Thứ Bảy, 23/11/2024
Tin tức, sự kiện
Thứ Sáu, 8/9/2017 8:30'(GMT+7)

Hà Nội: Phối hợp gỡ nút thắt trong công tác thu hồi nợ bảo hiểm xã hội

* Chiêu trò trốn tránh 

Theo đoàn công tác liên ngành Bảo hiểm xã hội và Liên đoàn Lao động Hà Nội đi kiểm tra các doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn thành phố mới thấy rõ những khó khăn của việc đòi nợ bảo hiểm, 

Tại quận Long Biên, dù đã hẹn trước nhưng nhiều lần cán bộ của Bảo hiểm xã hội quận đến theo kế hoạch lại không gặp được người có thẩm quyền để trao đổi, giải quyết công việc. 

Ở huyện Gia Lâm, việc tìm gặp chủ doanh nghiệp nợ bảo hiểm cũng không dễ dàng. "Giám đốc đi vắng dài ngày, chỉ giao nhân viên tiếp nhận ý kiến của đoàn", nhân viên kế toán của một doanh nghiệp trả lời đoàn kiểm tra Bảo hiểm xã hội huyện Gia Lâm. 

Trong khi đó, trước khi đi đôn đốc thu nợ, Bảo hiểm xã hội hai quận, huyện trên đã gửi thông báo theo đường công văn, địa chỉ đăng ký của công ty từ 10 ngày trước. "Cơ quan Bảo hiểm xã hội đã gửi yêu cầu để doanh nghiệp chuẩn bị các nội dung như: Hồ sơ quản lý lao động; danh sách lao động đề nghị cấp sổ Bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế…Tuy vậy, doanh nghiệp tìm mọi lý do để né tránh, không chuẩn bị hoặc chuẩn bị không đầy đủ nội dung theo yêu cầu, gây khó khăn cho công tác kiểm tra”, bà Nguyễn Thị Kim Thúy - Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội quận Long Biên chia sẻ. 

Chị Nguyễn Thu Huyền, nhân viên Bảo hiểm xã hội quận Long Biên cho biết: Nhiều khi nhân viên bảo hiểm xã hội mất thời gian để tìm địa chỉ doanh nghiệp vì đã giải thể hoặc chuyển đi nơi khác nhưng không thông báo cho cơ quan bảo hiểm. 

Thực trạng hiện nay trên địa bàn Hà Nội cho thấy, nhiều doanh nghiệp tìm cách trốn tránh đóng bảo hiểm cho người lao động. Một phần do doanh nghiệp làm ăn thua lỗ nhưng không ít doanh nghiệp tìm cách trục lợi tiền của người lao động. Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Hà Nội, có 23.955 doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp với số tiền 3.378 tỷ đồng, tương đương với ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của 334.694 người lao động. Đáng chú ý là có 4.569 doanh nghiệp ngừng giao dịch, đơn phương chấm dứt giao dịch, bỏ trốn, phá sản, giải thể với số tiền 478,8 tỷ đồng, chiếm 18,3% số nợ của doanh nghiệp trên địa bàn. Tuy vậy đến nay, Bảo hiểm xã hội thành phố chưa có phương án xử lý nợ đối với những doanh nghiệp kể trên cũng như giải quyết chế độ cho người lao động của các doanh nghiệp nợ bảo hiểm. 

* Phối hợp liên ngành trong công tác thu hồi nợ 

Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thị Minh cho biết: Số nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của Hà Nội lớn, cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Để đảm bảo quyền lợi của người lao động, thời gian tới, Bảo hiểm xã hội thành phố cần tập trung cao độ cho nhiệm vụ giảm số nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Gợi ý về giải pháp thu nợ, Tổng Giám đốc Bảo hiểm Việt Nam Nguyễn Thị Minh nói: "Bảo hiểm thành phố cần sớm kiểm tra và có giải pháp đối với những doanh nghiệp mới có dấu hiệu nợ. Đồng thời, phối hợp với cơ quan thuế, thanh tra, đôn đốc nhắc nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp". 

Bày tỏ lo ngại về số nợ bảo hiểm của các doanh nghiệp, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải yêu cầu các ngành Thuế, Thanh tra, Ban Thi đua khen thưởng thành phố, Sở Kế hoạch và Đầu tư... phối hợp chặt chẽ, chia sẻ thông tin để không bỏ lọt doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội. Bên cạnh đó, Bảo hiểm xã hội thành phố phối hợp cùng tổ liên ngành của thành phố phân loại các doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội, phân tích nguyên nhân, xây dựng lộ trình cũng như giải pháp xử lý đối với từng doanh nghiệp. Đối với những doanh nghiệp thực sự khó khăn cần có giải pháp hỗ trợ. Song với những doanh nghiệp vẫn cố tình chây ỳ, chiếm dụng tiền bảo hiểm xã hội của người lao động, bị xử lý hành chính nhiều lần vẫn không chấp hành phải tính đến xử lý hình sự. 

Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Hòa cho biết đang đề xuất với thành phố giải pháp: Đối với doanh nghiệp nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội đề nghị thành phố xem xét không cho tham gia dự thầu, nhà đầu tư theo quy định tại Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 ngày 26/10/2013. Cùng với đó, Thanh tra thành phố, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND các quận, huyện thanh tra những doanh nghiệp trốn đóng, nợ bảo hiểm xã hội, xử phạt nghiêm theo quy định của pháp luật. 

Dẫn chứng từ việc trong thời gian qua, địa bàn huyện Gia Lâm chưa khởi kiện được doanh nghiệp nợ bảo hiểm ra tòa, ông Đào Minh Châu - Giám đốc Bảo hiểm xã hội huyện Gia Lâm chia sẻ, nguyên nhân là do những người phụ trách công đoàn cơ sở thường kiêm nhiệm, cũng là người làm thuê và nhận lương từ doanh nghiệp nên việc để họ đứng ra kiện doanh nghiệp của mình rất khó. Mặt khác, hiện nay nhiều công đoàn cơ sở chưa đủ mạnh về nhân lực và trình độ pháp lý để khởi kiện chủ doanh nghiệp khi họ nợ bảo hiểm của người lao động. Theo ông Đào Minh Châu, để gỡ nút thắt trong đòi nợ bảo hiểm chính là phải làm cho tổ chức công đoàn mạnh lên, đủ sức bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động. 

Với sự chỉ đạo mạnh mẽ của các cấp, ngành, tại Hà Nội hiện đã có 75 đơn vị tự giác nộp đủ số tiền nợ sau khi có quyết định thanh tra, kiểm tra, với số tiền nợ bảo hiểm là 25,8 tỷ đồng. Tuy vậy, việc thu hồi nợ vẫn còn gặp khó khăn và cần có giải pháp hiệu quả hơn để bảo vệ quyền lợi của người lao động./. 

Mạnh Khánh/TTXVN 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất