(TG)-Mặc dù đã có những cơ chế khuyến khích cho hoạt động y tế tư nhân, nhưng
người bệnh đến khám chữa bệnh (KCB) vẫn chưa tương xứng với sự đầu tư
của khu vực này. Để việc thực hiện chính sách pháp luật bảo hiểm y tế
(BHYT) tại các cơ sở KCB tư nhân hiệu quả, cần nhiều chính sách, hướng
dẫn đồng bộ.
Đây là những nội dung được trao đổi
tại buổi đối thoại về thực hiện chính sách pháp luật BHYT với các cơ sở y
tế tư nhân do Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam và Hiệp hội Bệnh viện tư
nhân tổ chức.
Cần hoàn thiện chính sách
Theo Ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH
Việt Nam), thực tế vẫn còn tồn tại nhiều vướng mắc trong KCB BHYT của
các cơ sở KCB tư nhân. Ví dụ như Bộ Y tế chưa ban hành thông tư quy định
tiêu chí và xếp hạng bệnh viện cho các bệnh viện KCB ngoài công lập,
dẫn đến tình trạng vướng mắc trong việc áp giá thanh toán chi phí KCB
BHYT, xác định tuyến KCB BHYT…
Bên cạnh đó, một số văn bản quy định về
KCB của Bộ Y tế chậm được sửa đổi, bổ sung như Quy chế bệnh viện... dẫn
đến một số khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện KCB tại các cơ sở
KCB nói chung và tại cơ sở KCB tư nhân nói riêng chậm được giải quyết.
Một khó khăn nữa các cơ sở KCB tư nhân
gặp phải là Bộ Y tế chưa ban hành đầy đủ các quy trình chuyên môn kỹ
thuật, hướng dẫn chẩn đoán và điều trị chuẩn... dẫn đến các vướng mắc
trong quá trình giám định và thanh toán chi phí KCB BHYT, đặc biệt là
liên quan đến chỉ định điều trị và thực hiện các quy trình chuyên môn kỹ
thuật.
Hiện tại, mức giá một số dịch vụ kỹ
thuật (DVKT) được phê duyệt theo Thông tư số 37 chưa phù hợp với chi phí
thực tế. Có một số DVKT thấp hơn chi phí thực tế, còn lại hầu hết các
DVKT cao hơn nhiều so với chi phí thực tế của các cơ sở bỏ ra, dẫn đến
tình trạng cơ sở KCB tập trung chỉ định người bệnh thực hiện nhiều DVKT
này nhằm thu lợi cao.
Chia sẻ về vấn đề này, Chủ tịch HĐQT
Bệnh viện Hùng Vương Phú Thọ Phạm Văn Học nêu thực tế, nhiều bệnh viện
tư nhân trước kia đề nghị được xếp tương đương hạng II để được thanh
toán tiền khám bệnh, tiền ngày giường bệnh ở mức giá cao, khi thực hiện
chính sách KCB BHYT thông tuyến huyện thì lại đề nghị xuống tương đương
hạng III (tuyến huyện) để được KCB thông tuyến, mà không có sự thay đổi
về nhân lực, cơ sở vật chất, cung cấp DVKT.
Một số cơ sở y tế tư nhân cũng sử dụng
bác sĩ chưa được cấp chứng chỉ hành nghề để KCB BHYT, hoặc bác sĩ KCB
không đúng phạm vi hoạt động chuyên môn ghi trên chứng chỉ hành nghề…
Tránh phân biệt công-tư
Tại buổi đối thoại, các cơ sở KCB tư
nhân đã cùng trao đổi để cơ quan quản lý có cái nhìn khách quan về những
đóng góp của các cơ sở KCB ngoài công lập. Đồng thời đề nghị Bộ Y tế
tăng cường sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát
triển đối với các cơ sở KCB tư nhân, chỉ đạo các Sở Y tế không phân biệt
đối xử giữa các cơ sở KCB của Nhà nước và của tư nhân (công lập và
ngoài công lập) trong việc chuyển tuyến KCB, hướng dẫn chuyển giao
chuyên môn và thanh tra kiểm tra…
Để các cơ sở KCB tư nhân hoạt động hiệu
quả, cần nhiều chính sách cụ thể như: Thông tư hướng dẫn việc xếp hạng
đối với bệnh viện tư nhân làm cơ sở để cơ quan BHXH và bệnh viện tư nhân
ký hợp đồng và thanh toán chi phí KCB BHYT theo đúng quy định. Ban hành
gói dịch vụ y tế cơ bản theo quy định của Luật BHYT làm cơ sở để các cơ
sở KCB nói chung, cơ sở KCB tư nhân nói riêng thực hiện và là cơ sở để
cơ quan BHXH thanh toán, bảo đảm quyền lợi người bệnh BHYT. Ban hành các
văn bản hướng dẫn, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức
KCB BHYT theo đúng các quy định của pháp luật.
Về phía BHXH Việt Nam, theo Phó Tổng
giám đốc Phạm Lương Sơn, BHXH Việt Nam sẽ tăng cường chỉ đạo BHXH các
tỉnh, thành phố thực hiện công tác giám định, tạm ứng kinh phí, thanh
quyết toán chi phí KCB BHYT theo đúng quy định hiện hành, không phân
biệt cơ sở KCB Nhà nước và cơ sở KCB tư nhân, tạo điều kiện thuận lợi để
cơ sở KCB tư nhân được tham gia ký hợp đồng KCB BHYT một cách công
bằng.
Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế
để tham gia xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật
về BHYT cho phù hợp với thực tế. Đồng thời thống nhất giải quyết những
khó khăn, vướng mắc trong KCB BHYT kịp thời, đúng quy định.
Đặc biệt, sẽ tăng cường công tác kiểm
tra (tự kiểm tra, phối hợp với các đơn vị khác để kiểm tra…) việc tổ
chức KCB BHYT tại các cơ sở KCB, kịp thời phát hiện và chấn chỉnh những
sai sót trong KCB BHYT.
Vai trò của Hiệp hội Bệnh viện tư nhân
cũng cần được thể hiện hơn nữa thông qua việc phổ biến đến các cơ sở KCB
là thành viên Hiệp hội chủ trương, chính sách, quy định của pháp luật
và các hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ của cơ quan chức năng liên quan
đến thực hiện chính sách BHYT.
Mặt khác, cần hướng dẫn các cơ sở KCB là
thành viên Hiệp hội tổ chức KCB BHYT theo đúng quy định của pháp luật,
chấn chỉnh tình trạng lạm dụng, trục lợi Quỹ BHYT và phối hợp với cơ
quan BHXH kiên quyết xử lý hoặc chuyển cơ quan chức năng xử lý đối với
các cơ sở KCB tư nhân cố tình lạm dụng và trục lợi Quỹ BHYT, không bảo
đảm quyền lợi của người tham gia BHYT.
Thu Cúc - chinhphu.vn