(TG)-Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, nhằm bảo đảm sức khỏe cho học sinh, đồng thời hạn chế việc tập trung đông người và góp phần giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, UBND thành phố Hà Nội đã quyết định cho học sinh, sinh viên các cấp học tạm dừng đến trường, triển khai học trực tuyến từ ngày 17/2.
Ngay lập tức, Phòng Giáo dục và Đào tạo các địa phương, các trường học trên địa bàn thành phố đã chủ động, tích cực triển khai các nhiệm vụ, sẵn sàng cho ngày học trực tuyến đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Tân Sửu 2021.
Chủ động dạy và học trực tuyến
Do đã xác định trước dịch COVID-19 có thể kéo dài và diễn biến phức tạp nên ngay từ đầu năm học 2020 - 2021, bên cạnh việc triển khai kế hoạch dạy học bình thường theo chương trình, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã chỉ đạo tất cả các đơn vị, trường học chủ động xây dựng phương án dạy học ứng phó khi học sinh không thể đến trường. Chính vì vậy, khi dịch COVID-19 có diễn biến phức tạp, các nhà trường đều nhanh chóng kích hoạt toàn bộ hoạt động phòng, chống dịch, chuyển trạng thái dạy và học ngay lập tức.
Bà Bùi Thùy Linh, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Cầu Giấy (quận Cầu Giấy) cho biết, nhà trường hoàn toàn chủ động trong việc xây dựng phương án tổ chức dạy học. Ngay từ trước Tết, khi dịch bệnh có dấu hiệu phức tạp, Ban giám hiệu đã triển khai đến toàn thể giáo viên, học sinh phương án học trực tuyến. Các công việc chuẩn bị để tổ chức dạy học trực tuyến được nhà trường triển khai sớm như xây dựng thời khóa biểu, hướng dẫn học sinh chuẩn bị máy tính, điện thoại có cài đặt phần mềm... Nhà trường cũng nghiên cứu để triển khai các hình thức kiểm tra, đánh giá phù hợp nhằm kịp thời điều chỉnh cách thức dạy học với từng học sinh.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Bích Nga, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, ngay trong chiều 16/2, nhà trường đã họp toàn thể giáo viên để phổ biến về mọi việc liên quan đến dạy học trực tuyến. Sau cuộc họp với Ban giám hiệu, các giáo viên sẽ tổ chức họp trực tuyến với phụ huynh học sinh để thông báo những thông tin đến việc học trực tuyến, cùng với phụ huynh học sinh chuẩn bị những điều kiện tốt nhất cho học sinh khi bắt đầu học trực tuyến vào ngày 17/2.
Một tuần trước Tết, nhà trường đã chuẩn bị mọi khâu cho việc dạy học trực tuyến như xây dựng thời khóa biểu, hướng dẫn phụ huynh chuẩn bị máy tính, điện thoại có cài đặt phần mềm. Do đó, cả giáo viên, phụ huynh và học sinh đều sẵn sàng cho việc dạy và học trực tuyến.
“Riêng khối 1 và khối 2, nhà trường sẽ ưu tiên dạy trực tuyến vào buổi tối để các phụ huynh sắp xếp thời gian tham gia, phối hợp cùng giáo viên dạy học cho các con. Các khối 3, 4, 5, giáo viên sẽ dạy vào buổi sáng hoặc buổi chiều. Để việc dạy, học trực tuyến đạt hiệu quả cao, rất cần sự phối hợp chặt chẽ, sát sao của phụ huynh”, bà Nga cho biết thêm.
Đối với khối lớp 1 năm đầu tiên học sách giáo khoa mới, cô Lê Bích Nguyệt, giáo viên lớp 1E, Trường Tiểu học Nghĩa Tân cho rằng, học sinh lớp 1 còn bé, ít tập trung nên việc phối hợp với gia đình rất quan trọng. Theo cô Nguyệt, chương trình học theo sách giáo khoa mới của lớp 1 khá nhiều. Ngoài việc học vần, học từ, các em còn có những bài tập đọc. Trong thời lượng 35 phút, để học sinh vừa học được vần mới, vừa làm quen từ mới, còn phải hoàn thành cả bài tập đọc thì cả cả cô và trò phải hết sức tập trung và cố gắng.
“Từ trước Tết, giáo viên khối 1 của trường đã xây dựng xong thời khóa biểu, phân bố thời gian dạy và soạn bài trước vài tuần. Giáo viên cũng đã dặn dò kỹ phụ huynh cài đặt phần mềm, chuẩn bị thiết bị. Do đó, khi nhận được thông tin tạm dừng đến trường, triển khai dạy học trực tuyến, cả giáo viên và phụ huynh đều sẵn sàng”, cô Lê Bích Nguyệt chia sẻ.
Nghiêm túc phòng chống dịch
Bên cạnh việc tích cực triển khai các điều kiện dạy học trực tuyến, nhiều đơn vị, cơ sở giáo dục cũng chủ động thực hiện các nhiệm vụ phòng chống dịch COVID-19. Do đã có kinh nghiệm từ trước nên công tác chuẩn bị về vật tư, thiết bị, nhân lực phòng chống dịch của các nhà trường luôn đầy đủ.
Bà Lưu Thị Ngọc Diệp, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hồng Tiến (quận Long Biên, Hà Nội) cho biết, việc vệ sinh, khử khuẩn đã được nhà trường thực hiện thường xuyên, liên tục, nhất là trong thời gian dịch COVID-19 diễn ra. Ngay khi học sinh nghỉ học phòng chống dịch từ trước Tết, toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên của nhà trường đã tổng vệ sinh, khử khuẩn khuôn viên trường, lớp, lau rửa sạch sẽ đồ dùng, đồ chơi của trẻ.
“Trẻ mầm non không phải học trực tuyến nên Ban giám hiệu đã chỉ đạo các giáo viên duy trì thông tin liên lạc với gia đình trẻ để nắm bắt thông tin sức khỏe, đồng thời động viên, phối hợp với gia đình trẻ trong việc trông giữ và chăm sóc sức khỏe của trẻ trong thời gian tạm dừng đến trường”, bà Lưu Thị Ngọc Diệp cho biết thêm.
Về công tác phòng, chống dịch trong nhà trường, bà Nguyễn Thị Bích Nga, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, nhà trường thực hiện khử khuẩn thường xuyên, các vật tư như nước rửa tay, khẩu trang y tế được nhà trường chuẩn bị đầy đủ. Khi học sinh quay lại trường học, nhà trường sẽ triển khai các công tác phòng, chống dịch theo đúng chỉ đạo.
“Ban giám hiệu đã thông báo với giáo viên tổ chức rà soát các trường hợp học sinh, người nhà học sinh đi từ các tỉnh về Hà Nội sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Công việc này đã được nhà trường thực hiện ngay từ trước Tết và duy trì nghiêm túc, đảm bảo chế độ báo cáo thường xuyên, liên tục với Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Cầu Giấy”, bà Nga cho biết thêm.
Ông Nguyễn Đức Hòa, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Chương Mỹ cho biết, ngay khi nhận được văn bản chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, Phòng đã yêu cầu các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, chủ các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục trên địa bàn huyện thực hiện nghiêm việc cho học sinh tạm dừng đến trường để phòng, chống dịch COVID-19.
“Ngay từ trước Tết, các trường học trên địa bàn huyện đã triển khai dạy học trực tuyến để đảm bảo chương trình học tập. Các công việc như xây dựng thời khóa biểu, chương trình dạy học, phương án triển khai đã được các nhà trường thực hiện từ trước nên đến nay không bị bất ngờ”, ông Nguyễn Đức Hòa cho biết thêm.
Đối với các trường hợp cán bộ, giáo viên, học sinh, phụ huynh đi từ các tỉnh, thành phố khác về địa phương, các trường sẽ tổ chức rà soát, cập nhật, nắm bắt thông tin về tình hình sức khỏe. Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Chương Mỹ cũng yêu cầu toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên thực hiện nghiêm túc thông điệp “5K” của Bộ Y tế.
Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến, về cơ bản, các nhà trường đã chủ động và thích ứng nhanh với trạng thái dạy, học mới, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu dạy và học trực tuyến… Để đảm bảo chương trình học, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã yêu cầu các nhà trường ổn định nền nếp, chất lượng dạy, học ngay từ tiết học đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết, đồng thời phối hợp chặt chẽ với phụ huynh học sinh trong việc chăm sóc sức khỏe và hỗ trợ học sinh học tập, rèn luyện, giúp đỡ học sinh có khó khăn về thiết bị học tập qua internet hoặc hạn chế về khả năng tự học…/.
TG