Thứ Hai, 30/9/2024
Sức khỏe
Thứ Năm, 16/9/2010 19:41'(GMT+7)

Gian nan đi tìm lời giải cho “bài toán” an toàn lao động trong xây dựng

Xây dựng là lĩnh vực có số vụ TNLĐ nhiều nhất so với các ngành khác

Xây dựng là lĩnh vực có số vụ TNLĐ nhiều nhất so với các ngành khác

Tai nạn lao động trong xây dựng đang gia tăng

Xây dựng là ngành thu hút nhiều vốn đầu tư nhất (theo thống kê, trong những năm gần đây, chỉ riêng các công trình xây dựng giao thông đã chiếm khoảng 80% vốn ODA của cả nước) và là một trong những ngành thu hút nhiều lao động. Theo số liệu trong Hồ sơ Quốc gia về an toàn vệ sinh lao động giai đoạn 2005 – 2009, số doanh nghiệp hoạt động trong xây dựng là 21.029, số lao động gần 2,4 triệu người.

Theo báo cáo của 63 sở Lao động – Thương binh và Xã hội, trong năm 2009 đã xảy ra 6.250 vụ tai nạn lao động (TNLĐ) làm 6.421 người bị nạn, trong đó có 550 người chết, 1.221 người bị thương nặng. Một số vụ tai nạn nghiêm trọng đã xảy ra trong năm 2009 như: Vụ sạt lở núi bên ta – luy dương của đoạn đường đang thi công thuộc huyện Sốp Cộp (Sơn La) làm 4 công nhân bị chết; vụ điện giật làm 3 người chết, 3 người bị thương tại phường Ba Đình (TP Thanh Hóa); nhiều vụ tai nạn liên tiếp xảy ra trong quá trình xây dựng tòa nhà Keangnam (Hà Nội) làm 4 người chết và 3 người bị thương…

Xây dựng là lĩnh vực có số vụ TNLĐ nhiều nhất so với các ngành khác. Theo thống kê chưa đầy đủ, năm 2009, TNLĐ trong lĩnh vực xây dựng (công trình dân dụng, công nghiệp, giao thông) chiếm 51,11% tổng số vụ TNLĐ chết người. TNLĐ đã gia tăng kể cả tần suất lẫn mức độ nghiêm trọng, trở thành vấn đề bức xúc không chỉ đối với ngành xây dựng mà còn đối với cả xã hội.

Đi tìm nguyên nhân

Trao đổi về những nguy cơ rủi ro trong ngành xây dựng, TS Triệu Quốc Lộc, thuộc Trung tâm Khoa học an toàn lao động, Viện nghiên cứu khoa học kỹ thuật bảo hộ lao động nhấn mạnh đến một vấn đề mất an toàn đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ trên các công trường xây dựng ở các thành phố lớn, đe doạ tính mạng của công nhân và cả người dân. Đó là các cần cẩu công trình xây dựng lơ lửng trên đường phố. Cần cẩu là thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động. Theo quy định, toàn bộ khu vực khi cần cẩu hoạt động phải bảo đảm an toàn tuyệt đối, trong phạm vi thi công không cho phép người không có trách nhiệm có mặt. Thế nhưng, hiện nay, ở nhiều đô thị, cần cẩu vẫn lơ lửng trên mái nhà, vắt ngang qua ngõ phố, chênh vênh trên đầu người đi lại… mà thiếu biện pháp bảo đảm an toàn.

Nguyên nhân của tình trạng này một mặt là do điều kiện lao động trên các công trường xây dựng có những đặc thù riêng; địa điểm làm việc của người lao động luôn thay đổi; phần lớn các công việc phải thực hiện ngoài trời, chịu ảnh hưởng của khí hậu, thời tiết xấu; nhiều công việc nặng nhọc phải thi công ở những vị trí không thuộc tiện (cheo leo trên cao, dầm bùn dưới sâu, làm việc ở tư thế gò bó…), nhiều yếu tố độc hại… dễ gây ra tai nạn lao động, làm suy giảm sức khỏe nhanh, gây bệnh nghề nghiệp… Mặt khác, trong những năm gần đây, số lượng và quy mô các công trình xây dựng tăng lên, lực lượng lao động trong lĩnh vực xây dựng, đặc biệt trong xây dựng các công trình cao tầng và các công trình có yêu cầu kỹ thuật phức tạp tăng lên.

Tuy nhiên, nguyên nhân quan trọng nhất vẫn là do người sử dụng lao động chưa tuân thủ triệt để các quy định của pháp luật về lao động (không đào tạo, huấn luyện về an toàn lao động cho người lao động); vi phạm các quy trình kỹ thuật trong quá trình thi công; sử dụng các máy móc, thiết bị không bảo đảm an toàn; không có các biện pháp về an toàn lao động, khoán trắng cho người lao động. Các chủ thầu thường quá tập trung vào tiến độ sản xuất, thúc ép thợ làm hết công suất. Ngoài ra, để tiết kiệm chi phí, họ cắt bớt những trang thiết bị an toàn, phương tiện bảo vệ cá nhân…Trong khi đó, phần lớn người lao động trong lĩnh vực xây dựng vừa từ vùng nông thôn ra làm thuê, không hiểu biết về an toàn lao động; ý thức chấp hành kỷ luật lao động kém; chủ quan, chạy theo tiền khoán, coi thường tính mạng (thể hiện rõ nhất trong việc sử dụng các phương tiện bảo vệ cá nhân). Về phía cơ quan quản lý, công tác thanh tra, kiểm tra chưa được làm gắt gao, xử lý các vi phạm về an toàn lao động chưa nghiêm; đơn giá xây dựng cơ bản còn bất cập (đặc biệt là đơn giá về nhân công không sát thực tế, chủ thầu phải cắt xen, gian dối…); cơ chế đấu thầu cũng chưa hợp lý, phát sinh tiêu cực, có đơn vị tìm cách thắng thầu bằng mọi giá… Mặt khác, trên các công trường xây dựng có nhiều nhà thầu tham gia, việc phối hợp, tổ chức mặt bằng thi công xây dựng chưa tốt, thi công chồng chéo, sức ép về tiến độ thi công… làm xảy ra tình trạng có công việc làm trước, chưa được nghiệm thu chất lượng đã làm các công việc tiếp sau (tháo dỡ cốp pha…) gây mất an toàn lao động.

Bao giờ có “Văn hóa An toàn lao động”

Tại Hội thảo về An toàn vệ sinh lao động trong ngành xây dựng diễn ra ngày 16/9 tại Hà Nội, các đại biểu đã tập trung bàn thảo, đề ra nhiều giải pháp nhằm khắc phục tình trạng gia tăng TNLĐ. Nhiều ý kiến cho rằng, trách nhiệm và ý thức về an toàn lao động của các doanh nghiệp đóng vai trò hết sức quan trọng. Để hạn chế được những tai nạn đáng tiếc, chủ đầu tư, các nhà thầu cũng như người lao động cần có sự ý thức, trách nhiệm. Người lao động phải ý thức được mối nguy hiểm của công việc mình làm để tìm hiểu, học hỏi, nâng cao hiểu biết và từ đó biết cách phòng tránh. Cần chấp hành kỷ luật lao động.

Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý cần đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra an toàn lao động; xử thật nghiêm các vi phạm về an toàn lao động (kể cả việc ghi vào “sổ đen” nhà thầu nào hay để xảy ra TNLĐ để không cho đấu thầu các công trình sau đó). Đơn giá định mức xây dựng cần được bổ sung và cập nhật để sát thực tế. Cần sửa đổi, hoàn thiện dần cơ chế đấu thầu xây dựng để làm sao vừa đạt mục đích tiết kiệm vốn đầu tư nhưng cũng không ảnh hưởng tiêu cực đến lợi ích của người lao động (ví dụ như khôngchấp nhận giá bỏ thầu quá thấp để rồi hậu quả là thi công dây dưa, vi phạm an toàn, công nhân lay lắt…)

Trao đổi về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Hằng, nguyên Bộ trưởng bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đi tìm lời giải bằng “Văn hóa an toàn lao động”. Theo bà, khái niệm “Văn hóa an toàn” đã được sử dụng ở nhiều nước và được nhìn nhận như một phần không thể tách rời trong chiến lược tăng khả năng cạnh tranh, sự tin cậy và bảo đảm an toàn vệ sinh lao động của doanh nghiệp. Văn hóa an toàn chính là chìa khóa để cải thiện điều kiện lao động, phòng ngừa các nguy cơ rủi ro nhằm giảm thiểu tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp một cách hiệu quả. Đây cũng là giải pháp cơ bản, có tầm chiến lược đối với phát triển sản xuất, tăng trưởng kinh tế, bảo vệ nguồn lực con người.

Dương Ngọc

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất