Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An thực hiện nhiều giải pháp để phát triển kỹ năng sử dụng tiếng Việt trong giao tiếp và học tập cho học sinh dân tộc thiểu số nhằm nâng cao chất lượng giáo dục.
Tham dự một giờ dạy bài về các loài Hoa (môn Tự nhiên Xã hội) lớp 2 trường Tiểu học Quỳ Châu (huyện Quỳ Châu), thay vì dùng tranh vẽ để giới thiệu các loại hoa như trước đây, giáo viên đã cho các em sưu tầm các loại hoa có sẵn từ ở nhà mang đến lớp. Các em học sinh hào hứng trao đổi theo nhóm và nói cho các bạn biết về loại hoa mình sưu tầm được theo gợi ý của giáo viên (không nhất thiết phải sưu tầm các loại hoa trong Sách giáo khoa giới thiệu). Học sinh có thể nói sai, giáo viên chỉ cần theo dõi và giúp các em sửa lại cho đúng. Qua hoạt động dạy học theo gợi ý trên, mục tiêu bài học vẫn đạt được và điều quan trọng là các em biết sử dụng Tiếng Việt để học tập, giờ học trở nên vui, sinh động và hiệu quả hơn. Đó là phương pháp dạy học tích hợp kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp vào các môn học, qua đó, học sinh được thực hành nhiều hơn về kỹ năng sử dụng tiếng Việt để thực hiện các yêu cầu của bài học, môn học mà trường Tiểu học Quỳ Châu đã áp dụng nhiều năm qua.
Ngoài ra, trường Tiểu học Quỳ Châu còn tổ chức các sân chơi sử dụng tiếng Việt trong giao tiếp như Câu lạc bộ “Tiếng Việt của chúng em”, “Thế giới quanh em” nhằm giúp học sinh tự tin hơn trong giao tiếp. Để con em mình tiến bộ trong học tập, nhiều thôn bản đã đồng thuận với đề nghị của nhà trường là khi về nhà, nói chuyện với con em mình, nên sử dụng tiếng Việt hoặc một phần tiếng Việt. Nhờ thực hiện tốt các giải pháp trên, kỹ năng giao tiếp của trẻ em ở các trường tiểu học vùng sâu, vùng xa của Quỳ Châu tốt hơn hẳn các huyện khác cùng điều kiện; kỹ năng sử dụng tiếng Việt trong học tập của các em tiến bộ vượt bậc. Đặc biệt, ở kỹ năng đọc, viết là hai kỹ năng trọng tâm của chương trình tiếng Việt tiểu học, học sinh dân tộc thiểu số Quỳ Châu không thua kém học sinh vùng thuận lợi, mặc dù các em bị thiệt thòi hơn về vốn sống. Tại cuộc Giao lưu “Nói lời hay, viết chữ đẹp” cấp tỉnh tổ chức tại thành phố Vinh năm 2010, Đội Quỳ Châu đạt giải nhất tỉnh. Học sinh có bài văn có điểm cao nhất với nội dung hay nhất, chữ viết đẹp nhất thuộc về học sinh người dân tộc Thái của trường Tiểu học thị trấn Tân Lạc – Quỳ Châu.
Mô hình giáo dục Tiểu học Quỳ Châu có sức lan tỏa nhanh và mạnh tới các trường tiểu học và đã tạo ra hiệu ứng tích cực cho chất lượng giáo dục vùng miền núi dân tộc. Trên cơ sở những thành công ban đầu, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An đã tổ chức hội thảo chuyên đề “Đổi mới quản lý, nâng cao chất lượng dạy học tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số” cho cán bộ quản lý và giáo viên cốt cán các huyện miền núi. Trong đó chú trọng giải pháp tạo môi trường giao tiếp thuần tiếng Việt trong các hoạt động vui chơi, giáo dục ở trường mầm non. Lợi thế ở trường Mầm non là vui chơi theo chủ điểm, chủ đề, không bị áp lực lớn về bài học như ở trường phổ thông. Giáo viên chỉ sử dụng một ngôn ngữ trong lời nói và chỉ nói về những nội dung đơn giản, gần gũi với trẻ. Sở cũng tiến hành biên soạn tài liệu và tập huấn cho giáo viên mầm non về dạy tiếng Việt lớp Một theo hướng tiếp cận riêng phù hợp với đối tượng. Ông Trần Thế Sơn - Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học khẳng định: “Với cách tiếp cận về tổ chức dạy học phù hợp như thời gian qua, học sinh dân tộc thiểu số tỉnh Nghệ An sử dụng Sách giáo khoa chung cho cả nước không cần có sách giáo khoa riêng vẫn có thể đạt chuẩn ở lớp Một”./.
Theo TTXVN