Thứ Sáu, 29/11/2024
Chính sách
Thứ Sáu, 12/6/2009 21:14'(GMT+7)

Hà Nội : Giải pháp cụ thể củng cố và tăng cường nguồn lực cho DS-KHHGĐ

Các CTV dân số xã Yên Mỹ (huyện Thanh Trì) trao đổi công tác CSSKSS/KHHGĐ. Ảnh:PV

Các CTV dân số xã Yên Mỹ (huyện Thanh Trì) trao đổi công tác CSSKSS/KHHGĐ. Ảnh:PV

Với số dân tăng gần gấp đôi, bên cạnh những thuận lợi thì Hà Nội mới cũng sẽ đối mặt với nhiều thách thức trong lĩnh vực DS- KHHGĐ. Khó khăn nhất vẫn là mức sinh giữa các vùng không đồng đều, do dân trí giữa các vùng khác nhau và tỷ lệ sinh con thứ 3 ở một số địa phương, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn vẫn còn cao.

Năm qua, do nhiều nguyên nhân cả chủ quan và khách quan, kết quả thực hiện công tác DS-KHHGĐ trong năm 2008, dự kiến năm 2010 cả Hà Nội và Hà Tây (cũ) đều không hoàn thành chỉ tiêu giảm sinh theo mục tiêu chiến lược DS-KHHGĐ của mỗi địa phương đã đặt ra trước đây.

Nguyên nhân không đạt được chỉ tiêu này là do nhận thức của một bộ phận cán bộ lãnh đạo ở một số cấp, ngành, đoàn thể chưa đầy đủ về tính chất khó khăn, phức tạp và lâu dài của công tác DS- KHHGĐ; xuất hiện tư tưởng chủ quan, thỏa mãn với những kết quả ban đầu, dẫn đến buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo. Một số nội dung tại Điều 10 Pháp lệnh Dân số khi ban hành đã bị hiểu sai, ngay cả ở cán bộ làm công tác này; khi được sửa đổi, nhưng chưa được thực hiện làm ảnh hưởng đến nhận thức của một bộ phận cán bộ công chức, đảng viên và nhân dân nên tác động trực tiếp đến việc tăng trở lại tỷ lệ sinh con thứ 3, nhất là vùng sâu, vùng xa của Hà Nội. Đặc biệt cán bộ làm công tác DS- KHHGĐ ở cấp quận, huyện, xã, phường đang thiếu trầm trọng; chất lượng cán bộ còn bất cập so với yêu cầu nhiệm vụ. Chế độ chính sách cho cán bộ cấp xã, phường, thị trấn và cộng tác viên quá xa thực tế, không thu hút được CTV nhiệt tình với công việc vốn đã khó khăn.(Năm 2008 Hà Nội mới có 8.788 trẻ là con thứ 3 (8,86%). Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên của Hà Nội mới hết năm 2008 ước là 11,78%o).

Đối với Hà Nội cũ, đã thực hiện tương đối tốt việc giảm tỷ lệ sinh con thứ 3. Sở dĩ có kết quả như vậy là do Thành phố có một văn bản rất quan trọng của Ban Thường vụ Thành ủy khóa 13 (Chỉ thị 36 ngày 4/8/2005), trong đó nói rõ nếu cán bộ, công chức sinh con thứ 3 sẽ không được đề bạt, đề cử vào các chức danh, không xem xét các danh hiệu thi đua. Hà Nội đã làm rất nghiêm trên cơ sở Nghị quyết 47 của Bộ Chính trị.

Đối với Hà Tây, Mê Linh (Vĩnh Phúc) và 4 xã của huyện Lương Sơn (Hoà Bình) - là những nơi khó khăn trong thực hiện công tác DS- KHHGĐ bởi trình độ dân trí không đồng đều- UBND sẽ có những nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch cụ thể để chỉ đạo. Trong đó, đẩy mạnh 6 giải pháp mà Nghị quyết 47 đã đề ra, bám sát Chỉ thị 36 của Ban Thường vụ Thành ủy.

Để tập trung chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt công tác DS- KHHGĐ đến năm 2010, phấn đấu đến năm 2015 cơ cấu dân số của Thủ đô hợp lý và chất lượng dân số được nâng lên, lãnh đạo thành phố đề nghị Sở Y tế phải phân tích rõ những nguyên nhân, từ đó có biện pháp, lộ trình thực hiện giảm sinh, nâng cao chất lượng dân số, đặc biệt phải chú ý đến công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cả cán bộ và mọi người dân về công tác này. HĐND kỳ họp tới sẽ có riêng Nghị quyết về công tác dân số. Đây là một bộ phận đóng vai trò quan trọng trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở các cấp cũng như của Thành phố.

Thành phố cũng nêu rõ định hướng và giải pháp cơ bản cho công tác DS/KHHGĐ trong thời gian tới :

Thứ nhất, tăng cường nhân lực cho các Trung tâm DS-KHHGĐ quận, huyện bảo đảm từ 7-9 biên chế/trung tâm; chuyển 577 viên chức DS xã, phường về trung tâm DS quận, huyện quản lý và làm việc tại xã, phường; nâng mức thù lao cho cộng tác viên DS ở các khu dân cư.

Thứ hai, đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị cho trung tâm quận, huyện, ban DS-KHHGĐ để bảo đảm điều kiện thực hiện các hoạt động sự nghiệp về DS-KHHGĐ. Đề nghị đến năm 2010 thành phố xây mới 11 Trung tâm DS – KHHGĐ và cải tạo 18 trung tâm xuống cấp; trang bị ô tô cho 19 huyện, thị xã; đầu tư trang thiết bị cho 29 Trung tâm DS - KHHGĐ

Thứ ba, nâng mức kinh phí cho công tác DS - KHHGĐ từ năm 2010 đến 2015 với định mức 5.000 đồng/người dân/năm; trong đó cấp thành phố là 2.000 đồng/người/năm và cấp quận, huyện là 3.000 đồng/người/năm.

Theo đó, ngành dân số sẽ ưu tiên tập trung các mục tiêu sau: Giảm quy mô dân số, trọng tâm là giảm sinh con thứ 3 trở lên. Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi, phấn đấu năm 2009 tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng của Hà Nội mới khoảng 15%. Giảm tỷ số giới tính khi sinh, hiện nay số trẻ trai trên số trẻ gái là 110/100.

Tập trung thực hiện 6 nhiệm vụ giải pháp mà Nghị quyết 47 của Bộ Chính trị đề ra và Chỉ thị 36 củaThường vụ Thành ủy Hà Nội, ngành sẽ tham mưu cho Thành ủy, HĐND, UBND chỉ đạo, tập trung vào những nơi vùng sâu, vùng xa, khó khăn tăng cường giải pháp tuyên truyền, nâng cao chất lượng dịch vụ CSSKSS…

Chính sách đầu tư nguồn lực cho công tác DS- KHHGĐ trong nhiều năm qua được lãnh đạo thành phố Hà Nội quan tâm, vẫn sẽ được tiếp tục chú trọng trong thời gian tới, trong đó có mở rộng, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ CSSKSS/ KHHGĐ.

Minh Trang

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất