(TG)-Bệnh nhân sốt xuất huyết chủ yếu là người
lớn tuổi, trẻ em dưới 15 tuổi chỉ chiếm 13%. Bệnh nhân tập trung chủ yếu
ở các quận huyện như Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Hà Đông, Thanh Trì.
Theo Sở Y tế Hà Nội, trong 7 tháng qua, trên địa bàn thành phố đã có gần 700 trường hợp mắc sốt xuất huyết, không có trường hợp nào tử vong. Mặc dù số ca sốt xuất huyết chỉ bằng 39% so với cùng kỳ năm có dịch (2009) nhưng tăng so với cùng kỳ năm 2014. Theo Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm, qua theo dõi tình hình dịch sốt xuất huyết nhiều năm tại Hà Nội, dự báo năm nay Hà Nội bước vào chu kỳ dịch nên tình hình sốt xuất huyết trên địa bàn vẫn có thể tiếp tục gia tăng.
Cũng giống như những năm trước, số người mắc sốt xuất huyết tăng vào mùa mưa, thời tiết nóng ẩm, thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển và làm lây lan dịch bệnh. Bệnh nhân sốt xuất huyết chủ yếu là người lớn tuổi, trẻ em dưới 15 tuổi chỉ chiếm 13%. Bệnh nhân tập trung chủ yếu ở các quận huyện như Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Hà Đông, Thanh Trì.
Để ứng phó với nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết, ngành y tế Hà Nội đã kịp thời tham mưu cho UBND thành phố và các cấp triển khai quyết liệt các biện pháp chống dịch bệnh; tuyên truyền cho người dân về bệnh sốt xuất huyết và các biện phòng chống bằng nhiều hình thức; giám sát phát hiện kịp thời các ca bệnh hoặc người nghi mắc bệnh tại các cơ sở y tế và tại cộng đồng; tổ chức chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy tại hộ gia đình; phun hoá chất diệt muỗi trưởng thành diện rộng nhằm khống chế không để dịch bùng phát và lây lan...
Dịch sốt xuất huyết đang vào mùa và tăng mạnh, để chủ động phòng bệnh sốt xuất huyết cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, ngành Y tế khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh. Cụ thể là đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước có thể chứa loăng quăng/bọ gậy như: bể nước ăn, giếng nước, chum, vại, thùng phuy, bể nước nhà vệ sinh, thùng, xô, chậu, các dụng cụ khác như chai, lọ,… để muỗi không vào đẻ trứng; hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng, bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ; thay nước bình hoa; bỏ muối, dầu hoặc hóa chất diệt lăng quăng, bọ gậy vào bát nước kê chân chạn, các ổ nước đọng. Ngành Y tế cũng khuyến cáo người dân hàng tuần loại bỏ, lật úp các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng; thực hiện ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày; tích cực phối hợp với ngành Y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch. Khi bị sốt, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà để tránh tử vong./.
TG