Thứ Bảy, 28/9/2024
Giáo dục
Chủ Nhật, 15/6/2014 8:30'(GMT+7)

Giáo dục và đổi mới giáo dục

                                           

Nghề dạy học cao quý bởi đối tượng của nghề là con người và chủ yếu là phần cao quý nhất của con người - thế giới tinh thần, đời sống tình cảm, tâm hồn của con người. Chính vì vậy, Makarenko (1888-1939), nhà giáo dục (GD) vĩ đại của Nga đã gọi: “Thầy giáo là những kỹ sư tâm hồn”. Cái thế giới tâm hồn đó rõ thực mà hư. Nó tồn tại trong mỗi con người bằng xương bằng thịt cụ thể mà nào có ai trực tiếp nắm bắt, cân đong, đo đếm được bao giờ? Đã thế, nó lại luôn luôn vận động, biến đổi một cách có ý thức với tư cách là một chủ thể độc đáo của một cá nhân riêng biệt. Sự độc đáo, riêng biệt và luôn luôn vận động ấy trong tư tưởng, tâm hồn của mỗi cá nhân học sinh, đòi hỏi người thầy giáo phải luôn luôn có phương pháp GD, dạy học riêng cho phù hợp.
Chính sự thay đổi không ngừng về phương pháp GD đó đã làm nên tính sáng tạo của nghề dạy học. Bởi vì như Friedrich Hesgel (1770-1831), nhà Triết học vĩ đại của Đức đã định nghĩa: “Phương pháp là hình thức vận động của nội dung đối tượng tác động”. Nghĩa là phương pháp phải phù hợp với quy luật vận động của đối tượng tác động. Nếu người thầy giáo không nhận ra yêu cầu khách quan phải đổi mới phương pháp dạy học, GD hàng ngày mà cứ chăm chăm theo những lối mòn thì rồi họ sẽ: “Chữ nghĩa mớm dần con trẻ hết!”. Hình ảnh họ sẽ dần mờ nhạt, vô duyên trong con mắt và tâm trí học sinh.
Yêu cầu đổi mới phương pháp GD nói riêng, toàn bộ nền GD nói chung, không chỉ xuất phát từ đối tượng GD mà còn xuất phát từ nhu cầu phát triển của xã hội. GD với định nghĩa đơn giản nhất là đào tạo con người. Con người đây phải là người lao động mới để xã hội phát triển. Vì vậy tuy có nhiều chức năng, song chức năng cốt lõi, chủ đạo của GD là tái sản xuất mở rộng sức lao động xã hội. Nghĩa là lớp người lao động mới phải đông hơn về số, cao hơn về chất so với lớp người lao động cũ. Trong thời đại của nền kinh tế tri thức ngày nay thì vấn đề cao hơn về chất là quan trọng hơn cả. Đó là kỹ năng nghề nghiệp và năng lực giải quyết các vấn đề bức xúc của cuộc sống đặt ra chứ không phải cao hơn về hiểu biết như tình trạng hiện nay của nền GD nước nhà.
Ngày nay khi thế giới đang bước vào kinh tế tri thức theo cơ chế thị trường, xu hướng hội nhập và toàn cầu hóa thì vấn đề đổi mới, cải cách GD được đặt ra thường xuyên với tất cả các nước. Nếu không sẽ tụt hậu và lệ thuộc. Theo đó, ở các nước phát triển, khoảng 7-8 năm họ phải đổi mới GD vì trong khoảng thời gian đó, toàn bộ tri thức nhân loại đã tăng lên gấp đôi. Không đổi mới, GD không thể cập nhật được tri thức, không thể theo kịp thời đại, không làm trọn chức năng tái sản xuất mở rộng sức lao động xã hội.
Đổi mới GD là vấn đề vô cùng khó khăn, phức tạp do nhiều nguyên nhân: khách quan, chủ quan, bên trong, bên ngoài... Sự phức tạp do bản chất xã hội rộng rãi, sâu sắc của hoạt động GD. Không một hoạt động nào của con người lại mang tính xã hội rộng rãi, sâu sắc bằng hoạt động GD bởi quá trình đó là quá trình xã hội hóa bản thân mỗi con người với sự kết hợp, đan xen, kế tiếp nhau của rất nhiều lực lượng, môi trường GD, cả tự giác lẫn tự phát. Mỗi lực lượng, môi trường đó lại có những mục tiêu, ảnh hưởng khác nhau tới sự phát triển nhân cách của đối tượng GD. Sự phức tạp này là nguyên nhân quan trọng tạo nên sự khó khăn cho quá trình GD. Bởi rất khó mà quy tụ được sự thống nhất giữa các mục tiêu khác nhau của các lực lượng, môi trường GD khác nhau. Mặt khác chính những chủ thể GD (nhà GD) cũng không muốn có sự xáo trộn thường xuyên về mục tiêu, nội dung GD. Họ muốn có sự ổn định để trải nghiệm và duy trì quyền lực với học sinh. Nếu điều kiện kinh tế còn hạn hẹp, trình độ khoa học, kỹ thuật, công nghệ chưa phát triển thì việc đổi mới GD lại càng khó khăn, nan giải.           
Việc đổi mới GD phải xuất phát từ những quan điểm khoa học, biện chứng và thực tiễn chứ không thể tùy tiện, ngẫu hứng. Dựa vào phạm vi của hoạt động GD, ta có thể chia làm hai cấp độ vi mô và vĩ mô. Cấp độ vi mô là hoạt động dạy học, GD hàng ngày của giáo viên với học sinh. Ở cấp độ này đòi hỏi thầy cô giáo phải thường xuyên đổi mới hoạt động dạy học, GD của mình cho phù hợp với từng đối tượng, từng hoàn cảnh, điều kiện cụ thể hàng ngày. Những đổi mới này chủ yếu về phương pháp mang tính kỹ thuật, chiến thuật.
Cấp độ vĩ mô là chiến lược GD của quốc gia trong một giai đoạn lịch sử nhất định. Ở cấp độ này, đổi mới GD là công việc của Nhà nước mà chịu trách nhiệm chính là Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng với các nhà khoa học, đặc biệt là các nhà khoa học GD. Việc đổi mới của nền GD của mỗi quốc gia diễn ra theo chu kỳ, theo từng giai đoạn phát triển của đất nước với những mục tiêu kinh tế, xã hội, chính trị cụ thể khác nhau. Song dù các mục tiêu đó có thay đổi thế nào thì mọi cuộc đổi mới hay cải cách GD vẫn phải nhắm vào thiên chức xã hội cơ bản của GD là tái sản xuất mở rộng sức lao động xã hội. Đồng thời phải quán triệt nguyên lý: “Học đi đôi với hành, GD kết hợp với lao động sản xuất, lý luận gắn liền với thực tiễn, GD nhà trường gắn liền với GD gia đình và GD xã hội” .
Nguyên lý này được xem như một “bảo pháp” để GD làm trọn chức năng xã hội của nó. Nền GD nước ta suốt mấy chục năm qua chú trọng chức năng phúc lợi xã hội hơn là tái sản xuất mở rộng sức lao động xã hội. Phải chăng, chúng ta mải mê với những chỉ tiêu: phổ cập văn hóa, tỷ lệ sinh viên trên vạn dân, chuẩn hóa cán bộ công viên chức, v.v..  nên đã dẫn đến không ít bất cập cho GD. Trong đó bất cập lớn nhất là chất lượng đào tạo và mất cân đối, thiếu đồng bộ cung - cầu, vẫn còn tình trạng thừa thầy, thiếu thợ, có nơi thầy chưa ra thầy, thợ chưa ra thợ.
Ngoài việc phải bám chắc thiên chức xã hội cơ bản trên, việc đổi mới GD trên tầm vĩ mô phải có cái nhìn biện chứng về mối quan hệ chặt chẽ, tương hỗ lẫn nhau trong thế cân bằng động giữa các thành tố của quá trình GD toàn vẹn bao gồm: mục tiêu, nội dung, chủ thể, khách thể, phương pháp, phương tiện, hình thức tổ chức và kết quả GD. Mối quan hệ trong thế cân bằng đồng nghĩa là các thành tố trên của quá trình GD luôn luôn vận động, song là sự vận động tương ứng với nhau trong giới hạn nhất định của thế cân bằng. Có như vậy, quá trình GD mới vận hành được liên tục và phát triển.
Do các thành tố của quá trình GD có quan hệ chặt chẽ với nhau trong thế cân bằng động nên việc đổi mới GD phải tiến hành song song đồng bộ tất cả các thành tố chứ không thể đổi mới riêng rẽ một thành tố nào. Nếu làm như vậy là duy ý chí, sẽ không thu được kết quả gì.
Việc đổi mới phương pháp dạy học ở nước ta được phát động mạnh mẽ, liên tục suốt từ những năm sáu mươi của thế kỷ trước đến nay không đem lại kết quả nào đáng kể là một minh chứng. Từ phổ thông đến đại học giờ đây vẫn dùng phương pháp thuyết trình, đọc chép là chính. Sở dĩ như vậy là do chúng ta đổi mới phương pháp dạy học một cách riêng rẽ khi mà sách giáo khoa, giáo trình vẫn viết theo lối hàn lâm, trình bày đầy đủ kiến thức cần lĩnh hội; dạy học vẫn theo hình thức lớp - bài.
Nội dung kiểm tra, đánh giá kết quả học tập vẫn là những câu hỏi đóng, với yêu cầu thông hiểu, ghi nhớ lý thuyết suông; việc giải các bài tập chỉ là những kiến thức kinh nghiệm về các thuật, mẹo vặt do thầy huấn luyện. Với những yêu cầu ổn định đó, không giáo viên nào dại gì đổi mới phương pháp dạy học theo lối mở: bồi dưỡng năng lực tư duy sáng tạo cho học sinh để các em khi thi bị trượt nhiều. Hơn nữa việc đánh giá kết quả GD vẫn là vùng cấm, độc quyền của thày cô giáo, của ngành GD theo lối “con hát mẹ khen hay”. Điều này đi ngược lại bản chất, quy luật của quá trình GD là quá trình xã hội hóa rộng rãi và sâu sắc để hình thành, phát triển nhân cách cho mỗi học sinh. Đặc biệt, mục tiêu, nội dung, phương pháp đào tạo ở các trường sư phạm suốt mấy chục năm qua dường như không hề đổi mới mà chỉ nâng cấp, nâng hệ đào tạo theo chuẩn mới, bằng việc tăng và nâng cao kiến thức văn hóa cơ bản. Còn kiến thức nghiệp vụ sư phạm vẫn như cũ, chiếm khoảng 10-15% chương trình, nội dung đào tạo. Với cách đào tạo ấy, những chủ thể GD tương lai (thầy cô giáo) được tạo ra khó có thể một sớm một chiều đổi mới GD được.
Như vậy, đổi mới GD vừa là nhu cầu khách quan hàng ngày trong hoạt động GD của mỗi thày cô giáo, vừa là nhu cầu khách quan của xã hội. Việc đổi mới GD ở cấp độ vĩ mô phải đổi mới song song, đồng bộ, toàn diện với đầy đủ các thành tố của quá trình GD chứ không thể đổi mới riêng lẻ một thành tố nào. Mục tiêu chung, cốt lõi, chủ đạo của đổi mới GD phải nhắm vào thiên chức xã hội cơ bản của GD là “tái sản xuất mở rộng sức lao động xã hội” và phải quán triệt nguyên lý “học đi đôi với hành, GD kết hợp với lao động sản xuất, lý luận gắn liền với thực tiễn, GD nhà trường gắn liền với GD gia đình và GD xã hội”. Không nắm vững, không làm đúng những yêu cầu này thì việc đổi mới GD sẽ không thể đạt kết quả như mong đợi./.      

Vũ Duy Yên
                              

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất