Việc xây dựng nghị định về thực hiện BHXH bắt buộc đối với lao động nước ngoài (LĐNNNN) tại Việt Nam là cần thiết, trong bối cảnh nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng.
Bộ LĐ-TB&XH vừa đưa ra dự thảo Nghị định đóng BHXH bắt buộc đối với người lao động (NLĐ) là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam để lấy ý kiến góp ý. Theo đó, từ ngày 1/1/2018, LĐNN làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động, chứng chỉ hành nghề, giấy phép hành nghề được tham gia BHXH theo quy định của Luật BHXH.
Bảo đảm an sinh cho lao động nước ngoài (LĐNN)
Theo Bộ LĐ-TB&XH, cả nước đang có khoảng 84.000 LĐNN, đến từ 110 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hiện có 78.000 LĐNN thuộc diện cấp phép, hơn 5.600 người không thuộc diện cấp phép.
Do vậy, theo BHXH Việt Nam, việc áp dụng BHXH đối với NLĐ là công dân nước ngoài làm việc ở Việt Nam cũng sẽ mở ra cơ hội cho NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài được tiếp cận thêm các chế độ BHXH của quốc gia mà NLĐ đến làm việc.
Theo dự thảo, NLĐ là công dân nước ngoài làm việc theo hợp đồng lao động (HĐLĐ) không xác định thời hạn, HĐLĐ xác định thời hạn, HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 1 tháng trở lên sẽ phải đóng BHXH bắt buộc.
Các chế độ BHXH bắt buộc gồm 5 chế độ: ốm đau, thai sản, bệnh nghề nghiệp - tai nạn lao động (TNLĐ - BNN), hưu trí, tử tuất. Tiền lương tháng tính đóng BHXH gồm: mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định. Hàng tháng, người LĐNN sẽ đóng BHXH với mức đóng 8% lương vào quỹ hưu trí và tử tuất. Người sử dụng lao động (SDLĐ) nước ngoài phải đóng tối đa bằng 18% tháng lương trả cho NLĐ, gồm: 3% vào quỹ ốm đau và thai sản; tối đa 1% vào quỹ TNLĐ - BNN; 14% vào quỹ hưu trí và tử tuất.
Theo đó, BHXH Việt Nam đã thống nhất với Bộ LĐ-TB&XH về một số nội dung cơ bản tại dự thảo nghị định. Cụ thể, về chế độ nên quy định được hưởng cả 5 chế độ BHXH như đối với NLĐ Việt Nam làm việc tại Việt Nam nhưng có cân nhắc trong thiết kế từng chế độ cho phù hợp.
Theo Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, ông Trần Đình Liệu, việc xây dựng nghị định về thực hiện BHXH bắt buộc đối với LĐNN tại Việt Nam là cần thiết, trong bối cảnh nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng, phù hợp với thông lệ quốc tế và quy định của Tổ chức Lao động quốc tế.
“BHXH bắt buộc đối với người LĐNN đã được quy định cụ thể trong Luật BHXH 2014, nhằm bảo đảm bình đẳng, an sinh cho người LĐNN tại Việt Nam; cũng như làm căn cứ trong các thỏa thuận song phương, đa phương để quyền lợi, chế độ BHXH của LĐNN tại các nước được thực hiện thống nhất, tương đồng”, ông Liệu nhấn mạnh.
Cả nước đang có khoảng 84.000 LĐNN.
Tuy nhiên, theo ông Liệu, việc xây dựng nghị định này đang gặp nhiều vướng mắc, như việc thống nhất mức đóng, mức hưởng chế độ BHXH giữa các nước; liên thông dữ liệu giữa các quốc gia; việc chuyển đổi tiền tệ; quy định về thuế…
Do vậy, “Việt Nam cần có những hiệp định song phương về chính sách BHXH với các quốc gia khác, để NLĐ nước ngoài làm việc tại Việt Nam không phải đóng BHXH 2 lần ở cả hai nước… Đồng thời, có thể quy đổi, thực hiện chính sách BHXH một cách liên thông, tương đồng, bình đẳng”, ông Liệu kiến nghị.
Cần có lộ trình
Ông Liệu nhấn mạnh: “Đây là vấn đề tốn nhiều thời gian và công sức, nếu không làm được thì bản thân NLĐ sẽ không mặn mà tuân thủ, khiến cho việc thực hiện gặp rất nhiều khó khăn”.
Cùng với đó, ông Mai Đức Thắng - Phó Trưởng ban Thu BHXH Việt Nam cũng nêu khó khăn, việc LĐNN tại Việt Nam tham gia đóng BHXH bắt buộc sẽ phát sinh nhiều khó khăn, như LĐNN làm việc theo HĐLĐ, mà hợp đồng chỉ có chữ viết nước ngoài, dẫn đến khó khăn cho công tác hướng dẫn, hậu kiểm, kiểm tra.
Chưa kể, đây là loại hình đối tượng tham gia hoàn toàn mới, dự tính thời gian tham gia BHXH của mỗi người không dài.
“Về hồ sơ, nay có thêm LĐNN thì cần thiết phải có mẫu biểu theo chữ viết, ngôn ngữ của một số nước chủ yếu như Anh, Pháp, Trung Quốc... Đó cũng là khó khăn cho công tác tổ chức thực hiện. Hiện tại, phần mềm quản lý thu đang chỉ hỗ trợ sử dụng bằng tiếng Việt mà chưa có ngôn ngữ khác. Đối với NLĐ tại các nước có sử dụng chữ viết tượng hình (như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, các nước khu vực Trung Đông...) thì sử dụng ngôn ngữ nào, tiếng phiên âm hay theo bản ngữ, vì hiện tại Việt Nam đang sử dụng chữ cái La tinh, còn các nước nói trên sử dụng bàn phím riêng”, ông Thắng nêu vấn đề.
Trước đó, ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, kiến nghị, trong 5 chế độ, có 3 chế độ ốm đau, thai sản, TNLĐ - BNN cần hoàn toàn khuyến khích với LĐNN có hợp đồng với DN, được quyền tham gia để hưởng lợi trực tiếp, vì đây là bảo hiểm có tính chất ngắn hạn. 3 chế độ này, DN và LĐNN có thể tham gia ngay từ năm 2018, sau khi các cơ quan chức năng lấy ý kiến rộng rãi DN trong cả nước.
Về chế độ dài hạn là hưu trí, LĐNN có hợp đồng được quyền tham gia, nhưng việc này cũng chỉ được thực hiện khi hai nước có hiệp định về BHXH (hiện nay Việt Nam đang thỏa thuận ký hiệp định với Đức và Hàn Quốc). Việc tham gia chế độ này cũng nên có lộ trình, thực hiện từ năm 2018 nhưng lộ trình có lẽ phải năm 2020 mới thực hiện được.
Theo Thời báo Kinh doanh