Thứ Sáu, 27/9/2024
Kinh tế
Chủ Nhật, 7/9/2008 10:58'(GMT+7)

Giảm dần vai trò độc quyền của EVN

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ mới đây bàn về vốn cho các dự án điện, Thủ tướng Chính phủ kết luận: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phải xác định trách nhiệm là đơn vị nòng cốt trong việc đảm bảo điện cho phát triển kinh tế - xã hội.

Theo đó, cơ chế hoạt động của ngành điện cần được tiếp tục nghiên cứu, cải cách theo hướng cơ cấu lại tổ chức quản lý; xây dựng thị trường điện lực cạnh tranh đồng thời giảm dần vai trò độc quyền của EVN trong các khâu phát điện, phân phối và kinh doanh điện; xây dựng giá điện theo thị trường, trong đó Nhà nước hỗ trợ cho người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội khác; huy động nguồn vốn đầu tư từ mọi thành phần kinh tế, trong đó, nguồn vốn nhà nước từ EVN, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, Tập đoàn công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam và các tập đoàn, tổng công ty nhà nước khác giữ vai trò chi phối.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, theo lộ trình hình thành thị trường điện cạnh tranh, trước mắt, EVN chưa tiến hành cổ phần hoá thêm các công ty điện lực, mà cần đẩy mạnh công tác cải cách, nhất là nâng cao hiệu quả công tác kinh doanh và chất lượng dịch vụ khách hàng, tiếp tục thực hiện điện khí hoá nông thôn.

Bên cạnh đó, EVN cần tập trung đủ vốn cho các dự án đang dở dang để hoàn thành dứt điểm, đúng tiến độ; xử lý vốn và hoàn thành các thủ tục cần thiết để đảm bảo khởi công sớm các dự án có trong kế hoạch nhưng chưa khởi công được. Đối với 13 dự án nguồn điện mà EVN đề nghị giao cho chủ đầu tư khác, Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Công thương đề xuất và báo cáo Thủ tướng trong tháng 9 này.

Về cơ chế giá điện, giá điện phải được tính đúng, tính đủ theo cơ chế thị trường, không bao cấp, giảm bù chéo, đảm bảo tính cạnh tranh. Nhà nước quyết định giá mua, bán điện theo hướng giá mua điện đảm bảo có lãi cho sản xuất. Nhà nước chỉ hỗ trợ cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác./.
Theo Tin tức

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất