Thứ Hai, 30/9/2024
Môi trường
Thứ Ba, 7/7/2009 16:16'(GMT+7)

Hà Nội quyết liệt “cuộc chiến” chống bụi: Vẫn “lực bất tòng tâm”

Bụi trên công trường thi công nút giao thông Kim Liên - Đại Cồ Việt,

Bụi trên công trường thi công nút giao thông Kim Liên - Đại Cồ Việt,

Chiến dịch "chống bụi" cần tạo được chuyển biến tích cực khi Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội đang đến gần. Tuy nhiên, bụi vẫn từng ngày, từng giờ ảnh hưởng tới đời sống xã hội.

> Bài 1: Kinh hoàng khói bụi

Khi Hà Nội là “đại công trường”

Những năm gần đây, cùng với quá trình đô thị hóa, hoạt động xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đô thị bao gồm cả các công trình nhà ở, cấp thoát nước, hạ ngầm đường dây đi nổi và giao thông gia tăng cả về quy mô và thời gian. Càng gần dịp 1000 năm Thăng Long - Hà Nội càng nhiều công trình xây dựng cần gấp rút hoàn thành.

Những công trường lớn được mở ra khắp nơi, từ khu phố trung tâm ra đến ngoại ô và cả vùng mới sáp nhập. Hầu như trên con đường nào cũng có công trường. Trong khu phố cũ có công trường chợ Hàng Da, công trường thi công Trung tâm Bán hàng chất lượng cao số 5 Điện Biên Phủ, dịch ra một chút là nút ngã tư Đào Duy Anh - Đại Cồ Việt, đường Lê Duẩn, khu chợ tạm Kim Liên. Xa hơn là công trình Tổ hợp nhà ở đa năng 28 tầng Làng quốc tế Thăng Long, Tổ hợp 65 tầng Hà Nội City Complex, dự án Hà Nội Landmark của Tập đoàn Keangnam... Dù có công trường đã cố gắng thực hiện đúng quy định chống bụi nhưng vẫn gây bụi cho những khu dân cư xung quanh. Xe cộ ra vào công trường mang theo đất, cát rải đi khắp nơi.

Đêm 27-6, dọc 2 bên đường Kim Mã đầy những đống đất, cát, sỏi, vật liệu xây dựng của nhà dân cũng như của dự án hạ ngầm đường dây đi nổi. Công trường phơi giữa vỉa hè, sát nhà dân, sát đường lớn, không che chắn như thế nếu không gây bụi mới là lạ! Ở những công trường lớn hơn như khu vực thi công cầu Vĩnh Tuy, dự án mở rộng đường Láng - Hòa Lạc, nút giao thông Kim Liên… bụi lại càng không thiếu. Xe vận tải lớn không che chắn, qua lại khiến bụi bốc cao, hội tụ thành những vầng lớn lan tỏa mọi nơi.

Chúng tôi chạy một vòng qua những điểm nóng thường xuyên bị đổ phế thải trộm. Mới gần 22 giờ mà ngay trước cửa số nhà 244 đường Bưởi lù lù một đống gạch vụn dài 20m, ước khoảng 60m3 đổ trượt từ trên đường Bưởi xuống đường ven sông Tô Lịch. Vì nằm ở địa thế oái oăm, máy xúc không thể đi lên vỉa hè được nên sáng hôm sau công nhân Xí nghiệp Môi trường đô thị số 1 sẽ lại phải thu dọn bằng sức người. TP cũng đã tìm mọi cách chống lại tình trạng đổ trộm phế thải như tuần tra, phạt nặng các vi phạm, tổ chức các điểm tập kết đất thải, phế thải xây dựng tạm thời trên đường Chùa Láng, trong làng Nhân Chính, đường Lê Trọng Tấn giáp với sông Lừ, làng Hào Nam, dốc Tập Lái… Nhưng những người được thuê đổ đất thải, phế thải xây dựng vẫn luôn rình rập những nơi vắng vẻ để đổ trộm. Điển hình là điểm tập kết tạm thời số 1 (cạnh Chùa Láng), điểm đổ trộm gần công trường thi công mương thoát nước Hào Nam, khu vực gần chân cầu Vĩnh Tuy…

Lơi lỏng trong kiểm tra, xử lý

Trong khi Hà Nội đang nỗ lực chống bụi thì nhiều đơn vị thi công lại không thực hiện nghiêm những quy định về chống bụi. Một thực tế là việc giải quyết phế thải từ các công trình xây dựng còn rất kém. Nhiều công trình xây dựng nhà cao tầng không có rào chắn, nếu có cũng không kín. Nhiều công trường không thực hiện nghiêm việc rửa đường, rửa xe, xe chở vật liệu xây dựng, phế thải rơi vãi gây bụi bẩn xung quanh.

22 giờ 30 phút, ngày 27-6, chị Trần Thị Ngọc Liên (45 tuổi), tổ trưởng tổ xe số 4 thuộc Xí nghiệp MTĐT số 4, đang trực ca tại điểm tập kết đất thải, phế thải xây dựng tạm thời số 1 (cạnh Chùa Láng). Đã có 25 năm chuyên thu gom, vận chuyển đất, chị Liên cho biết, khi chưa có bãi tập kết tạm thời, tổ của chị phải làm cả ngày lẫn đêm mới có thể dọn hết đất đổ trộm. Điểm tập kết số 1 mỗi tối có khoảng 30 chuyến xe vận chuyển 150m3 đất thải. Có tháng, điểm tập kết chỉ rộng 260m2 này phải tiếp nhận và vận chuyển hơn 3.000m3 đất thải, phế thải xây dựng.

Trong khi công nhân Công ty MTĐT vẫn đang phải thu gom, vận chuyển rác thì trên những tuyến đường bụi đang tác oai tác quái lại không thấy bóng dáng của thanh tra giao thông - vận tải (GT-VT). Trước đây, cứ mỗi đợt "ra quân", vào "chiến dịch", thanh tra GT-VT cùng lực lượng liên ngành thường phải "gồng mình" để trực ngày lẫn đêm, kiểm tra, xử phạt các phương tiện và những công trình xây dựng gây bụi. Nỗ lực như thế, xử phạt khá mạnh tay nhưng ý thức của người điều khiển phương tiện, chủ xe và chủ công trình xây dựng trong việc tuân thủ những quy định vẫn chưa chuyển biến là bao.

Ngày 15-6 vừa qua, Hà Nội lại một lần nữa "tuyên chiến với bụi" nhưng chỉ rầm rộ được vài ngày đầu. Ông Trần Đăng Hải, Phó chánh Thanh tra Sở GT-VT cho biết, hơn một tháng qua, lực lượng thanh tra GT-VT đã xử lý khoảng 160 phương tiện chở vật liệu, đất phế thải gây rơi vãi ra đường, 55 điểm tập kết VLXD. Có lẽ những con số về vi phạm bị xử lý cho thấy còn rất khiêm tốn so với thực trạng.

Sự lơi lỏng kiểm tra, xử lý phương tiện gây bụi còn là do sự phân công chưa rõ ràng chức năng nhiệm vụ của thanh tra GT-VT và thanh tra xây dựng. Ông Thạch Như Sỹ, Chánh Thanh tra Sở GT-VT cho biết, theo phân công mới thì phần việc chống bụi giờ đã hoàn toàn chuyển sang bên thanh tra xây dựng. Trong khi đó, ông Trần Viết Ngôn, Phó chánh Thanh tra Xây dựng lại khẳng định, thanh tra xây dựng chỉ có quyền kiểm tra, xử phạt những công trình đang xây dựng, còn xe chở vật liệu rơi vãi gây bụi thì lại không có thẩm quyền dừng xe để kiểm tra, xử phạt.

Rõ ràng, đang có sự lẫn lộn giữa cái cũ và cái mới trong quá trình chuyển giao. Ngay cả cơ quan chức năng còn chưa phân định rõ là mình phải làm gì, được làm gì và không được làm gì, thì việc chống bụi chưa đạt kết quả như mong đợi cũng là điều dễ hiểu.

Đức Trường-HaNoiMoi

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất