Đất đai là vấn đề được các đại biểu chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang nhiều nhất và đây cũng là đề tài “nóng” nhất tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày hôm qua (29/9).
Báo cáo trước Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết: Trung bình mỗi năm gần đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận được khoảng 4000 lượt đơn khiếu nại, tố cáo, trong đó có tới 98% lượng đơn, thư thuộc lĩnh vực đất đai. Còn theo kết quả khảo sát xã hội học được Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Thế giới công bố thì khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai chiếm từ 70 đến 80% tổng số khiếu nại, tố cáo. Điều đó cho thấy, lĩnh vực đất đai hiện đang tồn tại quá nhiều vấn đề phức tạp. "Gỡ rối" đất đai là giải pháp đầu tiên để lập lại trật tự trong quản lý đất đai.
Lý giải nguyên nhân dẫn đến khiếu nại, tố cáo của công dân trong lĩnh vực đất đai, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho rằng, trước hết do chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai qua các thời kỳ có nhiều thay đổi, trong thời gian ngắn có nhiều văn bản được ban hành gây lúng túng trong việc tổ chức thực hiện. Mặt khác, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng có nhiều bất cập, nhất là trong việc định giá đất bồi thường, giải quyết việc làm cho người có đất bị thu hồi. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo về giải quyết khiếu nại, tố cáo một số nơi còn thiếu quyết liệt, thiếu tinh thần trách nhiệm hoặc chưa quan tâm đến quyền và lợi ích chính đáng của người khiếu nại, thậm chí có động cơ không trong sáng nên giải quyết vụ việc chưa khách quan, chính xác, kịp thời. Nhiều trường hợp người dân mặc dù hiểu rõ các quy định của pháp luật, song cố tình không chấp hành.
Đất đai là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá, là tài sản quan trọng của quốc gia, là tư liệu sản xuất đặc biệt, là địa bàn phân bố các khu dân cư, xây dựng các cơ sở kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh. Vì thế, từ trước đến nay, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến lĩnh vực đất đai và đang từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật về đất đai. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, lĩnh vực đất đai hiện vẫn đang tồn tại nhiều bức xúc.
Để gỡ rối được đất đai, theo ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội, trước hết, phải siết lại kỷ luật, kỷ cương trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất, bởi trên thực tế đã có không ít những quy định của pháp luật và những quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền liên quan đến đất đai không được thực thi hoặc thực thi hình thức. Nhiều bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng chưa được thi hành. Chế tài xử lý vi phạm pháp luật về đất đai hiện còn thiếu và chưa đủ mạnh để răn đe, ngăn chặn các hành vi vi phạm.
Nhà nước cần sử dụng đồng bộ các công cụ quản lý như pháp luật, quy hoạch, tài chính và hành chính trong quản lý đất đai, bảo đảm các quan hệ đất đai vận động theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có sự quản lý của Nhà nước. Tăng cường áp dụng các biện pháp kinh tế (thuế, phí và cơ chế tài chính khác...), hạn chế việc áp dụng những biện pháp hành chính để điều tiết vĩ mô; tăng cường việc đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu các dự án có sử dụng đất; nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách hình thành những nguồn thu mới từ đất đai để đất đai thực sự trở thành nguồn lực cho mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội. Hoàn thiện hệ thống thông tin đất đai, cơ sở dữ liệu đất đai và hệ thống hồ sơ địa chính theo hướng hiện đại, theo mô hình tập trung, thống nhất trên phạm vi cả nước, phục vụ đa mục tiêu, bảo đảm công khai, minh bạch; chuyển dần các hoạt động đăng ký, giao dịch trong lĩnh vực đất đai sang giao dịch điện tử. Xây dựng nền hành chính thực sự công minh, hiệu quả, bảo đảm thực hiện tốt các hoạt động quản lý nhà nước và những dịch vụ công về đất đai. Hoàn thiện cơ chế giải quyết tranh chấp và khiếu nại về đất đai theo hướng tăng cường đối thoại. Giải quyết dứt điểm các khiếu nại và tranh chấp về đất đai ngay từ cơ sở, không để xảy ra những điểm “nóng” và tình trạng khiếu kiện vượt cấp.
Đỗ Phú Thọ (QĐND)