Từ tháng 2/2014, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp với Viện khảo cổ học tiến hành khai quật khu vực chính điện Kính Thiên. Phạm vi nghiên cứu không gian điện Kính Thiên gồm các bộ phận kiến trúc chính là cửa Đoan Môn, sân Đan Trì, Chính điện Kính Thiên, tường hành cung, Hậu Lâu và các công trình phụ trợ khác. Trong đó, quan trọng nhất là Tòa Chính điện Kính Thiên.
Bước đầu các nhà khoa học xác định được một phần không gian Chính điện Kính Thiên ở khu vực Trung tâm như: Ngự đạo, sân Đan Trì, móng kiến trúc (hành lang). Đặc biệt các di tích này đều xác định rõ hai giai đoạn Lê Sơ và Lê Trung Hưng chồng xếp lên nhau.
Đề án sẽ sưu tầm khảo cứu tư liệu, thực hiện công tác khai quật khảo cổ, nghiên cứu toàn diện và chi tiết không gian Điện Kính Thiên một cách xác thực thông qua các bản vẽ, mô hình 2D, 3D, mô hình thực tế. Năm 2016, Trung tâm sẽ báo cáo UBND thành phố về mô hình phục dựng.
Điện Kính Thiên là công trình trung tâm của hoàng cung của thời Lê ở Đông Kinh, là nơi vua Lê Thái Tổ tuyên bố lên ngôi. Về sau, đây là nơi cử hành các nghi lễ long trọng của triều đình, đón tiếp sứ giả nước ngoài, thiết triều bàn việc quốc gia.
Lính Pháp chụp ảnh bên thềm điện Kính Thiên trong thời gian đồn trú tại đây (Ảnh trên do bác sĩ Charles – Edouard Hocquard chụp giai đoạn 1884 -1885)
Theo Đại Việt Sử ký toàn thư, điện Kính Thiên được xây dựng năm 1428 đời Vua Lê Thái Tổ và hoàn thiện vào đời Vua Lê Thánh Tông. Điện Kính Thiên được xây dựng trên núi Nùng, ngay trên nền cũ của cung Càn Nguyên – Thiên An thời Lý, Trần.
Lấy Càn Nguyên đặt tên cho điện coi chầu, Lý Thái Tổ đã chọn đúng trung tâm của trời đất đặt ngai vàng trị nước, sau các vua nhà Lý, các vua nhà Trần, nhà Lê đã cho xây dựng hệ thống thành lũy tại đây. Khu vực quan trọng là Cấm Thành hay còn gọi Long Thành, trung tâm là điện Càn Nguyên, Thiên An thời Lý – Trần, điện Kính Thiên thời Lê.
Từ năm 1788, khi Vua Quang Trung đóng đô ở Phú Xuân – Huế và sau đó nhà Nguyễn (1802 – 1945) cũng định đô tại đây thì thành Thăng Long trở thành trụ sở của Trấn Bắc Thành.
Năm 1805, Vua Gia Long cho xây dựng khu vực này làm hành cung để vua sử dụng mỗi khi các vua nhà Nguyễn “Bắc tuần”. Tên Thành cổ Hà Nội xuất hiện từ năm 1831, khi Vua Minh Mạng thực hiện cuộc cải cách hành chính lớn, thành lập các tỉnh, trong đó có tỉnh Hà Nội. Thành Hà Nội là trụ sở của tỉnh Hà Nội.
Thời Pháp thuộc, vào cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp phá bỏ hành cung Kính Thiên và xây dựng trụ sở chỉ huy pháo binh tại đây. Ngôi nhà này được gọi là nhà Con Rồng hay còn gọi là Long Trì, do phía trước và sau đều có rồng đá chầu.
Sau ngày 10/10/1954, khi quân ta vào tiếp quản Thủ đô, khu vực này trở thành nơi làm việc của Bộ Quốc phòng. Năm 2004, Bộ Quốc phòng bàn giao lại một phần diện tích khu vực trung tâm Thành cổ Thăng Long cho UBND thành phố quản lý.
Năm 1886, quân Pháp đã xây dựng một toà nhà 2 tầng ngay trên chính nền điện Kính Thiên để làm Bộ Chỉ huy Pháo binh.
Về kiến trúc, Điện Kính Thiên là di tích trung tâm, là hạt nhân chính trong tổng thể các địa danh lịch sử của Thành cổ Hà Nội. Trước điện Kính Thiên là Đoan Môn rồi tới Cột cờ Hà Nội, phía sau có Hậu Lâu, Cửa Bắc, hai phía đông và tây có tường bao và mở cửa nhỏ. Các cửa này đã được nhà nước bảo hộ Pháp liệt hạng từ năm 1925 cùng với một số di tích khác ở thành cổ.
Quan sát kiến trúc điện Kính Thiên qua các bức ảnh do người Pháp chụp cuối thế kỷ XIX, có thể thấy Điện Kính Thiên là một kiến trúc gỗ gồm 2 nếp hình chữ Nhị (二). Nhà làm kiểu chồng diêm 2 tầng 8 mái với các góc đao cong. Bờ nóc của cả hai nếp nhà đều đắp nổi đôi rồng chầu mặt trời. Quanh điện có sân rộng được xây lan can bao cả 4 phía.
Dấu tích điện Kính Thiên hiện nay chỉ còn là khu nền cũ. Nền điện dài 57 m, rộng 41,5 m, cao 2,3 m và thềm bậc xây bằng đá xanh tạo thành ba lối vào. Phía Nam nền điện còn có hàng lan can cao hơn 100 cm. Mặt trước, hướng chính Nam của điện Kính Thiên là thềm điện xây bằng những phiến đá hộp lớn gồm 10 bậc có 4 rồng đá chia thành 3 lối lên đều nhau tạo thành Thềm Rồng. Thềm bậc có kích thước: ngang 13,7 m, dọc 4,45 m, cao 2,1m với đôi rồng đá khắc chạm năm 1467 là những bộ phận điêu khắc bằng đá còn tương đối nguyên vẹn.
Rồng đá điện Kính Thiên là một di sản kiến trúc nghệ thuật tuyệt tác, tiêu biểu cho nghệ thuật điêu khắc thời Lê sơ. Được chạm trổ bằng đá xanh, rồng đá có đầu nhô cao, đầu to, mắt tròn lồi, sừng dài có nhánh, bờm lượn ra sau. Thân rồng uốn lượn mềm mại thành nhiều vòng cung, nhỏ dần về phía nền điện, trên lưng có đường vây dài nhấp nhô như vân mây, tia lửa.
Hình ảnh đôi rồng trước Điện Kính Thiên trong ảnh tư liệu cổ
Phía bắc của nền Điện Kính Thiên còn có một thềm 7 bậc lên xuống nhỏ hơn so với bậc thềm chính ở phía nam. Hai bên bậc thềm có 2 rồng đá mang niên đại Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII-XVIII ), rồng dài 3,4m; uốn 7 khúc, thân có vẩy, lưng như hàng vây cá, chân rồng 5 móng… Hai bên lan can trang trí hoa sen, sóng nước, đao, lửa, vân mây…
Nền và thềm bậc điện là di tích ít ỏi trong kiến trúc hoàng cung thời Lê còn sót lại đến ngày nay, phần nào phản ánh được quy mô hoành tráng của điện Kính Thiên xưa.
Từ nhiều năm trước, vấn đề phục dựng điện Kính Thiên cũng được nhiều nhà khoa học và lãnh đạo thành phố Hà Nội đưa ra. Giáo sư sử học Phan Huy Lê cho rằng, phục dựng một kiến trúc cổ theo đúng yêu cầu khoa học, tức là phải có đủ các thông số, các căn cứ thì hiện chúng ta chưa có điều kiện. Nhưng có thể phục dựng theo công nghệ 3D, có tới đâu phục dựng tới đó.
Theo Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội, nếu làm việc tích cực và hiệu quả nhất với sự chung tay, đồng thuận của nhiều cơ quan chức năng, các nhà khoa học thì việc phục dựng điện Kính Thiên có thể bắt đầu sau 5 năm tới khi đã đầy đủ các thông số, thông tin cần thiết.
T. Vy - TTXVN