(TG)-7 tháng đầu năm 2017, số ca mắc sốt xuất huyết tại tỉnh Gia Lai giảm 3,31 lần so với cùng kỳ năm 2016. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của bệnh cũng như tháng 7 trở đi là thời điểm bước vào mùa mưa, tỉnh Gia Lai đã tăng cường nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết.
Theo đó, ngành Y tế tỉnh Gia Lai đã phối hợp cùng các cơ quan, ban, ngành tăng cường các biện pháp tuyên truyền, vận động để người dân tham gia vào chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy; tăng cường công tác chỉ đạo, giám sát dịch tễ, vector, huyết thanh, virus tại các bệnh viện, những vùng có ổ dịch và những vùng có nguy cơ xảy ra dịch trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Bên cạnh đó, Sở Y tế tỉnh Gia Lai cũng phối hợp cùng Sở Giáo dục tỉnh đưa nội dung phòng chống sốt xuất huyết vào các trường tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn toàn tỉnh, nhằm giúp các em học sinh nhận thức về bệnh, trở thành một tuyên truyền viên đến gia đình trong chiến dịch phòng chống sốt xuất huyết.
Ông Nguyễn Đình Tuấn, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Gia Lai nhận định, bắt đầu từ tháng 7 trở đi, số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh đã có chiều hướng gia tăng, từ 147 ca mắc của tháng 6 đã lên thành 328 ca mắc bệnh vào tháng 7. “Các địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết cao chủ yếu là ở thành thị và các khu vực đông dân cư. Tuy nhiên, tập tục chăn thả và nuôi nhốt gia súc dưới gầm nhà sàn hoặc cạnh nhà của các vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng mang đến nguy cơ không nhỏ việc bùng phát các ổ dịch bệnh. Vì vậy, ngành Y tế tỉnh Gia Lai chú trọng công tác đảm bảo vệ sinh môi trường lên hàng đầu trong chiến dịch phòng chống sốt xuất huyết”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Trong 7 tháng đầu năm 2017, toàn tỉnh Gia Lai có 1105 ca mắc bệnh sốt xuất huyết, thấp hơn 3,31 lần so với con số 3660 ca mắc của cùng kỳ năm 2016. Trong 5 năm trở lại đây, tình hình của bệnh sốt xuất huyết tại Gia Lai có nhiều biến động, xuất hiện ở nhiều phường, xã và kéo dài ngay từ đầu năm khiến công tác xử lý gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, tình trạng hạn hán khiến người dân sử dụng nhiều dụng cụ tích trữ nước, cũng như ý thức chủ quan của một bộ phận người dân là nguy cơ bùng phát dịch bệnh./.
Bảo Châu