Thứ Bảy, 28/9/2024
Diễn đàn
Thứ Bảy, 10/10/2009 14:11'(GMT+7)

Góc nhìn mới về nguyên phi Ỷ Lan: Tư tưởng vượt thời gian về hạnh phúc cá nhân

Đền thờ Ỷ Lan tại Như Quỳnh, Hưng Yên

Đền thờ Ỷ Lan tại Như Quỳnh, Hưng Yên

 Thương nỗi đau con người

Vượt lên yêu cầu của một hậu phi chốn thâm cung như một tấm bia đời Lý đã viết: “Là những người hiền thục u trinh, điều hòa nội trị. Nâng thêm tiết tháo hiền hòa, tỏ rõ tấm lòng thục thuận”, Ỷ Lan đã để lại cho đời nhiều công tích. Nhưng vượt trên mọi công tích đó là thái độ và những việc làm thể hiện một người phụ nữ biết đau những nỗi đau của người khác, lo cho nỗi đau của người khác, những nỗi đau mà người ta dù có khốn khổ thế nào cũng chẳng dám nói ra do đủ mọi thứ ràng buộc cấm kị trong kỳ phong kiến.

Truyền kỳ về Nguyên Phi Ỷ Lan giống như câu chuyện của công chúa Lọ Lem lưu truyền rộng rãi cả ở phương Tây lẫn phương Đông. Nhân chuyến tuần du Thổ Lỗi, lộ Bắc Giang, vua Lý Thánh Tông đến cầu tự, nhìn thấy người con gái dựa vào gốc lan mà hát. Vua lấy làm lạ, cho vời tới hỏi chuyện, đón vào cung, phong làm Ỷ Lan phu nhân. Ỷ Lan sinh thái tử Càn Đức, con lên ngôi, được tôn làm Thái phi, rồi Thái hậu. Bà tuy là một tín đồ Phật giáo, thấu hiểu vô thường nhưng vẫn không quên và lo nghĩ cho những thân phận cần sống một cuộc sống đời thường. “Bà không chỉ lui tới các đình chùa, trao đổi với các tăng ni thuyết giáo đạo Phật mà còn hay lui tới nơi của những người thuộc tầng lớp thấp trong xã hội phong kiến để chia sẻ chuyện trò với họ, động viên để họ nói ra những nỗi muộn phiền sâu kín trong lòng” (trích “Đại Việt sử kí Toàn thư” – Ngô Sĩ Liên).

Xuất thân là một thôn nữ, hiểu thấu những khổ đau của người phụ nữ nông dân vì nghèo khổ phải đem thân gán nợ cho nhà giàu, bà đã xuất tiền trong Nội phủ chuộc họ về, gả cho những người góa vợ hoặc người nghèo khó không đủ tiền cưới vợ. Sách Đại Việt sử kí của sử gia đời Trần Lê Văn Hưu có viết: “Năm Quý Mùi niên hiệu Long Phù năm thứ 3 (tức năm 1103), mùa xuân, Thái hậu phát tiền ở kho Nội Phủ để chuộc những con gái nhà nghèo đã phải bán đi ở đem gả cho những người góa vợ”. Cũng từ sự kiện này, sử gia Ngô Sĩ Liên đã có lời bàn trong cuốn Đại Việt sử ký Toàn thư: “Con gái nghèo đến nỗi phải đợ mình làm mướn, con trai nghèo đến nỗi không vợ, đó là cùng dân của thiên hạ. Thái hậu (Ỷ Lan) đổi mệnh cho họ cũng là việc nhân chính vậy”. Cũng như vậy, thương cảm cho bao cũng nữ phí hoài tuổi xuân trong cung cấm, bà đã cho xuất cung rất nhiều người và gả chồng cho họ.

“Ai hiểu được mục đích tối thượng của cuộc sống, hiểu được ham muốn chân thực của con người như bà, để những thân phận cô đơn kia được thấy mình sống trên đời có người để yêu? Thái độ về giới của bà cho thấy bà tư duy trên một nền triết học rất độ lượng và thấu hiểu, nhận biết sự vô thường nhưng nhận biết cả khổ đau, điều hiện hữu rõ nhất trong nhân gian, trong tình yêu của con người”- Tiến sĩ Hán học Cung Khắc Lược, người từng tìm đến rất nhiều đền thờ Nguyên phi Ỷ Lan để tìm hiểu về cuộc đời của bà, đánh giá.

TS Nguyễn Hải Kế, Chủ nhiệm Khoa Lịch sử, Trường ĐH KHXH&NV thì cho rằng: “Xét về mặt đạo đức của bà thì trong đức tin của người Việt, Ỷ Lan Hoàng Thái Hậu vẫn là “bà Tấm” của Kinh Bắc - người mang trái tim nhân hậu, yêu thương của đức Phật che chở cho muôn dân”. Nhân dân ghi nhớ công đức này, gọi bà là “Quan Âm”. Trái tim một người phụ nữ vĩ đại mong muốn không chỉ giải phóng và mang lại hạnh phúc cho phụ nữ mà mang lại bình yên về giới, niềm hạnh phúc về giới, nền tảng cơ bản để xã hội tồn tại trong một hình thái đẹp nhất-cân bằng âm dương. Nó cũng để không ai bị ẩn ức, không ai bị cô đơn, không ai thấy mình là vật thừa của con tạo. Bà là người phụ nữ đầu tiên trong lịch sử Việt Nam quan tâm đến phụ nữ nói riêng và sự thỏa mãn về giới nói chung.

Nhiều cách lý giải

Những hành động của bà với tư cách là bậc mẫu nghi thiên hạ ngồi trên vạn người, đặc biệt xuất hiện trong thời kỳ phong kiến, đã khiến các nhà sử học ngày nay có nhiều kiến giải khác nhau. Điều gì khiến một người như bà vượt qua định kiến thời đại làm việc chưa ai từng làm? Theo TSKH Vũ Minh Giang, Trường ĐH Quốc gia Hà Nội thì: “Nhắc đến Ỷ Lan, người ta thường nhắc đến những mặt nổi trội như bà xuất thân bình dân và rồi tiến lên thành đại quý tộc, đứng đầu hàng phi, sau đó là chấp chính triều đình nên tất cả mọi hoạt động cuộc đời đều phản ánh hai giai đoạn này của cuộc đời bà, vừa gần gũi với tầng lớp bình dân nhưng cũng hết sức quý tộc.

.

Câu hỏi đặt ra là tính cách bình dân hay tính cách quý tộc đã khiến bà có đươc sự cảm thông sâu sắc với thân phận con người như vậy? Theo TS Giang: “Sự sung mãn và dư thừa của con người ít khi dẫn đến tình thương. Đó là do cái thùng không đáy của lòng tham con người. Do đó, nó chỉ là điều kiện chứ không phải là nguyên nhân gốc rễ khiến người phụ nữ này có được sự cảm thông sâu sắc với người nghèo. Cốt cách vốn có của bà cùng những cảnh đời bà đã trải qua khi còn là thôn nữ, khi bà lui đến thăm nom những người nghèo, hiểu biết về xã hội và nhân tình thế thái khiến đã bà hiểu và nhân ái hơn. Thường thì sự giàu có về kinh nghiệm sống, giàu về hiểu biết mới đem lại phong phú về mặt tâm hồn”. Các nhà sử học cho rằng, sở dĩ bà có được một tâm hồn như thế là cũng nhờ một phần vào tư tưởng bình đẳng của Phật giáo. Đạo Phật phù hợp với tâm thức người Việt Nam, những cư dân nông nghiệp hiền hòa, trong một xã hội bình ổn hướng tới sự từ bi, yên vui, bình đẳng.

Dù cuộc đời của Ỷ Lan gắn nhiều đến các hoạt động chính trị, thậm chí, sử sách đều ghi việc bà giết Dương Thái Hậu và 76 cung nữ nhưng theo các nhà sử học thì tội đó so với công của bà cả về mặt tác động lịch sử chính thống và dân gian chỉ đáng 2 phần so với 8 phần. “Việc Ỷ Lan Nguyên phi giết 72, hay là 76 cung nữ là có thực. Nhưng “soi” hành động đó dưới vương triều phong kiến đó, thì nó có nguyên do của nó. Thời kỳ đó có tục “tuẫn táng”, tức là vua, hoàng hậu hay thái hậu mất thì đôi khi triều đình cũng chôn theo cung phi để hầu. Chính vì vậy, ta cũng phần nào hiểu cho bà. Đó có thể coi là những điểm đen trong cuộc đời của Ỷ Lan. Ỷ Lan có công 8 phần, lỗi chỉ 2 phần”, PGS.TS Nguyễn Minh Tường - Viện Sử học Việt Nam nói.

Chính vì những công tích của bà trong dân gian nên người đời yêu thương gọi bà là “Phật giáng thế” hay “bà Tấm” của Kinh Bắc bởi lòng nhân hậu, thương dân và công lao của Ỷ Lan đối với đất nước dưới vương triều Lý. Hàng trăm ngôi đền thờ Ỷ Lan được xây dựng ở khắp nơi để nhân dân tỏ lòng biết ơn, tưởng nhớ tới ân đức, công lao của bà.

Sử sách không ghi rõ tên thật của bà là gì, sinh năm nào, chỉ còn đọng lại sâu sắc hình ảnh người con gái đứng tựa cây lan, người con gái quê lãng mạn kia không biết đã được thừa hưởng từ ai, học hỏi từ bao giờ để có được những suy nghĩ khác lạ nhưng đầy nhân bản trong thời kỳ phong kiến hà khắc về tình cảm cá nhân như vậy?

Theo GĐ – XH

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất