Chủ Nhật, 24/11/2024
Ban Tuyên giáo Trung ương
Thứ Tư, 19/9/2018 21:41'(GMT+7)

Giảng viên lý luận chính trị giỏi cần có kiến thức sâu sắc và sự tâm huyết với nghề

Các thí sinh bốc thăm số báo danh trước Hội thi

Các thí sinh bốc thăm số báo danh trước Hội thi

Đồng chí Bình Thị Hoa, Trung tâm BDCT thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La: “Giảng viên lý luận chính trị giỏi cần có cả tài và đức”

Tham dự Hội thi giảng viên lý luận chính trị giỏi cấp tỉnh năm 2018, bản thân tôi đã học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm. Cuộc thi giúp tôi củng cố, rèn luyện kỹ năng soạn, giảng, cần kết hợp nhuần nhuyễn giữa kiến thức bài và phương pháp giảng bài, học hỏi được thêm các phương pháp giảng dạy của đồng nghiệp, rút kinh nghiệm cho bản thân để khắc phục những hạn chế, phát huy những ưu điểm. Cần phân biệt rõ giữa giảng dạy và diễn thuyết hay báo cáo viên.


 

Để có một bài giảng tốt, theo tôi trước hết cần phải có một bài soạn tốt, bài soạn đó thể hiện được những kiến thức mà chương trình yêu cầu nhưng phải được thể hiện dưới nội dung cụ thể, dễ hiểu, có dẫn chứng sinh động chứng minh cho những nội dung cần phân tích. Để chuyển tải được những nội dung bài giảng thì điều quan trọng nhất là phương pháp, người giảng viên phải có phương pháp giảng bài, thể hiện ở cách nói, cách diễn giải, tác phong đi lại, vận dụng nhiều phương pháp trong quá trình giảng bài.

Trong 3 phần thi theo quy định của Hội thi, mỗi phần đều có cái khó riêng, tuy nhiên theo tôi phần thi khó nhất là phần thi giảng. Bởi vì, cùng là một giáo án với nội dung kiến thức như nhau, nhưng có người sẽ giảng hấp dẫn học viên, làm cho học viên dễ hiểu và ngược lại. Đó chính là phương pháp giảng của mỗi giảng viên, đòi hỏi phải có rèn luyện, tập giảng nhiều lần, có kỹ năng và một chút năng khiếu.

Theo tôi, để trở thành giảng viên lý luận chính trị giỏi, người giảng viên đó phải có cả tài và đức. Tài thể hiện ở đặc điểm có kiến thức, nắm chắc được nội dung bài giảng, có kiến thức liên hệ thực tiễn, hiểu biết sâu, rộng. Có phương pháp giảng bài, biết kết hợp nhiều phương pháp trong quá trình giảng bài, có kỹ năng, phong cách… Đức thể hiện ở đặc điểm người giảng viên cần có tâm, yêu nghề, nhiệt huyết, trách nhiệm…

Tôi tin tưởng rằng, Hội thi lần này sẽ được tổ chức khoa học, công tâm, khách quan để tìm ra được những giảng viên lý luận chính trị giỏi thật xứng đáng.

Đồng chí Đào Tân Lý, Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội: “Cần có kiến thức sâu sắc và sự tâm huyết với nghề”

Tham dự Hội thi lần này, tôi chọn giảng dạy bài Khái lược lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, dành cho đối tượng là quần chúng ưu tú đang phấn đấu vào Đảng. Sau khi giảng dạy, tôi mong muốn mỗi học viên sẽ hiểu được hoàn cảnh ra đời và vai trò của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đối với việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; Những thành tựu của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng; Những truyền thống quý báu của Đảng Cộng sản Việt Nam. 

Tôi mong muốn rằng, từ những nhận thức đó, học viên có thái độ tin tưởng vào Đảng, tự hào về những truyền thống vẻ vang của Đảng, của dân tộc Việt Nam, đồng thời, xây dựng cho bản thân động cơ vào Đảng đúng đắn, phấn đấu gia nhập và gắn bó suốt đời với Đảng, luôn cố gắng trong hoạt động thực tiễn với những kết quả cụ thể góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, lý tưởng của Đảng.

Hội thi là cơ hội để các giảng viên lý luận chính trị có thể  trao đổi, học tập lẫn nhau, để chúng tôi có thể nâng cao trình độ lý luận và giảng dạy tốt hơn.

Theo tôi, ba phần thi đều rất quan trong. Phần giáo án là nội dung cơ bản cần truyền đạt, Phần giảng bài thể hiện nghiệp vụ của người giảng viên và chuyên môn. Phần trả lời câu hỏi thể hiện kiến thức của giảng viên.

Một người giảng viên lý luận chính trị giỏi phải có kiến thức sâu sắc, và sự tâm huyết nhiệt tình, phương pháp sư phạm giúp cho học viên dễ hiểu, dễ nhớ vấn đề hơn.

Tôi tin tưởng rằng, tất cả các giảng viên sẽ thể hiện hết mình trong Hội thi và Ban giám khảo sẽ làm việc công tâm, khách quan, công bằng, khoa học để chọn ra những thí sinh xứng đáng nhất.

Đồng chí Nguyễn Thị Thanh Hương, Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện Quảng Yên, Quảng Ninh: “Cần làm chủ kiến thức và nắm rõ đối tượng truyền đạt”

Tôi rất vui và vinh dự khi được tham dự Hội thi Giảng viên lý luận chính trị giỏi khu vực phía Bắc năm 2018, tuy nhiên, cũng có chút lo lắng, hồi hộp. Đây cũng là dịp để tôi có thể học hỏi rất nhiều về phương pháp giảng dạy lý luận chính trị. 

Đến với Hội thi, tôi cũng không quá căng thẳng, không gò mình hay tạo áp lực khi đi thi. Tôi chỉ nghĩ đơn giản là đưa tiết học của mình ở trường vào Hội thi.

Từ các tiết học tôi dạy ở trung tâm, từ phản hồi của học viên, tôi tự điều chỉnh về phương pháp truyền đạt, nội dung, câu hỏi trao đổi và cách liên hệ với thực tiễn phù hợp với từng đối tượng.

Đến với Hội thi lần này, tôi chọn giảng bài dành cho đối tượng đảng viên mới với nội dung phấn đấu rèn luyện để xứng đáng với danh hiệu đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Sau bài giảng, tôi mong muốn, mỗi đảng viên dự bị cần nắm bắt vai trò và vị trí của Đảng Cộng sản, nắm bắt được nhiệm vụ của đảng viên. Từ đó, mỗi đảng viên dự bị tự đặt cho mình kế hoạch để phấn đấu, rèn luyện, vận dụng vào thực tiễn để xứng đáng là đảng viên Đảng Cộng sản, xứng đáng với danh hiệu họ được vinh dự mang theo. Thông qua nội dung bài giảng, tôi cũng tự nhắc mình về tiêu chuẩn của người đảng viên mà bản thân mình cũng luôn noi theo.

Một người giảng viên lý luận chính trị giỏi cần làm chủ kiến thức và nắm rõ đối tượng để có phương pháp truyền đạt cho phù hợp. 

Bảo Châu (lược ghi)

 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất