Chủ Nhật, 24/11/2024
Bảo hiểm xã hội
Thứ Năm, 28/9/2017 20:7'(GMT+7)

Giao trách nhiệm cho từng địa phương trong việc mở rộng tỉ lệ bao phủ bảo hiểm xã hội

Theo Bộ LĐ-TB&XH, trong thời gian qua, chính sách BHXH đã nhiều lần được sửa đổi, bổ sung hoàn thiện phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế- xã hội của đất nước. Đến nay, chính sách BHXH đã đạt được những thành tựu đáng kể. Độ bao phủ BHXH ban đầu chỉ dành cho công nhân viên chức nhà nước, sau được mở rộng dần đến mọi thành phần trong xã hội. Số người tham gia BHXH gia tăng theo từng năm, nếu năm 2007 có 145.236 đơn vị với trên 7,4 triệu người tham gia, thì năm 2016 đã tăng lên 306.884 đơn vị với gần 13 triệu người lao động (NLĐ) tham gia.

Để thực hiện mục tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH theo tinh thần Nghị quyết  21-NQ/TW, Luật BHXH 2014 đã quy định mở rộng diện bao phủ BHXH bắt buộc đến NLĐ làm việc theo HĐLĐ có thời hạn từ đủ 1 tháng trở lên; người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn; NLĐ là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam. Diện bao phủ BHXH tự nguyện cũng được mở rộng, bao gồm công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Đồng thời, Luật BHXH cũng bổ sung nhiều quy định nhằm tăng cường tính tuân thủ pháp luật về BHXH, tăng tính linh hoạt, hấp dẫn của chính sách BHXH tự nguyện. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 34/CT-TTg về tăng cường đồng bộ các nhóm giải pháp phát triển đối tượng tham gia BHXH, hướng tới hoàn thành mục tiêu mà Trung ương và Bộ Chính trị đề ra.

Tuy nhiên, đến nay số người tham gia BHXH mới chiếm trên 24% lực lượng lao động (tương đương 28% lực lượng lao động trong độ tuổi)- còn khoảng cách rất xa so với mục tiêu đặt ra đến năm 2020. Cùng với đó, tốc độ phát triển đối tượng tham gia BHXH bình quân các năm chỉ khoảng 5%- 6%; do vậy nếu không có sự đột phá thì mục tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH (mục tiêu đến năm 2020 đạt 50% lực lượng lao động tham gia) là rất khó khả thi.

Tại buổi làm việc, đại diện các bộ, ngành cho rằng, trước đây chưa có quy định cụ thể về chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH; chưa gắn với trách nhiệm của các địa phương, dẫn đến việc nhận diện những đối tượng tham gia BHXH, đặc biệt tham gia BHXH bắt buộc của cơ quan BHXH với các cơ quan, tổ chức ở địa phương chưa chặt chẽ. Đặc biệt, dù Luật BHXH 2014 đã quy định trách nhiệm của UBND các cấp trong việc xây dựng chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH trong kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội hằng năm; song các tỉnh, thành phố vẫn chưa thực sự quyết liệt thực hiện. Việc giao chỉ tiêu số thu không theo số đối tượng tham gia BHXH dẫn đến việc các tỉnh, thành phố thường quan tâm nhiều đến việc đảm bảo kế hoạch thu, mà chưa quan tâm đúng mức đến việc gia tăng, phát triển đối tượng tham gia BHXH. Vì vậy, dù cơ quan BHXH đều hoàn thành và hoàn thành vượt mức so với kế hoạch thu, nhưng về số đối tượng tham gia BHXH còn rất hạn chế.

Chính vì vậy, để đạt được tỉ lệ bao phủ BHXH đến mọi NLĐ, nhất là BHXH tự nguyện đến người dân, các đại biểu cho rằng cần xác định cách thức thực hiện, trong đó bám vào các văn bản luật, Nghị quyết, Luật BHXH; đồng thời giao chỉ tiêu phát triển BHXH (số lao động thực tế) cho từng địa phương và phải tách rời giữa chỉ tiêu BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện để có biện pháp vận động mở rộng từng nhóm đối tượng. Mặt khác, đây là chính sách an sinh xã hội cho toàn bộ người dân, nên phải tập trung vận động đối tượng tham gia BHXH tự nguyện; vận động từng xã, phường, từng ban ngành, đoàn thể cùng vào cuộc, chứ không phó thác trách nhiệm cho cơ quan BHXH…

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất