việc làm ổn định. Gia Lai còn đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động, ưu tiên cho hộ nghèo người dân tộc thiểu số, phấn đấu mỗi năm có trên 1.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, quan tâm xuất khẩu lao động đã qua đào tạo, có tay nghề (chiếm ít nhất 30%) để có thu nhập cao.

Đối với những hộ nghèo do thiếu lao động, đông con, bệnh tật, già yếu cô đơn... tỉnh cũng đã có những giải pháp đặc thù đảm bảo được đời sống ổn định, như hỗ trợ các mặt hàng thiết yếu trợ cước, trợ giá; hỗ trợ dịch vụ y tế đối với những hộ đông con. 

Tỉnh Gia Lai hiện có hơn 1,3 triệu dân, trong đó có đến 45% số dân là người dân tộc thiểu số. Những năm qua, tỉnh đã thực hiện tốt các chính sách chăm lo cho người nghèo và đã có bước tiến vượt bậc. Năm 2011 toàn tỉnh còn 23,75% số hộ nghèo, đến năm 2013 giảm xuống còn 17,23%, bình quân mỗi năm giảm trên 2% số hộ nghèo. Tuy nhiên, kết quả giảm nghèo trên địa bàn tỉnh chưa thật sự bền vững, tỷ lệ hộ tái nghèo hàng năm còn cao./. 


Theo TTXVN
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất