Thứ Bảy, 30/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Bảy, 2/12/2017 16:50'(GMT+7)

Hà Nội: Tuyên dương người có uy tín, trưởng thôn, người dân tộc thiểu số năm 2017

Đến dự có Đại tướng Đỗ Bá Tỵ, Phó Chủ tịch Quốc hội; Phó Trưởng Ban thường trực Ban Dân vận Trung ương Thào Xuân Sùng cùng lãnh đạo các bộ, ngành và thành phố Hà Nội. 

Năm 2017, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội tặng Bằng khen cho 42 người, trong đó 14 người có uy tín, 14 trưởng thôn và 14 người dân tộc thiểu số tiêu biểu, xuất sắc đại diện cho 14 xã vùng dân tộc thiểu số. Ban Dân tộc thành phố Hà Nội tặng Giấy khen cho 40 người có uy tín có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ. 

Những người có uy tín, trưởng thôn, người dân tộc thiểu số Thủ đô Hà Nội được tuyên dương đều có nhiều đóng góp tích cực trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ an ninh trật tự tại địa phương vùng dân tộc thiểu số và miền núi Thủ đô. Bằng uy tín của mình, họ đã tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng nông thôn mới, sản xuất kinh doanh, xóa đói giảm nghèo, vận động đồng bào dân tộc xóa bỏ tập tục mê tín dị đoan, không theo đạo trái quy định, hiến đất, đấu tranh phòng chống tội phạm và các tệ nạn xã hội. 

Phát biểu tại đây, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ biểu dương những thành tích Thủ đô đã đạt được trong công tác phát triển kinh tế - xã hội, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; chúc mừng những người có uy tín, trưởng thôn, người dân tộc thiểu số và các đại biểu được tuyên dương. Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định, trong thành quả phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô có sự đóng góp không nhỏ của người có uy tín, trưởng thôn, người dân tộc thiểu số. Đây chính là “cánh tay nối dài”, là cầu nối của chính quyền các cấp, đặc biệt là chính quyền cấp cơ sở trong việc thực hiện tuyên truyền, vận động người thân và cộng đồng tích cực thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, xóa đói, giảm nghèo. 

 Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị thành phố Hà Nội tiếp tục quán triệt và triển khai đồng bộ các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, công tác đối với đồng bào dân tộc thiểu số; Thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc của Trung ương, đồng thời bám sát đặc thù, phát huy kinh nghiệm của thành phố, hỗ trợ phát triển sản xuất để đồng bào tự vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. 

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, thời gian tới thành phố sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất, bổ sung các chính sách để cải thiện đời sống tinh thần, vật chất của đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt quan tâm thực hiện các chế độ chính sách, khen thưởng kịp thời nhằm động viên người dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. 

Hiện trên địa bàn Hà Nội, đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống ở tất cả 30/30 quận, huyện, thị xã với trên 92.000 người thuộc 50 thành phần dân tộc, chiếm 1,2% dân số toàn thành phố, trong đó chủ yếu là dân tộc Mường, Tày, Dao và một số dân tộc thiểu số khác. 

Trong nhiều năm gần đây, các chính sách dân tộc của thành phố Hà Nội đã được cả hệ thống chính trị từ Thành phố đến cơ sở thực hiện, tạo nên bước chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội, từng bước làm thay đổi diện mạo nông thôn miền núi, cải thiện và nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số của Thủ đô. Tốc độ phát triển kinh tế - xã hội các xã vùng dân tộc thiểu số bình quân hàng năm đạt trên 12%, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 25 triệu đồng/năm, có xã đạt 35 triệu đồng/người/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; 100% số xã có đường ô tô đến trụ sở UBND xã, trên 60% đường trục thôn được bê tông hóa… 

Tỷ lệ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số miền núi đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” hàng năm ngày càng tăng. Đến nay có 97/154 (63%) thôn đạt danh hiệu “Làng văn hóa” và gần 84% gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”. Công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc ngày càng được chú trọng. Các lĩnh vực khác như giáo dục - đào tạo, y tế, đào tạo nghề, giải quyết việc làm luôn được các cấp, các ngành thành phố Hà Nội quan tâm, đầu tư, tạo điều kiện, đảm bảo nhu cầu đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn Thủ đô./. 

Nguyễn Cúc - Mai Linh/TTXVN 

 
Phản hồi

Các tin khác

Thủ tướng chỉ đạo việc xử lý hàng hải sản tồn đọng tại 4 tỉnh bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển

Thủ tướng chỉ đạo việc xử lý hàng hải sản tồn đọng tại 4 tỉnh bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển Hà Nội (TTXVN 30/11) Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa có ý kiến chỉ đạo về việc xử lý hàng hải sản tồn đọng và các đối tượng tồn đọng khác tại địa bàn 4 tỉnh bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển. Để hoàn thành dứt điểm việc bồi thường, hỗ trợ các đối tượng bị thiệt hại do ảnh hưởng của sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các Quyết định số 1880/QĐ-TTg ngày 29/9/2016, Quyết định số 309/QĐ-TTg ngày 09/03/2017 về ban hành định mức bồi thường thiệt hại cho các đối tượng tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế bị thiệt hại do sự cố môi trường biển. Trên cơ sở báo cáo của UBND 4 tỉnh, kiến nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về báo cáo số liệu hàng hải sản tồn đọng và các đối tượng tồn đọng khác theo Thông báo số 506/TB-VPCP, ý kiến thống nhất của lãnh đạo các Bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Y tế và Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đồng ý hỗ trợ chủ cơ sở có hàng hải sản tồn đọng và các đối tượng tồn đọng khác tại địa bàn 4 tỉnh bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển. Cụ thể, mức hỗ trợ đối với sản phẩm sứa, hỗ trợ 100% giá trị lô hàng; đối với hàng hải sản tồn đọng khác, hỗ trợ 30% giá trị lô hàng. Khối lượng hàng hải sản tồn đọng của 4 tỉnh tối đa là 5.453,8 tấn với tổng kinh phí tối đa là 242,6 tỷ đồng. Cụ thể như sau: Tỉnh Hà Tĩnh 2.708,6 tấn, kinh phí hỗ trợ 150,2 tỷ đồng; tỉnh Quảng Bình 1.101,1 tấn, kinh phí hỗ trợ 48,5 tỷ đồng; tỉnh Quảng Trị 1.501,0 tấn, kinh phí hỗ trợ 42,7 tỷ đồng; tỉnh Thừa Thiên - Huế 143,1 tấn, kinh phí hỗ trợ 1,2 tỷ đồng. Hàng hải sản tồn đọng được hỗ trợ phải được kiểm tra và xác nhận là có thật trong kho đến thời điểm cơ quan có thẩm quyền kiểm kê kho hàng (có biên bản kiểm kê của cơ quan có thẩm quyền); có hóa đơn, chứng từ hoặc bằng chứng xác thực khác chứng minh được thu mua trên địa bàn trong giai đoạn xảy ra sự cố môi trường biển, không tiêu thụ được, hoặc trường hợp không có hóa đơn, chứng từ hay bằng chứng chứng minh nêu trên thì phải có xác nhận của đại diện cộng đồng dân cư khu vực (lưu ý đại diện cộng đồng dân cư khu vực ít nhất phải gồm có đại diện các thành phần: Mặt trận Tổ quốc, Chi bộ, Tổ dân phố, các đoàn thể như phụ nữ, cựu chiến binh….) để làm căn cứ hỗ trợ. Đối với các đối tượng tồn đọng khác: Tổng mức kinh phí hỗ trợ tối đa là 341,3 tỷ đồng, cụ thể: tỉnh Hà Tĩnh 121,8 tỷ đồng (hỗ trợ 4.244 lao động vùng cửa sông, ven cửa sông, 2.954 chủ và người lao động tại các cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá); tỉnh Quảng Bình 214,4 tỷ đồng (hỗ trợ 15.022 lao động thu mua, sơ chế, chế biến thủy sản; dịch vụ hậu cần nghề cá, thu mua tạm trữ thủy sản; người lao động thường xuyên thuộc địa bàn các xã/phường/thị trấn ven cửa sông); tỉnh Quảng Trị 0,32 tỷ đồng (hỗ trợ Trung tâm giống thủy sản bị thiệt hại 3,6 triệu con giống); tỉnh Thừa Thiên - Huế 4,73 tỷ đồng (lưu ý không hỗ trợ đối tượng là chủ và người lao động trong các cửa hàng ăn uống ở trong các khu nghỉ dưỡng, khách sạn ven biển và bán quán, dịch vụ khách du lịch ven quốc lộ 1 ở thị trấn Lăng Cô). Định mức hỗ trợ: Áp dụng định mức chi trả, hỗ trợ các đối tượng đã được quy định tại Quyết định số 1880/QĐ-TTg ngày 29/9/2016 và Quyết định số 309/QĐ-TTg ngày 09/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Trình tự, thủ tục hỗ trợ thực hiện theo quy định tại Quyết định số 12/QĐ-TTg ngày 06/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND 4 tỉnh thực hiện đúng ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 506/TB-VPCP ngày 30/10/2017, bảo đảm xử lý chặt chẽ, không có khiếu kiện, khiếu nại. Trường hợp tỉnh nào phát sinh thêm số lượng, tỉnh đó có trách nhiệm thu xếp kinh phí của tỉnh chi trả. Thủ tướng Chính phủ giao Chủ tịch UBND các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện hỗ trợ theo đúng nội dung quy định, quyết định chi trả tiền hỗ trợ cho từng trường hợp cụ thể theo đúng quy định, đúng tiêu chí, đúng đối tượng, đảm bảo công tác chi trả phải công khai, minh bạch; chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật, trước Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện. Báo cáo kết quả thực hiện về Thường trực Ban Chỉ đạo (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Trên cơ sở thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 408/TB-VPCP ngày 1/9/2017 về việc chuyển kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ đóng mới tàu cá đã được giao tại Quyết định số 12/QĐ-TTg sang thực hiện các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng dịch vụ hậu cần nghề cá (tập trung vào cảng cá, bến cá), đồng ý phân bổ cho mỗi địa phương 400 tỷ đồng để đầu tư cơ sở hạ tầng dịch vụ hậu cần nghề cá. Thủ tướng Chính phủ giao Chủ tịch UBND 4 tỉnh chủ động đề xuất các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng dịch vụ hậu cần nghề cá tại địa phương, đảm bảo hiệu quả gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để xem xét, tổng hợp, cân đối trên cơ sở đảm bảo phù hợp với phương án phân bổ kinh phí đã được phê duyệt và nhu cầu của địa phương, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc thực hiện việc hỗ trợ theo quy định./. Lưu ra file

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất