Ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An
toàn thực phẩm (Bộ Y tế) nhấn mạnh đến vai trò của người dân trong việc
giám sát công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Bởi cơ quan quản
lý dù có đông nhân lực đến đâu cũng không thể phát hiện được hết.
Ngày 14/7, Báo Hà Nội mới phối phợp với Sở Y tế Hà Nội tổ chức Tọa đàm trực tuyến "Thực trạng và giải pháp quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm".
Theo Thiếu tá Vũ Thị Hoàng Yến, Phòng Cảnh sát môi trường, Công an thành phố Hà Nội, trong năm 2015 và 6 tháng đầu năm 2016, tình hình tội phạm liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn Hà Nội diễn ra phức tạp, gây bức xúc trong dư luận. Trong 6 tháng đầu năm 2016, Công an thành phố đã phát hiện hàng nghìn vụ vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm, xử phạt hành chính 1.485 vụ, thu nộp ngân sách 6 tỷ đồng.
Những vi phạm này tập trung ở các hình thức như: sử dụng phụ gia, hoá chất độc hại trong chế biến, bảo quản rau, củ, quả, thịt, cá, đồ uống, nhất là tại các điểm kinh doanh thức ăn đường phố; sử dụng thuốc kích thích tăng trưởng, thuốc bảo vệ thực vật, có dư lượng hoá chất, kháng sinh cao; sản xuất, buôn bán vận chuyển lương thực, thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ...
Cũng theo Thiếu tá Vũ Thị Hoàng Yến, khâu tổ chức thực hiện bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm của các cấp chính quyền còn hạn chế; một số địa phương quản lý lỏng lẻo dẫn đến chậm phát hiện và không xử lý kịp thời các vụ việc vi phạm. Bên cạnh đó, công tác giáo dục tuyên truyền chưa tạo được chuyển biến lớn, kết quả chưa cao, nguy cơ ngộ độc thực phẩm vẫn còn tiềm ẩn.
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về an toàn thực phẩm, ngày 27/4/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị phải triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng mất an toàn thực phẩm. Ngày 9/5/2016, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành chỉ thị số 13/CT-TTg yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.
Trên tinh thần đó, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội đã khẩn trương chỉ đạo các cấp, các ngành gấp rút triển khai chương trình hành động bảo đảm vệ sinh toàn thực phẩm trên toàn địa bàn thành phố. Hiện, thành phố Hà Nội đã triển khai thí điểm đồng bộ lực lượng thanh tra an toàn thực phẩm cấp cơ sở tại 5 quận, huyện và 10 xã, phường, thị trấn. Hà Nội cũng yêu cầu triển khai lực lượng thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm cấp cơ sở tại 30 quận, huyện, thị xã.
Theo Chi cục trưởng Chi cục An toàn thực phẩm Hà Nội Trần Ngọc Tụ, thời gian qua, UBND thành phố Hà Nội đã thành lập 5 đoàn thanh tra. Các đoàn thanh tra này đều có số điện thoại đường dây nóng để người dân có thể phản ánh trực tiếp. Sau 5 tháng triển khai, các đoàn thanh tra đã nhận được hàng trăm cuộc điện thoại phản ánh của người dân về an toàn thực phẩm. Các đoàn cũng tổ chức thanh, kiểm tra và giải quyết nếu phát hiện vi phạm.
Ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) nhấn mạnh đến vai trò của người dân trong việc giám sát công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Bởi cơ quan quản lý dù có đông nhân lực đến đâu cũng không thể phát hiện được hết. Qua đường dây nóng và các phương tiện thông tin đại chúng, hi vọng người dân sẽ phát huy vai trò giám sát của mình, chung tay cùng các cơ quan chức năng giải quyết các vấn đề liên quan tới an toàn thực phẩm. Khi có sự chung tay giữa các cơ quan quản lý và người dân, chắc chắn công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ phát huy hiệu quả./.
Nguyễn Thắng/TTXVN