Thứ Hai, 30/9/2024
Giáo dục
Thứ Năm, 3/2/2011 6:43'(GMT+7)

Giữ lửa nhiệt huyết với nghề dạy văn nhờ sưu tầm bút tích các nhà văn hóa

 Đó là tâm niệm của ông Trần Đồng Quang- nhà văn, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam- nguyên giáo viên dạy văn trường Chu Văn An. Sự say mê sưu tầm bút thích của các nhà văn hóa lớn đã làm giúp ông thêm ngọn lửa nhiệt huyết để truyền cho bao lớp học trò...

Con số 169 và chữ "duyên" hội ngộ

Trong căn nhà nhỏ ven hồ Tây, nhà giáo già Trần Đồng Quang đã cho tôi xem "gia tài" quí giá của ông: cuốn sổ kẻ ka-rô giấy đã ngả màu vàng bởi thời gian. Ông luôn nâng niu cuốn sổ lưu giữ được khoảng 169 bút tích của các nhà văn, nhà thơ, nhà văn hóa lớn ở trong nước và một số nhà văn, nhà thơ quốc tế mà ông đã sưu tầm suốt nửa thế kỷ. Có bút tích có ảnh, có bút tích có chữ ký, có bút tích có cả chữ ký và lời lưu niệm, có người làm cả bài thơ tặng ông.

Ông Trần Đồng Quang nhớ lại, ông có thú sưu tầm chân dung, bút tích, lưu niệm các nhà văn, nhà thơ lớn có trong chương trình phổ thông để dạy cho học sinh từ năm 59 khi mới bước chân vào nghề dạy học. Đây là thú chơi tao nhã, giúp học sinh có thể hiểu được nhân cách, cốt cách của nhà thơ, nhà văn, nhà văn hóa.

Đằng sau mỗi bút tích trong cuốn sổ nhỏ bằng hai bàn tay ấy là nhiều kỷ niệm không thể nào quên với ông Trần Đồng Quang. Kỷ niệm sâu sắc nhất là ngày Mồng Năm Tết Kỷ Tỵ (1989), ông đến thăm nhà Văn Cao ở phố Yết Kiêu- Hà Nội- một người đa tài mà ông hằng rất kính trọng: "Hôm ấy rất may là có Phùng Quán ngồi uống rượu trắng với ông. Hai vị trích tiên tóc bạc phơ đang ngồi uống rượu. Tôi vào thì hai ông rất cởi mở trong câu chuyện và nhạc sĩ Văn Cao mời tôi một chén ruợu trắng. Sau khi uống xong thì tôi lấy hết can đảm hát bài Quốc ca theo lời cũ để nhạc sĩ Văn Cao nghe. Khi tôi hát thì cả Văn Cao và Phùng Quán đều đứng dậy. Sau khi hát xong, hai ông ngồi xuống, ông có nói rằng hát có nhớ được lời là tốt nhưng nhạc thì chưa chuẩn lắm. Đó là một buổi sáng xuân mà tôi nhớ mãi vì gặp hai nghệ sĩ lớn. Tôi đưa bút, ông Văn Cao vui vẻ đề là Kỷ niệm Kỷ Tỵ Mồng Năm Tết gặp anh Trần Đồng Quang rồi ký tên. Sau đó là Phùng Quan ghi rằng: Tặng đồng nghiệp của vợ tôi Tết Con Rắn rồi ký tên"- Nhà giáo già Trần Đồng Quang kể lại.

Còn những kỷ niệm khác mà ông cũng rất nhớ như lần nhà thơ Xuân Diệu đến nói chuyện thơ ở trường Chu Văn An. Khi ấy, Xuân Diệu có mái tóc bồng bềnh rất nghệ sĩ, đeo cặp kính gọng vàng, mặc áo màu xanh rất đẹp. Khi ông nói chuyện xong, Trần Đồng Quang xin bút tích, Xuân Diệu vui vẻ ký tên và đề 1958 ở dưới. Huy Cận chép tặng Trần Đồng Quang một bài thơ ông làm năm 1952. Nằm trong tiếng nói yêu thương, Nằm trong tiếng Việt vấn vương một đời, Sơ sinh lòng mẹ đưa nôi, Hồn thiêng đất nước cùng ngồi bên con. Tháng ngày con mẹ lớn khôn. Yêu thơ thơ kể lại hồn ông cha. Đời bao tâm sự thiết tha, lẫn trong tiếng nói lòng thơ thuở giờ... và viết: Chép lại tặng thầy Quang để dạy văn học cho các cháu. Đó là năm 1980.

Năm 1976, nhà thơ Nguyễn Đình Thi đến thăm trường Chu Văn An. Ông nói chuyện với giáo viên và học sinh. Cuối buổi Trần Đồng Quang lên xin chữa ký, nhà thơ Nguyễn Đình thi vui vẻ nói câu: Tôi với bạn là đồng môn vì cùng học ở đây. Ông ghi bài thơ tặng Trần Đồng Quang, bài này chưa in ở đâu: Đã mấy mươi năm trong bão lửa/ Tình quê hương đưa dắt con người/ Đường đi giữa đạn bom gầm thét/ Đêm đêm thầm lặng ánh sao trời... (Kỷ niệm đến thăm trường Bưởi cũ. Ngày 3/4/1976).

Với Trần Đồng Quang, việc xin được chữ ký của Nguyễn Tuân quả là một điều hết sức quí giá. Nhà thơ viết tên bằng chữ Hán, như một bức thư pháp. Hay những kỷ niệm gặp gỡ Nguyên Hồng, Trần Đăng Khoa, Xuân Quỳnh và nhiều người khác nữa đều rất độc đáo...

Tâm huyết với tiếng mẹ đẻ, yêu hồn dân tộc

Dạy văn từ năm 1959, khi mới hơn 20 tuổi, nhà giáo Trần Đồng Quang cả đời gắn bó với nghề. Ông cho rằng ông có niềm vui sướng là được dạy văn học vì lúc đó cả thầy và trò đều thích học văn học. Những giờ giảng văn cả lớp học sinh lặng đi nghe, rồi những đêm thơ đốt lửa trại tưng bừng đọc thơ, ca hát những bài hát ngày xưa.

Với nhà giáo Trần Đồng Quang, các tác phẩm của các nhà văn, nhà thơ vô cùng vĩ đại. Người thầy giáo là chiếc cầu nối để các tác phẩm sống mãi với thời gian, để sức sống của văn học Việt Nam sẽ là bất diệt. Vì vậy, việc ông sưu tầm những chữ ký, tác phẩm, ảnh của các nhà văn là nhằm tăng sức hấp dẫn cho mỗi giờ giảng.

Mỗi cuộc gặp gỡ là cơ duyên, là tấm lòng của nhà văn, nhà thơ dành cho những người yêu mến họ: "Tôi xác định rằng, các ông là viết tác phẩm, chúng tôi là người nghiên cứu, thẩm thấu, chuyển tải các tác phẩm chuyển tải cho học sinh để các em nhân thêm những thăng hoa tình cảm với nhân dân, với Tổ quốc, thêm yêu tiếng mẹ đẻ của mình. Đó là những điều mà nhà văn nhà giáo gặp nhau. Tôi xin nói về những kỷ niệm với nhà giáo lão thành Vũ Đình Liên. Vào mùa xuân Năm Kỷ Tỵ, thì nhà thơ, nhà giáo già Vũ Đình Liên đã viết như thế này: Mùa Xuân năm Kỷ Tỵ, chép tặng nhà giáo già Trần Đồng Quang, nhờ bạn chuyển tới đồng bào làng Hồ bài thơ: Nhớ Tranh Tết, tặng Bùi Xuân Phái.

Anh Phái, ai vẽ lại

Những tranh Tết làng Hồ

Cho Hà Nội lại thấy

Hương vị Tết ngàn xưa

Ôi tranh Tết, tranh Tết

Tranh ngàn xưa dân gian

Trẻ mừng già suy triết

Đời đơn sơ, lạc quan

Bài này đọc vào dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long càng cần cảm kích, thấy cuộc đời đơn sơ, lạc quan, nhưng có hương vị ngàn xưa để lại cho chúng ta".

Theo nhà giáo Trần Đồng Quang, để dạy văn giỏi, trước tiên người giáo viên phải thích áng văn đó. Phải biết thẩm thấu, rung động, suy tư với câu chữ của bài văn. Bản thân người thầy không rung động không thiết tha thì làm sao hiểu và truyền đạt cho học sinh được? Tất nhiên cuộc sống ở bên ngoài nhiều yếu tố chi phối người thầy, nhưng nếu mình có bản lĩnh thì vẫn dạy tốt, vẫn chinh phục trái tim của học sinh được. Đây là điều rất khó, vì bây giờ thú đọc sách, thú nghiền ngẫm câu chữ của các nhà văn không nhiều lắm. Tiếc thay có người biến giờ dạy văn, dạy sử thành những công cụ máy móc, phô trương hệ thống vi tính, slide, nên học sinh không nghĩ tới câu chữ mà chỉ nghĩ tới sự hoành tráng của các phương tiện internet, làm chìm mất bài văn đi. Trong khi đó người giáo viên vẫn được đánh giá là có giờ dạy tốt vì có công sưu tầm nhiều hình ảnh phong phú. Nhưng đã nói đến văn chương thì bản thân chữ nghĩa là quan trọng nhất, tác phẩm là yếu tố số một.

Cũng theo ông Trần Đồng Quang, dạy văn là dạy người. Thông qua câu chữ làm cho con người lớn lên, gắn bó với tổ quốc. Ngày xưa có câu là "để cho con một hòm vàng không bằng dạy cho con một quyển sách". Học chữ là học nhân cách. Vì trong chữ có nghĩa. Học chữ dễ, nhưng học làm người còn khó gấp bội. Chính vì thế, lời thầy phải tâm huyết, chứ không được hời hợt. Nếu người dạy qua loa để ăn lương thôi như có cái gì đó như là lẩn trốn trách nhiệm với tinh hoa của ngôn ngữ dân tộc. Bởi như nhà thơ Huy Cận đã nói: Nếu không tìm thấy tâm sự của ông cha ta trong tác phẩm văn học, không thấy cảm hứng, tinh hoa của đất nước trong nó, mà nghĩ tới chuyện khác thì phai nhạt tình cảm đi.

Gia đình có 9 đời sống ở Hà Nội, nhà giáo Trần Đồng Quang luôn đau đáu với nghề dạy văn, với tiếng Việt. Nhân dịp mùa xuân 2011, năm có những số trùng với ngày 20-11 ngày nhà giáo VN, ông đôi lời nhắn gửi các bạn trẻ: "Tuy hiện nay có internet, có phương tiện hiện đại, nhưng các bạn trẻ vẫn nên đọc nhiều sách văn học, vẫn cần có sổ tay văn học, có kỷ niệm gặp gỡ các nhà văn, nhà thơ để nuôi dưỡng tâm hồn. Tiếng mẹ đẻ là phải yêu suốt đời. Có yêu tiếng mẹ đẻ thì mới học giỏi các ngôn ngữ khác được. Nhân dịp đất nước vào Xuân, tha thiết mong các bạn yêu tiếng nói quê hương, yêu cốt cách Việt Nam, yêu những cái gì đẹp đẽ thiêng liêng nhất của dân tộc, như thế thì Tổ quốc ta mới trường tồn mãi mãi, để sánh vai các cường quốc 5 châu./.

- Mai Hồng -

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất