Thứ Hai, 30/9/2024
Tin hoạt động
Thứ Sáu, 12/8/2011 21:10'(GMT+7)

Giới trẻ không “quay lưng” với sân khấu truyền thống

Tiết mục trong Dự án sân khấu học đường. Ảnh: Trọng Hải

Tiết mục trong Dự án sân khấu học đường. Ảnh: Trọng Hải

Đó là nhận xét của các đại biểu dự Hội nghị tổng kết dự án sân khấu học đường giai đoạn 2001 -2011, diễn ra tại Hà Nội vào sáng 12-8, do Cục nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp với Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam tổ chức.

Dự án trên được chia làm 3 giai đoạn, đã thu hút hàng ngàn học sinh THCS, PTTH các tỉnh Nghệ An, Nam Định, Quảng Nam, TP Hồ Chí Minh…tham gia tập luyện, biểu diễn các tiết mục trong những vở tuồng, chèo, ca kịch dân tộc, dân ca… Khi xem các em học sinh ở Hải Phòng, Hà Nội diễn những vai xã trưởng, mẹ Đốp và các trích đoạn trong vở tuồng lịch sử như: Trưng Nữ Vương, Triệu Quốc Trinh…mới thấy hết lòng đam mê của các em với những môn nghệ thuật truyền thống.

“Nhìn các em học sinh 12, 13 tuổi đánh trống, thổi kèn, kéo nhị rất nhịp nhàng đã gieo vào lòng chúng tôi một niềm tin là nghệ thuật truyền thống không thể mất nếu người lớn biết cách hướng dẫn, gợi mở và truyền nghề có phương pháp khoa học. Những tiết mục khó như Hộ Sanh Đàn, Hồ Nguyệt Cô hóa cáo… được các em biểu diễn nhuần nhuyễn”, GS Hoàng Chương, đồng Trưởng ban chỉ đạo dự án khẳng định.

Tỉnh Cà Mau là một trong những cái nôi của nghệ thuật cải lương nhưng lớp trẻ rất thờ ơ. Khi dự án sân khấu học đường được triển khai ở đây như một hồi chuông đánh thức thế hệ tương lai của đất nước quay về với văn hóa truyền thống của cha ông. Nhiều phụ huynh ngồi xem con mình biểu diễn đã cảm động ứa nước mắt khi các em hóa thân vào những nhân vật như: cô Tấm, nàng Thị Kính, nàng Thoại Khanh… trong những vở tuồng, chèo, cải lương, dân ca kịch rất thuần thục.

Nói về ý nghĩa của việc triển khai dự án này, Giám đốc Trung tâm bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ Nguyễn Ngọc Ất cho biết: “Dự án này đã giúp các em hiểu sâu sắc hơn giá trị văn hóa truyền thống của cha ông, từ đó hình thành trong các em thái độ trân trọng, ý thức giữ gìn di sản văn hóa dân tộc. Qua việc làm quen với sân khấu, các em hiểu hơn những kiến thức cơ bản về thể loại kịch, ngôn ngữ nhân vật”.

Theo thầy giáo Lê Hồng Sản, Hiệu trưởng trường THCS Lê Chân, Hải Phòng, Dự án được triển khai trong các trường học giúp các em phát triển toàn diện hơn. Sau mỗi giờ học căng thẳng, các em được hòa mình vào những làn điệu dân ca quen thuộc phù hợp với lứa tuổi, lớp học sẽ trở thành một không gian nghệ thuật thu nhỏ. Điều này là động lực để các em học tập tốt hơn.

“Nghệ thuật dân gian truyền thống là tổng hòa tư tưởng, đạo đức, thẩm mỹ, triết lý sống của dân tộc ta, nó càng thâm nhập sâu vào tâm hồn tuổi trẻ thì càng làm cho thế hệ công dân tương lai có văn hóa hơn, hiểu biết hơn và có lòng yêu nước, yêu dân tộc hơn bởi không một câu hát dân ca nào mà không mang yếu tố giáo dục, nâng tâm hồn của con người lên cao hơn”, nhạc sĩ Mai Tuyết Hoa – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy âm nhạc dân tộc cho biết.

Dự án sân khấu học đường được triển khai đã mang lại những lợi ích tích cực, góp phần hướng thế hệ trẻ vào những hoạt động văn hóa lành mạnh, đẩy lùi tệ nạn nghiện games trong một bộ phận giới trẻ hiện nay. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực thì Dự án vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, một số địa phương phải tạm dừng Dự án giữa chừng vì không có kinh phí tổ chức. Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang (TP Hồ Chí Minh) là một trong những đơn vị nghệ thuật tâm huyết với Dự án này và đã tổ chức nhiều chương trình dạy học các môn nghệ thuật truyền thống cho thiếu nhi nhưng vì không đủ kinh phí để duy trì thường xuyên nên đã tạm dừng hoạt động dự án từ năm 2007 đến nay.

Đưa nghệ thuật sân khấu vào trường học cần phải được phát triển sâu rộng và có sự kết hợp giữa ngành văn hóa và giáo dục để việc học tập của các em đạt kết quả tốt. Nội dung của môn nghệ thuật này cần phải có tính định hướng, khoanh vùng, miền và dựa vào thế mạnh của địa phương để phát huy giá trị của các loại hình nghệ thuật.

(Theo QĐND Online)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất