Chủ Nhật, 29/9/2024
Kinh tế
Thứ Hai, 21/5/2012 14:40'(GMT+7)

Gia nhập CISG sẽ mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp

(Ảnh minh hoạ).

(Ảnh minh hoạ).

Cách đây hơn chục năm, Công ty Ng. Nam Bee của Singapore ký hợp đồng mua 3.000 tấn sắn lát của Công ty Thương mại Tây Ninh (TANICO) của Việt Nam. Theo thỏa thuận, hàng sẽ giao trước ngày 28/2/1995 tại Cảng Quy Nhơn (Việt Nam), thanh toán bằng L/C không hủy ngang, vi phạm phạt 10% giá trị hợp đồng... Theo đó, Công ty Ng. Nam Bee mở L/C có hiệu lực đến 15/3/1995, hạn cuối giao hàng ngày 28/2/1995, bên bán được lấy tối đa 50% giá trị L/C trước khi giao hàng.

Tuy nhiên, ngày 21/1/1995, Ng. Nam Bee lại thông báo tàu sẽ cập cảng lấy hàng từ ngày 28/2 đến ngày 3/3/1995; đến ngày 28/2/1995, Ng. Nam Bee lại điều chỉnh L/C về việc gia hạn thời gian giao hàng đến 20/3/1995 và ngày L/C hết hiệu lực là 04/04/1995. Đợi đến ngày 8/3/1995 vẫn chưa thấy tàu của Ng. Nam Bee đến Việt Nam lấy hàng, TANICO thông báo hủy bỏ hợp đồng, tranh chấp đã xảy ra.

Khi thụ lý giải quyết vụ tranh chấp này, Tòa án Nhân dân tối cao Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh đã căn cứ các điều 29, 61.3, 64 của Công ước viên về Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (CISG) ra phán quyết, TANICO có quyền hủy bỏ hợp đồng vì Ng. Nam Bee vi phạm thời gian giao hàng, buộc Ng. Nam Bee phải chịu phạt vi phạm. Tuy nhiên, phán quyết đã bị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Việt Nam kháng nghị: “Không áp dụng CISG vì Việt Nam không tham gia công ước này”.

Hệ quả trong câu chuyện tranh chấp giữa TANICO và Ng. Nam Bee cho thấy, chưa (hoặc không) là thành viên của CISG doanh nghiệp Việt Nam đã bị thiệt thòi trong giải quyết tranh chấp kinh doanh quốc tế.

Tiến sĩ Nguyễn Minh Hằng, Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội cho rằng: “Giữa CISG và pháp luật của Việt Nam không có sự mâu thuẫn về nguyên tắc; hầu hết các quy định của pháp luật Việt Nam và của CISG là tương thích; một số khác biệt giữa CISG và pháp luật Việt Nam không phải là yếu tố cản trở, bởi CISG chỉ áp dụng cho các hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế. Việc gia nhập CISG gần như không mất gì, kể cả lệ phí tham gia cũng được miễn, và được tiếp cận miễn phí nguồn cơ sở dữ liệu luật rất lớn, phong phú, đa dạng thông qua internet, chỉ cần làm các thủ tục cần thiết và nộp hồ sơ”.

CISG được áp dụng rất đa dạng, linh hoạt, nội dung bao trùm nhiều loại hàng hóa, được đánh giá là một trong những điều ước quốc tế về thương mại thành công nhất từ trước tới nay vì nó tham gia điều chỉnh khoảng 3/4 thương mại quốc tế. Hiện đã có hơn 70 nước thuộc 5 châu lục, trong đó có những quốc gia có vai trò tác động lớn đến thương mại quốc tế và là đối tác thương mại lớn của Việt Nam như Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Australia… tham gia.

Việt Nam không phải thành viên của CISG không chỉ cả ở tầm vĩ mô lẫn doanh nghiệp đều không được gì mà còn mất đi cơ hội tiếp cận một khung pháp luật về hợp đồng kinh doanh quốc tế tiên tiến; mất cơ hội thể hiện và khẳng định uy tín, kinh nghiệm, vị thế Việt Nam trong việc xây dựng, phát triển luật hợp đồng quốc tế; mất cơ hội nắm bắt sự thay đổi tiến bộ của thế giới về kỹ thuật lập pháp, trong đó có CISG… Còn nếu tham gia CISG, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian đàm phán với đối tác nước ngoài về nội dung hợp đồng kinh doanh quốc tế cũng như việc lựa chọn luật để áp dụng cho hợp đồng; không bị thua thiệt và bị ở thế bất bình đẳng khi đối tác nước ngoài chèn ép; giảm thiểu những trường hợp đàm phán hợp đồng bất thành do không thống nhất được vấn đề lựa chọn pháp luật áp dụng; nâng cao được khả năng tự bảo vệ trước tòa án nước ngoài khi có tranh chấp xảy ra… Ngay cả khi đã là thành viên CISG các doanh nghiệp Việt Nam vẫn có quyền không áp dụng CISG nếu xét thấy không có lợi vì CISG thừa nhận việc tự do lựa chọn luật áp dụng trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, và Việt Nam vẫn có quyền bảo lưu những điều khoản thích hợp.

Tuy nhiên, CISG không áp dụng cho việc mua bán hàng hóa quốc tế đối với một số mặt hàng mua dùng cho cá nhân, gia đình; hàng bán đấu giá; hàng thuộc vụ án đang xét xử; hàng hóa đặc biệt như cổ phiếu, chứng khoán; hàng là phương tiện vận tải đường thủy, đường không, phương tiện vận tải bằng kinh khí cầu; hàng là điện năng; hàng là các dịch vụ.

Ý nghĩa là vậy, nhưng đến nay các doanh nghiệp Việt Nam vẫn hiểu biết quá ít về CISG. Vấn đề Việt Nam tham gia CISG cũng đã được đề cập đến cách đây hơn 20 năm, nhưng đến nay vẫn ở ngoài cuộc.../.

Lan Ngọc

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất