Gia Lai là tỉnh miền núi, biên giới, có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh của địa bàn Tây Nguyên và cả nước. Toàn tỉnh có 17 huyện, thị, thành phố với 222 xã, phường, thị trấn, trong đó có 3 huyện với 7 xã biên giới và
90 km đường biên giới tiếp giáp với tỉnh Rattanakiri (Campuchia). Trong 4 năm qua (từ 2008-2011), tỉnh tuy chưa phải là điểm nóng về ma túy, số người nghiện không nhiều, số vụ mua bán hầu hết nhỏ, lẻ và chưa phát hiện ma túy thẩm lậu từ Campuchia vào địa bàn tỉnh nhưng người nghiện ma túy và các vụ phạm tội về ma túy phát hiện ngày càng tăng, chủ yếu các đối tượng đưa từ phía Bắc vào. Do đó, công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trong tình hình mới được tỉnh đặc biệt quan tâm.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 93/222 xã, phường, thị trấn của 15/17 huyện, thị xã, thành phố có tệ nạn ma túy với 461 người nghiện, trong đó: có 326 người ngoài xã hội, 55 người đang trong các Nhà tạm giữ, Trại tạm giam của Công an tỉnh, 80 người đang cai nghiện tại Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động Xã hội tỉnh. So với năm 2008 số xã, phường, thị trấn có ma túy tăng 42 người, số người nghiện ma túy tăng 132 người; số vụ phạm tội về ma túy phát hiện tăng 37 vụ. Người nghiện ma túy tập trung chủ yếu ở các địa bàn: Pleiku 188 người, Đức Cơ 52 người, Chư Prông 46 người, Chư Sê 43 người...
Trước tình hình đó, sau khi có Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 26/3/2008 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma tuý trong tình hình mới”; Tỉnh đã ban hành nhiều Chương trình, Kế hoạch để triển khai Chiến lược Quốc gia phòng, chống và kiểm soát ma tuý đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và Kế hoạch triển khai Đề án 06/BCA của Bộ Công an về xây dựng xã, phường, thị trấn không có ma tuý. Quán triệt chỉ đạo của Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh, hầu hết các các huyện, thị, thành, Đảng ủy trực thuộc và các ngành, đoàn thể đã có kế hoạch triển khai công tác phòng, chống và kiểm soát ma tuý, gắn với phòng, chống tội phạm và phòng, chống mua bán người sâu rộng đến các tổ chức cơ sở đảng, đảng viên và quần chúng nhân dân, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của toàn Đảng, toàn dân, coi đây là nhiệm vụ chính trị thường xuyên của cả hệ thống chính trị.
Để đảm bảo và phát huy hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành công tác phòng chống ma túy trên địa bàn tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh cũng đã chỉ đạo thành lập Ban chỉ đạo phòng chống tội phạm từ tỉnh xuống cơ sở (trên cơ sở sáp nhập các Ban Chỉ đạo 138, 139, 130) và đã hướng mạnh công tác chỉ đạo xuống cơ sở; gắn trách nhiệm của cấp ủy đảng, của thủ trưởng cơ quan, đơn vị và từng đảng viên trong việc chỉ đạo, kiểm tra, tổ chức phòng, chống và kiểm soát ma túy tại đơn vị, địa phương. Đồng thời chỉ đạo các đơn vị như Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Cục Hải quan Gia Lai - Kon Tum tăng cường lực lượng chuyên trách; củng cố, bổ sung phương tiện phòng, chống và đấu tranh chống tội phạm ma tuý.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã tích cực chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể của tỉnh như: Sở Tư pháp, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Đoàn thanh niên…đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục phòng, chống ma túy bằng nhiều hình thức, từng bước xã hội hoá công tác phòng, chống ma túy và xây dựng các mô hình, điển hình phòng, chống tội phạm ma túy rộng khắp trên địa bàn tỉnh. Nhất là chú trọng công tác cai nghiện, quản lý sau cai nghiện, xóa bỏ cây trồng có chất cai nghiện và đẩy mạnh công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế phòng chống ma túy nên đã đạt được một số kết quả nhất định trong công tác phòng, chống ma túy xâm nhập vào địa bàn và nâng cao ý thức của người dân.
Kết quả, lực lượng Công an đã điều tra, lập hồ sơ quản lý 461 lượt đối tượng liên quan đến ma túy; chủ trì, phối hợp với các ngành mở 4 đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm ma túy; xác lập 8 chuyên án về ma túy (2008: 1CA; 2009: 3CA; 2010: 2 CA; 2011: 2 CA); đã phát hiện, bắt giữ 171 vụ, 334 đối tượng mua bán, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy; thu giữ 454 gói, cục hêroin, 232 viên ma túy tổng hợp, 01 gói thuốc phiện, 39 xe máy, 2 ô tô, 04 cây vàng, 105 điện thoại di động, 294 triệu đồng và một số tài sản khác. Cơ quan Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy toàn tỉnh khởi tố điều tra 189 vụ, 250 bị can; kết luận điều tra chuyển Viện Kiểm sát đề nghị truy tố 142 vụ, 197 bị can; Tòa án các cấp xét xử 126 vụ, 171 bị cáo.
Mặc dù đã chỉ đạo, triển khai quyết liệt nhưng tình hình ma túy trên địa bàn tỉnh vẫn diễn biến phức tạp. Sau 4 năm thực hiện Chỉ thị 21, số người nghiện ma túy tăng 68% (326/194), địa bàn (xã, phường) có ma túy tăng 82% (93/51), số vụ phạm tội ma túy phát hiện tăng 105% (72/35). Nguyên nhân là một số cấp ủy, ngành, địa phương triển khai thực hiện Chỉ thị 21 của Bộ Chính trị còn chậm; chưa sâu rộng đến các chi bộ, đảng viên. Vai trò, trách nhiệm của các ngành, đoàn thể trong công tác phòng, chống ma túy nhiều nơi chưa phát huy đầy đủ, thiếu sự phối hợp; sự lãnh đạo, chỉ đạo của nhiều tổ chức cơ sở đảng về công tác phòng, chống ma túy chưa rõ nét, các biện pháp chỉ đạo, kiểm tra thiếu cụ thể, chưa sát thực tế…
Vì vậy, để triển khai công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy một cách tốt hơn trong thời gian tới, tỉnh cũng đã chỉ đạo của các cấp ủy đảng phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy; gắn nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương với đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 21/CT-TW, Chỉ thị số 48/CT-TW của Bộ Chính trị, Chiến lược Quốc gia phòng, chống và kiểm soát ma tuý của Chính phủ đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị; tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền phòng, chống ma túy trên các phương tiện truyền thông, các cơ quan, trường học, khu dân cư, nâng cao ý thức, trách nhiệm của công dân trong đấu tranh phòng, chống ma túy, gắn với nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến; thu hẹp phường, xã có ma túy, đảm bảo cơ quan, công sở, trường học không có tội phạm, tệ nạn ma túy; tiếp tục củng cố, tăng cường lực lượng chuyên trách đấu tranh, phòng, chống ma túy của Công an, Bộ đội Biên phòng, Hải quan. Mở các đợt cao điểm đấu tranh, truy quét, trấn áp quyết liệt tội phạm ma túy, triệt xoá không để hình thành tụ điểm, đường dây phức tạp; cải tạo, nâng cấp Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động Xã hội tỉnh để nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện tại Trung tâm và tăng cường chỉ đạo công tác cai nghiện, quản lý sau cai nghiện tại gia đình và cộng đồng để ngăn chặn tái nghiện; kịp thời phát hiện, xoá bỏ cây trồng có chất ma túy; tiếp tục quan hệ, hợp tác nhiều mặt với chính quyền, các ngành của tỉnh Rattanakiri (Campuchia) trong đảm bảo an ninh biên giới; chủ động ngăn chặn, kiểm soát chặt chẽ, không để ma túy thẩm lậu vào địa bàn tỉnh./.
Ánh Hồng