Thống kê của Bộ Y tế cho thấy một số bệnh truyền nhiễm như: sốt xuất huyết (SXH), tay, chân, miệng (TCM), sởi, viêm não do vi-rút, viêm não Nhật Bản, dại... đang có xu hướng gia tăng và nguy cơ bùng phát thành dịch rất lớn. Để chủ động phòng, chống, bên cạnh sự nỗ lực của ngành y tế, người dân cần thực hiện tốt việc tiêm vắc-xin phòng bệnh và các khuyến cáo của cơ quan chuyên môn.
Số liệu thống kê cho thấy, từ đầu năm đến nay, cả nước có hơn 20 nghìn người mắc SXH (trong đó có bốn người chết); 14.092 người mắc bệnh TCM; cả nước có 567 trường hợp sốt phát ban nghi sởi (một trường hợp chết); 48 người mắc bệnh do liên cầu lợn (ba người chết tại Trà Vinh, Lai Châu và Bà Rịa - Vũng Tàu); 19 người mắc bệnh viêm màng não do não mô cầu... Đáng chú ý, tại tỉnh Sơn La có 74 người mắc, nghi mắc viêm não vi-rút tại tám huyện (tăng 37 trường hợp so với cùng kỳ năm trước), trong đó có một người chết tại huyện Thuận Châu. Cả nước có tới 28 người chết do bệnh dại tại 17 tỉnh, thành phố, tập trung chủ yếu ở các tỉnh phía bắc…
Tiêm vắc-xin là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất cho trẻ em.
Theo đánh giá của Cục trưởng Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu, phần lớn các tỉnh, thành phố tiếp tục có thêm người mắc SXH, TCM từ đầu năm 2018 đến nay. Tuy tổng số người mắc giảm so với cùng kỳ năm 2017, nhưng hiện bệnh sởi có xu hướng gia tăng tại các tỉnh, thành phố: Thanh Hóa, Hà Nội, Sơn La, Quảng Ninh... Tại Hà Nội đã có 242 trường hợp mắc phát ban dạng sởi tại 28 quận, huyện, tăng 84 trường hợp so với cùng kỳ năm 2017, trong đó 195 trường hợp đã được lấy mẫu xét nghiệm, phát hiện 128 trường hợp dương tính sởi. Đáng lo ngại, phân bổ người bệnh sốt phát ban nghi sởi năm 2018 theo tiền sử tiêm chủng là: Chưa đủ tuổi tiêm có 73 ca (chiếm 30,2%) đã tiêm ít nhất được một mũi vắc-xin sởi là 65 ca (chiếm 26,9%); chưa được tiêm là 104 trường hợp (chiếm 42,9%). Hiện đang giữa mùa hè nóng ẩm, mưa nhiều là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh SXH phát triển, nhất là một số bệnh có nguy cơ gia tăng như: bệnh viêm màng não do não mô cầu; bệnh viêm não vi-rút, viêm não Nhật Bản, dại, bệnh đường hô hấp nguy hiểm khác như bạch hầu, ho gà...
Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi T.Ư) đang điều trị hơn 30 ca viêm não - màng não. Đáng chú ý, trong đó có hai trẻ mắc viêm não Nhật Bản rất nặng, cả hai ca đều không được tiêm ngừa hoặc tiêm chưa đủ số mũi vắc-xin theo quy định. Cháu Lê Quỳnh Tr. (13 tuổi, ở tỉnh Hải Dương) vào viện trong tình trạng sốt cao, li bì, co giật. Do bệnh diễn biến nhanh và nặng nên cho dù đã điều trị thở máy, dùng thuốc chống phù não nhưng hơn 10 ngày tình trạng bệnh nhi vẫn chưa ổn định. Trường hợp thứ hai là cháu Nguyễn Đức A. (15 tháng, ở tỉnh Bắc Ninh), sau bốn ngày thở máy, điều trị chống phù não, tình trạng đã tạm thời ổn định, tuy nhiên vẫn cần tiếp tục theo dõi, đánh giá di chứng về tinh thần, vận động.
Theo bác sĩ Đỗ Thiện Hải, Phó trưởng khoa Truyền nhiễm, viêm não Nhật Bản là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm lây qua muỗi đốt. Bệnh thường gây viêm não, màng não ở trẻ em, có tỷ lệ tử vong và di chứng cao (từ 25 đến 35%). Viêm não Nhật Bản thường khó phát hiện sớm do các triệu chứng ban đầu rất giống với những bệnh viêm nhiễm khác. Tuy nhiên, đến ngày thứ hai hay thứ ba của bệnh thì triệu chứng biểu hiện rõ dần như: sốt cao đột ngột, buồn nôn, nôn khan, đau đầu, phản ứng lờ đờ, chậm chạp. Bệnh diễn tiến rất nhanh, sau ba ngày, thậm chí một ngày, người bệnh đã có biểu hiện co giật, hôn mê, phải thở máy, chỉ một, hai ngày là trẻ có thể chết. Ngoài ra, những trường hợp mắc viêm não Nhật Bản tạo di chứng thần kinh về sau, khiến người bệnh giảm khả năng giao tiếp, giảm hoặc mất khả năng lao động, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội...
Để chủ động phòng, chống hiệu quả các dịch bệnh nêu trên, Bộ Y tế đề nghị các địa phương giám sát chặt chẽ các trường hợp nghi mắc sởi, viêm não vi-rút, viêm não Nhật Bản...; đồng thời tăng cường kiểm tra công tác tiêm phòng vắc-xin tại các khu vực có số trường hợp mắc tăng cao. Đôn đốc các địa phương, đơn vị chủ động phòng, chống dịch bệnh mùa xuân hè, nhất là triển khai các chiến dịch diệt bọ gậy phòng, chống SXH. Điều tra xử lý tại cộng đồng các ca bệnh ghi nhận trong tuần như sốt phát ban nghi sởi, SXH, TCM, ho gà, liên cầu lợn... Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân thực hiện nghiêm việc tiêm chủng các bệnh có vắc-xin dự phòng, với phương châm tiêm “đúng lịch, đúng tuổi, đúng liều” với bất kỳ hình thức tiêm nào trong chương trình tiêm chủng quốc gia, hay tiêm dịch vụ. Nếu tiêm không đủ liều vắc-xin, vẫn có khả năng mắc bệnh, làm giảm sự miễn dịch tại cộng đồng. Đây đang được coi là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến dịch bệnh gia tăng và bùng phát tại cộng đồng thời gian qua. Riêng với dịch sởi, người dân cần đưa trẻ từ chín tháng đến hai tuổi chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ hai mũi vắc-xin sởi đi tiêm đầy đủ và đúng lịch.
Đối với bệnh viêm não Nhật Bản và các dịch bệnh khác, bên cạnh việc tiêm vắc-xin phòng bệnh người dân cần thực hiện vệ sinh môi trường sạch sẽ; đi ngủ cần mắc màn, thường xuyên sử dụng các biện pháp xua, diệt muỗi trong các gia đình, không cho trẻ em chơi gần chuồng gia súc đề phòng muỗi đốt. Tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo và tiêm nhắc lại hằng năm theo khuyến cáo của ngành thú y; không thả rông chó, mèo ra đường hoặc khi thả phải được đeo rọ mõm… Các trường hợp bị chó, mèo cắn cần đến ngay trung tâm y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. Chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh dại.../.
Theo nhandan.com.vn