Thứ Bảy, 28/9/2024
Giáo dục
Chủ Nhật, 21/8/2011 17:34'(GMT+7)

Giảm tải không có nghĩa là cắt xén chương trình

 

Trả lời cụ thể hơn về mục đích của việc điều chỉnh dạy học theo hướng tinh giảm ở trường phổ thông của Bộ GDĐT, ông Phạm Mạnh Hùng, Chánh văn phòng Bộ GDĐT cho biết: 

- Việc điều chỉnh nội dung dạy học ở trường phổ thông theo hướng tinh giảm để việc dạy và học phù hợp với chuẩn kiến thức kĩ năng và mục tiêu giáo dục, phù hợp với thời lượng dạy học và điều kiện thực tế các nhà trường. Tạo điều kiện học sinh (HS) tiếp thu kiến thức, kỹ năng trong chương trình (CT) thuận lợi hơn và GV có điều kiện đổi mới phương pháp dạy học (PPDH), đổi mới kiểm tra đánh giá (KTĐG) hoặc tổ chức các hoạt động giáo dục toàn diện cho HS theo yêu cầu của CT giáo dục phổ thông.

Việc điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng tinh giảm đã quán triệt các nguyên tắc như: Đảm bảo mục tiêu giáo dục của CT, SGK; không phá vỡ cấu trúc của CT, SGK; đảm bảo tính lôgic của mạch kiến thức và tính thống nhất giữa các bộ môn. Không thay đổi thời lượng dạy học đối với mỗi môn học trong một lớp và trong mỗi cấp học; thuận lợi cho việc tổ chức thực hiện tại các cơ sở giáo dục, cho việc giảng dạy của GV và học tập của HS.

Xin ông cho biết những nội dung kiến thức nào cần điều chỉnh, tinh giảm?

- Việc giảm tải năm học 2011-2012 sẽ tập trung vào 5 nhóm nội dung chính: Giảm tải những kiến thức được viết trong CT-SGK để dạy học ở nhiều môn khác nhau. Chẳng hạn như cùng một kiến thức đó được dạy ở cả môn sinh học, môn hoá học, công nghệ hay cùng một nội dung đó được dạy ở cả môn giáo dục công dân và cả hoạt động ngoài giờ lên lớp (chủ yếu ở cấp THCS và THPT). Ví dụ: Bài 6: mục IV. Trạng thái của chất (trang 24 SGK hóa học lớp 8 THCS) đã được học ở môn Vật Lý THCS...

Giảm tải những nội dung trùng lặp dạy cả ở lớp dưới và lớp trên do chưa lường hết hạn chế của cách xây dưng CT, SGK theo quan điểm đồng tâm.

Giảm tải những bài tập, câu hỏi yêu cầu vận dụng kiến thức quá sâu, không phù hợp trình độ nhận thức và tâm sinh lý lứa tuổi học sinh. Ví dụ: Trong ở cấp Tiểu học, không yêu cầu học sinh xây dựng tiểu phẩm khi học môn đạo đức...

Rà soát, điều chỉnh những kiến thức mang đặc điểm địa phương. Ví dụ, đối với môn công nghệ thì ở các thành phố có thể dạy về kĩ thuật trồng cây cảnh hay kĩ thuật thuỷ canh thay vì phải dạy kiến thức về trồng cây gây rừng.

Sắp xếp lại những bài học trước đây sắp xếp chưa hợp lý. Điều này rõ nhất ở môn Mĩ thuật cấp THCS. Ví dụ: Bài “Mỹ thuật thời Trần” của lớp 7 và bài “Một số công trình mỹ thuật thời Trần” trước đây được dạy cách nhau 8 tuần thì nay sắp xếp hai tiết này ở hai tuần liền nhau để GV và HS thuận tiện hơn trong việc chuẩn bị đồ dùng dạy - học và mạch kiến thức được liên tục, không ngắt quãng.

Vì sao năm nay Bộ GDĐT lại triển khai thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng giảm tải một cách mạnh mẽ hơn?

- Việc rà soát CT-SGK để nâng cao chất lượng dạy học đã được thực hiện từ nhiều năm nay, nhất là từ sau các đợt đánh giá chương trình và SGK năm 2005 và năm 2008. Trên cơ sở việc rà soát CT-SGK, Bộ đã chỉ đạo các cơ quan liên quan và các địa phương triển khai một số giải pháp để điều chỉnh nội dung nâng cao chất lượng dạy học và giáo dục.

Một trong các nguyên tắc của việc giảm tải được quán triệt là đảm bảo không phá vỡ cấu trúc của CT, SGK và không thay đổi CT, SGK hiện hành. Chúng ta không “cắt” nội dung, CT dạy học một cách cơ học mà tiến hành điều chỉnh nội dung dạy học, chỉ “cắt” những phần không hợp lý trên cơ cở vẫn đảm bảo giữ được mạch của CT, tính lô gích của kiến thức và tính thống nhất của các bộ môn.

Việc giảm tải lần này sẽ mang lại hiệu quả tốt, nâng cao chất lượng giáo dục, khắc phục được sự khó khăn cho HS bởi thời gian học tập ít mà cứ phải học các kiến thức trùng lặp hay vì bài tập, yêu cầu quá cao nên nảy sinh chuyện dạy thêm, học thêm… Giảm tải cũng sẽ giúp các GV có đủ điều kiện để chủ động dạy học sát với từng nhóm đối tượng, có thêm thời gian cho việc dạy và học tốt hơn các yêu cầu kiến thức phổ thông cần thiết... Việc điều chỉnh nội dung dạy học này sẽ giúp giảm thời gian học kiến thức hàn lâm, lý thuyết thuần tuý, tăng thời gian thực hành, học tại hiện trường; điều đó sẽ giúp cho HS có điều kiện được vận dụng lý thuyết vào thực tiễn, hình thành năng lực nhận thức, năng lực hành động và kỹ năng sống./.

Theo Lao Động

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất