Các trạm y tế của Hà Nội sẽ tổ chức tiêm chủng hằng tuần, thay vì hằng tháng như trước đây.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức
Hạnh cho biết, việc tổ chức tiêm chủng 30 ngày/lần như trước đây có
nhiều bất cập: Trẻ bị ốm, hay có việc đột xuất không đi tiêm được phải
chờ cả tháng mới được tiêm lại. Chưa kể, có trẻ đã đợi đến gần ngày tiêm
thì lại bị ốm, nên thời gian chờ tiêm tiếp tục kéo dài. Vì thế, Hà Nội
quyết định tổ chức tiêm chủng 7 ngày/lần tại trạm y tế xã.
Theo lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội, việc tổ
chức tiêm hằng tuần sẽ tốn kém về kinh phí hơn, nhưng ngành y tế Thủ đô
vẫn quyết định thực hiện với mục đích để trẻ em được tiếp cận vaccine
nhiều hơn, tăng tỷ lệ tiêm chủng, tăng cường miễn dịch cộng đồng.
Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế)
Trần Đắc Phu đánh giá cao việc tổ chức tiêm chủng theo tuần của Hà Nội.
Việc này sẽ giúp tăng cường tiếp cận vaccine, vì với tiêm vaccine không
chỉ cần đủ mũi mà còn cần phải đúng lịch mới sinh kháng thể tối ưu bảo
vệ trẻ.
Ông Trần Đắc Phu cũng khuyến cáo người
dân đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch, đủ số mũi các vaccine trong Chương
trình tiêm chủng mở rộng. Ngoài ra, có thể tiêm thêm vaccine phòng các
bệnh dễ lây lan như thủy đậu, rotavirus...
Năm 2017, Hà Nội ghi nhận 83 trường hợp
mắc sởi, 1 tử vong. Kết quả điều tra cho thấy: 71/83 trường hợp (chiếm
85,5%) chưa được tiêm vaccine phòng bệnh sởi (trong đó 23/83 trường hợp
chưa đến tuổi tiêm), 22/83 trẻ ốm trước ngày tiêm (chiếm 26,5%), 5/83
trẻ có bệnh bẩm sinh (chiếm 6%).
Hà Nội cũng ghi nhận 125 trường hợp mắc
ho gà, 1 tử vong. Trong số 125 trường hợp mắc ho gà có 114 trường hợp
(chiếm 91,2%) chưa được tiêm chủng đầy đủ 3 mũi vaccine phòng bệnh,
trong đó 46 trường hợp là trẻ dưới 2 tháng tuổi chưa đến tuổi tiêm chủng
(chiếm 37,8%).
Đến nay, Hà Nội đã thực hiện tiêm chủng
đầy đủ 8 loại vaccine cho 128.038/130.788 trẻ, đạt 97,9%. Tiêm đầy đủ
vaccine phòng uốn ván cho 132.153/133.502 phụ nữ có thai, đạt 99%. Hiện
nay, 99,2% trẻ từ 9 tháng đến dưới 5 tuổi đã được tiêm sởi mũi 1 và
98,4% trẻ từ 18 tháng đến dưới 5 tuổi đã được tiêm sởi mũi 2 theo quy
định.
Đặc biệt, 100% các trạm y tế xã, phường,
thị trấn của Hà Nội đã áp dụng hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng
quốc gia trong việc quản lý đối tượng và tiền sử tiêm chủng.
Bộ Y tế vừa quy định danh mục bệnh truyền nhiễm và đối tượng phải sử dụng vaccine bắt buộc từ ngày 1/1/2018.
Cụ thể, các bệnh truyền
nhiễm và vaccine thực hiện tiêm bắt buộc trong Chương trình tiêm chủng
mở rộng, áp dụng cho trẻ từ sơ sinh đến 5 tuổi, gồm 10 bệnh: Viêm gan
virus B, bệnh lao, bệnh bạch hầu, bệnh ho gà, bệnh uốn ván, bệnh bại
liệt, bệnh do vi khuẩn Haemophilus influenzae týp B, bệnh sởi, viêm não
Nhật bản B và rubella.
Trong số 10 vaccine trên, có
2 vaccine được chỉ định tiêm bắt buộc cho trẻ sơ sinh là vaccine viêm
gan virus B (tiêm trong vòng 24 giờ đầu sau sinh) và vaccine lao (tiêm 1
lần cho trẻ trong vòng 1 tháng đầu sau sinh).
Tất cả các trẻ tiêm 10 vaccine này đều được miễn phí.
|
Theo chinhphu.vn