Nghị quyết số 27 NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp đã có những thay đổi cơ bản về cơ chế trả lương. Theo đó, trả lương phải dựa vào năng suất, hiệu quả lao động, trả lương theo vị trí việc làm. Với hướng cải cách về chính sách tiền lương như vậy, ĐBQH HOÀNG VĂN CƯỜNG (Hà Nội) cho rằng, sẽ khuyến khích, động viên được người lao động cống hiến, sẽ giữ “chân” được người tài, người làm việc hiệu quả ở trong bộ máy.
Trả lương trên cơ sở hiệu suất lao động
- Cải cách tiền lương đã có tới 3 lần “lỡ hẹn” vì lý do không có nguồn lực. Trong điều kiện hiện nay, nhất là sau khi Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 27 với nhiều thay đổi quan trọng thì việc thực hiện cải cách tiền lương trên thực tế, theo ông sẽ như thế nào?
- Đúng là nguồn lực là yếu tố cốt lõi trong việc thực hiện cải cách tiền lương, đặc biệt là việc tăng lương. Để trả lương cao cho cán bộ, công chức, viên chức có thể thông qua 2 giải pháp: Một là, tăng quỹ tiền lương. Hai là, vẫn quỹ lương ấy nhưng số người hưởng lương phải giảm đi.
Ảnh: Quang Khánh
Giải pháp trước tiên đặt ra yêu cầu phải tinh giản biên chế. Trước hết, cần tinh giản số lượng cán bộ công chức trong bộ máy tại các cơ quan hành chính trong bộ máy quản lý nhà nước đang hưởng lương từ ngân sách thông qua việc xác định lại vị trí việc làm căn cứ vào khối lượng các sản phẩm đầu ra. Việc xác định vị trí việc làm dựa trên kết quả đầu ra sẽ buộc phải gộp công việc của nhiều người đang thực hiện vào một đầu mối, sẽ lược bỏ được những công việc không cần thiết đối với các sản phẩm đầu ra, qua đó sẽ loại bỏ được những người không có năng lực đảm nhận các nhiệm vụ theo mỗi vị trí công việc.
Ngoài ra, cần tinh giản số người nhận lương từ ngân sách nhà nước ở các đơn vị sự nghiệp công lập bằng cơ chế giao quyền tự chủ và chuyển sang hình thức đặt hàng cung cấp dịch vụ công. Nếu chúng ta trao quyền tự chủ và đưa ra một cơ chế tự chủ phù hợp thì các đơn vị này sẽ hoạt động tốt hơn, tạo nguồn thu cho xã hội, ngân sách nhà nước không phải chi trả cho đơn vị này. Theo đó, số người được hưởng lương từ bộ máy nhà nước giảm đi. Như vậy, ngay cả khi quỹ lương không tăng nhưng số lượng người hưởng lương giảm thì lương của người lao động cũng sẽ tăng lên.
Các tổ chức chính trị xã hội thì Nhà nước nên trả theo một gói ngân sách nhất định theo nhiệm vụ để các tổ chức này tự tính toán, cân đối thu gọn bộ máy. Cùng với đó, việc tiết kiệm, cắt giảm, khoán chi hành chính, chuyển toàn bộ các khoản chi phụ cấp chính thức cũng như các khoản khác thành tiền lương chính thức cho người lao động.
- Để tăng quỹ lương, Nghị quyết 27 cũng nêu rõ, hàng năm, dành khoảng 50% tăng thu dự toán và 70% tăng thu thực hiện của ngân sách địa phương cho cải cách tiền lương. Theo ông, giải pháp này có ý nghĩa như thế nào?
- Trước đây, chúng ta chưa có quy định dành vượt thu của ngân sách trung ương để cải cách tiền lương nhưng Nghị quyết lần này đã quyết định sử dụng số vượt thu của ngân sách trung ương dành tối thiểu 40% để cải cách tiền lương. Tôi cho rằng, đây là quy định mới có ý nghĩa rất quan trọng trong việc tạo nguồn lực để góp phần hiện thực hóa cải cách tiền lương tới đây.
Ảnh: Quang Khánh
Vượt qua rào cản tư duy
- Theo ông, việc tăng lương như phương án trên đây có gia tăng áp lực đối với nền kinh tế hay không?
Việc xác định vị trí, việc làm đã được quy định trong Nghị định của Chính phủ và Thông tư của Bộ Nội vụ nhưng triển khai thực hiện vấn đề này trên thực tế vẫn còn vướng mắc. Hầu hết mới chỉ đơn thuần là “hợp thức hóa” cho các nhân sự đang có và tuyển thêm biên chế. Việc xây dựng vị trí việc làm để phù hợp với số biên chế đã có là “quy trình ngược”. Tôi cho rằng, xác định vị trí việc làm là vấn đề khó nhưng có ý nghĩa rất quan trọng trong cải cách tổ chức bộ máy cũng như trong trả lương cho người lao động. Để thực hiện được điều này, cần tính toán chính xác để xác định được vị trí việc làm trên cơ sở yêu cầu công việc. Cùng với đó, phải xây dựng hệ thống các tiêu chí đánh giá hiệu suất công việc. Ai có chỉ số hiệu suất công việc cao thì chứng tỏ người đó hoàn thành tốt công việc và sẽ được trả lương theo mức độ đạt được của chỉ số hiệu suất công việc. Đây là cơ sở để trả mức lương cao tương xứng với sức lao động của họ.
ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nội)
|
- Như tôi đã phân tích ở trên, tất cả những giải pháp này chúng ta chưa lấy thêm phần nào từ bên ngoài vào, mà chỉ sắp xếp, cơ cấu lại, và chuyển các khoản chi không chính thức thành lương. Vì thế, việc tăng Quỹ lương theo các phương án này không làm tăng nguồn chi từ ngân sách. Nếu thực hiện theo các phương án này thì việc tăng lương không có tác động gì đến nợ công, bởi chúng ta không đi vay để trả lương hay chi thường xuyên. Chúng ta cũng không phải “bơm” thêm tiền cho Quỹ lương này nên không lo lạm phát. Do đó, việc tăng lương này không ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô, mà làm cho hoạt động của bộ máy hành chính hiệu quả hơn, sẽ thúc đẩy kinh tế phát triển.
- Theo ông, để sớm triển khai Nghị quyết 27 vào cuộc sống, cần có những giải pháp gì?
- Cải cách tiền lương nhận được sự đồng thuận rất lớn từ nhân dân và xã hội. Tuy nhiên, để thực hiện được cũng không dễ dàng vì tinh giản biên chế sẽ động chạm rất lớn đến nhiều đối tượng. Nếu trả lương theo vị trí việc làm thì không hẳn người làm lâu năm sẽ được hưởng lương cao, mà chỉ người có hiệu quả làm việc tốt mới được hưởng lương cao. Điều này dễ vấp phải sự phản ứng của chính cán bộ, công chức. Như vậy, việc cải cách này có thể sẽ gặp khó từ chính tư duy của những người trong bộ máy. Đây là khó khăn lớn nhất, đòi hỏi người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải dũng cảm, kiên quyết mới thực hiện được.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần có chính sách để hỗ trợ cho những người không đáp ứng yêu cầu khi ra khỏi bộ máy. Có thể là chính sách khuyến khích về hưu sớm, chính sách hỗ trợ để họ chuyển công việc khác phù hợp.
Đồng thời, cần có quyết tâm trong việc thực hiện tự chủ để giảm chi ngân sách cho các đơn vị sự nghiệp. Quyết tâm này một mặt đòi hỏi từ chính các đơn vị tự chủ, mặt khác về phía các cơ quan chủ quản. Câu hỏi đặt ra là, liệu các cơ quan chủ quản có muốn “buông” các đơn vị này ra để thực hiện tự chủ không? Chừng nào, đơn vị này vẫn chưa tự chủ, vẫn gắn với các cơ quan chủ quản, chừng ấy lợi ích của cơ quan chủ quản vẫn còn bởi cơ chế xin - cho. Do đó, việc thực hiện tự chủ đòi hỏi phải quyết liệt từ phía cơ quan quản lý. Tôi cho rằng, cần gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện tự chủ. Đồng thời, phát huy vai trò giám sát của người dân và doanh nghiệp vào mức độ hoàn thành công việc của các cơ quan nhà nước thông qua chỉ tiêu đánh giá cán bộ, công chức, viên chức một cách cụ thể.
- Xin cảm ơn ông!
Theo daibieunhandan.vn