Chính phủ vừa ban hành Nghị định 108/2014/NĐ-CP về chính sách tinh giản biên chế, có hiệu lực thi hành từ đầu năm 2015. Đây là một trong những chính sách được người dân mong đợi bởi lẽ chủ trương tinh giản biên chế tại các cơ quan Nhà nước đã có từ khá lâu, nhưng do chính sách chưa nhất quán, tổ chức không quyết liệt nên “càng hô hào giảm, lại càng tăng”, “giảm biên chế, vẫn thêm ghế” như lời nhận xét của một số đại biểu Quốc hội.
Vấn đề tinh giản biên chế cũng đã trở thành đề tài nóng tại kỳ họp Quốc hội vừa qua khi các đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình về tình trạng “lạm phát cấp phó”, “bộ máy hành chính cồng kềnh”…
Còn nhớ năm ngoái, báo cáo của Bộ Nội vụ đã gây “sốc” về việc, sau 5 năm thực hiện đề án tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên cả nước đã tăng thêm gần 42.000 biên chế. Báo cáo tại kỳ họp Quốc hội năm nay, Bộ trưởng Bộ Nội vụ thừa nhận “một số địa phương vẫn có tình trạng sử dụng vượt chỉ tiêu biên chế công chức được giao”.
Ai cũng biết rằng, tinh giản một người mà thực chất là cho thôi việc, nghỉ việc, đuổi việc không hề đơn giản, trừ khi họ mắc khuyết điểm nghiêm trọng phải xử lý kỷ luật. Còn nếu chỉ “sáng cắp ô đi, tối cắp về”, làm việc làng nhàng, thậm chí chẳng làm được gì cũng không dễ xử lý. Động chạm đến họ là động đến hàng loạt quy định, không khéo chưa đuổi được họ mà người đứng đầu đã thoái chí, vất vả vì chuyện thưa kiện.
Chính vì lý do trên, người dân rất hy vọng về chính sách mới theo Nghị định 108/2014/NĐ-CP sẽ tạo ra một cuộc cách mạng thực sự trong lĩnh vực cải cách hành chính, góp phần tạo ra bộ máy hành chính tinh, gọn, hiệu quả và làm cơ cở cho việc cải cách tiền lương. Nghị định quy định rõ 12 đối tượng phải tinh giản biên chế, đồng thời cũng quy định cụ thể chính sách tinh giản biên chế gồm: Chính sách về hưu trước tuổi; Chính sách chuyển sang làm việc tại các tổ chức không hưởng lương thường xuyên từ ngân sách Nhà nước; Chính sách thôi việc; Chính sách đối với những người thôi giữ chức vụ lãnh đạo hoặc được bổ nhiệm, bầu cử vào chức vụ khác có phụ cấp chức vụ lãnh đạo mới thấp hơn do sắp xếp tổ chức…
Vấn đề quan trọng là để các chính sách này vào cuộc sống, cần phải có thêm những chế tài cụ thể để ngăn cản được tình trạng chạy chọt người quen, kiểu “con ông cháu cha”, "con anh cháu chú”...
Khó khăn lớn nhất trong tinh giản biên chế chính là quyết tâm thực hiện của người đứng đầu từng cơ quan, tổ chức, đơn vị. Cơ chế, chính sách, thẩm quyền đã được ban hành. Vấn đề là họ có thực hiện hết trách nhiệm và thẩm quyền được giao hay không. Do vậy, điều này phụ thuộc nhiều vào người đứng đầu từng cơ quan, tổ chức, đơn vị. Tất nhiên, không thể thiếu sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, sự giám sát của các tổ chức chính trị xã hội và quần chúng nhân dân.
Một điều chắc chắn là, nếu các chính sách tinh giản biên chế được thực hiện công khai, minh bạch, được giám sát chặt chẽ thì hiện tượng “giảm biên chế, vẫn thêm ghế” sẽ không còn./.
Đỗ Phú Thọ (QĐND)