Thứ Hai, 30/9/2024
Giáo dục
Thứ Ba, 8/2/2011 15:15'(GMT+7)

Giáo dục Việt Nam: Thách thức lớn trước nhu cầu phát triển

 

Những thành tựu đạt được trước hết nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, không chỉ từ việc hoạch định kế hoạch chương trình cho một “quốc sách” lớn mà còn là việc thực hiện hàng loạt các giải pháp rất cụ thể. Ngân sách đầu tư cho giáo dục đã được tập trung nhiều hơn, cơ sở vật chất kỹ thuật được tăng cường, quy mô giáo dục khá hoàn chỉnh từ bậc mầm non đến sau đại học. Đến nay, hầu hết các bản, làng, xã, phường đều có trường tiểu học, trường trung học cơ sở (THCS) ở cấp xã hoặc cụm liên xã; trường trung học phổ thông (THPT) được xây ở các huyện, một số huyện còn có 2 - 3 trường. Hệ thống giáo dục ở nước ta về cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu, tạo điều kiện cho con em các tầng lớp nhân dân địa phương, con em người nghèo, miền núi, dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa có cơ hội tiếp cận với giáo dục.

Ảnh minh họa

Theo báo cáo tổng kết năm học 2009-2010 của Bộ GD&ĐT, tổng số trường phổ thông hiện nay lên đến l28.407; tổng số học sinh phổ thông là 15.016.156 em, học sinh tiểu học là 6.922.624, học sinh THCS là 5.214.042, học sinh THPT là 2.879.490. Các trường trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) cũng được củng cố và phát triển, mở rộng quy mô đào tạo, cơ cấu ngành nghề đào tạo phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, có 553 cơ sở có đào tạo TCCN.

Chất lượng giáo dục ở các cấp và trình độ đào tạo có tiến bộ, công tác quản lý được chú trọng. Tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước đã đạt chuẩn quốc gia về xoá mù chữ, phổ cập tiểu học và đang phấn đấu đạt chuẩn quốc gia về phổ cập THCS. Nếu như năm 1945 nước ta còn 95% người dân mù chữ thì đến năm 2010 cả nước đã có 97,3% người dân biết chữ. Công tác xã hội hoá giáo dục và việc huy động nguồn lực cho giáo dục đã đạt được những kết quả bước đầu. Tỷ lệ ngân sách Nhà nước cho giáo dục tăng dần qua các năm, từ mức hơn 13% (năm 1998) lên 20% (năm2010) tổng chi ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, công bằng trong giáo dục được cải thiện, tăng thêm cơ hội học tập cho trẻ em gái, trẻ em dân tộc ít người, trẻ em nghèo và trẻ khuyết tật. Đặc biệt, năm qua việc triển khai thực hiện những cuộc vận động như "hai không", "Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo" và "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực" đã thực sự thổi một luồng gió mới vào đời sống giáo dục ở nước ta, tạo đà cho sự thay đổi về chất của toàn bộ hệ thống giáo dục…

Những thành tựu đó của giáo dục đã và đang góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế, xã hội, giữ vững ổn định chính trị của đất nước trong thời kỳ đổi mới, tạo thuận lợi cho nước ta trong tiến trình hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được thì hệ thống giáo dục của ta vẫn còn nhiều bất cập, yếu kém, chưa đáp ứng được yêu cầu của xã hội trong thời kỳ hội nhập. Không ít người cho rằng giáo dục cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ trước yêu cầu phát triển của đất nước trong thời kỳ mới để theo kịp trình độ của các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới. Nguồn nhân lực qua đào tạo không đáp ứng yêu cầu phát triển xã hội đang trở thành nhân tố cản trở sự phát triển đất nước. Một nghịch lý là số lượng cán bộ khoa học (đặc biệt là số tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư) ở nước ta cao vào loại nhất trong khu vực, trong khi đó chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng giáo dục lại không được đánh giá cao, thậm chí còn thấp.

Hệ thống giáo dục hiện nay thiếu đồng bộ, thiếu tính liên thông giữa các cấp học và các trình độ đào tạo, trong đó giáo dục nghề nghiệp chưa được quan tâm đúng mức. Cách thức tổ chức phân luồng trong hệ thống giáo dục còn thể hiện nhiều lúng túng. Trong nhiều năm gần đây, quy mô giáo dục đại học phát triển, số lượng các trường cao đẳng, đại học tăng mạnh trong khi các điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất - kỹ thuật nhà trường chưa đảm bảo về số lượng, chất lượng và chủng loại đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở này.

Trong bối cảnh hội nhập toàn diện, Việt Nam có cơ hội tiếp cận với các nền giáo dục tiên tiến, có điều kiện thu hẹp khoảng cách với các nước phát triển. Tuy nhiên, hội nhập quốc tế đã đặt ra cho ngành giáo dục thử thách hết sức cam go. Toàn cầu hoá có thể làm tăng khoảng cách về kinh tế và tri thức giữa Việt Nam và các nước khác, chúng ta đang đứng trước nguy cơ thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao bởi nạn "chảy máu" chất xám. Mặc dù nước ta đang ở giai đoạn "dân số vàng" (khoảng trên 60% đang ở tuổi lao động) nhưng trình độ của đội ngũ những người lao động còn kém so với các nước trong khu vực khá nhiều. Bùng nổ phát triển kinh tế của nước ta trong thời gian qua đã tạo áp lực không nhỏ đối với ngành giáo dục. Nếu hệ thống giáo dục thực hiện tốt chức năng chuẩn bị tri thức và nghề nghiệp cho nguồn lực lao động thì nó sẽ tạo ra động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của kinh tế đất nước.

Để khắc phục những hạn chế, khuyết điểm nêu trên, thiết nghĩ giáo dục ở nước ta cần tập trung nghiên cứu đổi mới từ việc xác định triết lý giáo dục cho phù hợp với yêu cầu của thời đại đến việc thực thi tốt chính sách công bằng, dân chủ trong giáo dục. Giáo dục phải đạt được sự tôn trọng, phải mở ra nhiều con đường, nhiều hướng, tạo nhiều cơ hội lựa chọn cho thế hệ trẻ phát triển tài năng, bồi dưỡng nhân tài. Đặc biệt chú ý đến giáo dục nhân cách và phương pháp tự học, phát huy khả năng tư duy sáng tạo cho học sinh, sinh viên. Bước sang năm mới, hy vọng rằng ngành giáo dục của nước ta sẽ tiếp tục phát huy tốt truyền thống hiếu học của dân tộc, sớm khắc phục những hạn chế, khuyết điểm đang tồn tại, để gặt hái nhiều thành công hơn nữa trong sự nghiệp trồng người, góp phần đưa đất nước “sánh vai các cường quốc năm châu” như điều Bác Hồ hằng mong ước./.

Đỗ Kha Thoa

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất