Ngày 3/7, tại thành phố Vác-xa-va, Viện Khoa học và Văn hóa Việt Nam thuộc Trường Đại học Almamel (Ba Lan) đã tổ chức Hội thảo quốc tế về Biển Đông với chủ đề “Chủ quyền trên các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa”.
Tại hội thảo, các học giả cho rằng, các tranh chấp về chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa bắt đầu diễn ra kể từ thời Pháp thuộc, nhưng việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam cùng sự yểm trợ của đông đảo tàu cá, tàu hải cảnh và tàu quân sự là thực sự đáng lo ngại, có thể đưa đến xung đột đang tiềm ẩn trong khu vực.
Tại hội thảo, ông Pi-ốt Ga-di-nốp-xki (Piotr Gadzinowski), cựu nghị sĩ Ba Lan nhận định, “đây không phải chỉ là mâu thuẫn giữa Trung Quốc và Việt Nam, mà còn là mâu thuẫn của Trung Quốc với các nước còn lại trong khu vực như: Phi-líp-pin, Ma-lai-xi-a, Bru-nây, thậm chí cả In-àö-nê-xi-a mới đây cũng tuyên bố chống lại chính sách của Trung Quốc”.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, sau khi đạt được vị thế về kinh tế, Trung Quốc đang tìm cách thay đổi trật tự quốc tế cũ mà nước này đánh giá là không công bằng. Hành động đưa giàn khoan Hải Dương 981 cùng một số giàn khoan khác tới Biển Đông là vấn đề chưa từng có tiền lệ trong lịch sử quốc tế và cũng chưa có luật pháp quốc tế để áp chế Trung Quốc. Tuy vậy, việc khởi kiện Trung Quốc là cần thiết nhưng cũng cần tính toán kỹ. “Thực tế từ trước đến nay và kinh nghiệm của Phi-líp-pin chỉ ra rằng, Trung Quốc sẽ không chấp nhận phán quyết của tòa án”, ông Pi-ốt Ga-di-nốp-xki phân tích.
Dư luận quốc tế tiếp tục lên tiếng phản đối hành động hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc trong vùng biển của Việt Nam.
Trong buổi tiếp đoàn đại biểu cấp cao Bộ Công an Việt Nam do Đại tướng Trần Đại Quang, ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an dẫn đầu nhân chuyến thăm và làm việc tại Đức ngày 3-7, Cố vấn Thủ tướng Đức, Điều phối viên Guyn-tơ Hai-xơ (Gunter Heiss) đã bày tỏ sự thông cảm, chia sẻ sâu sắc và đồng tình với chủ trương, giải pháp của Việt Nam giải quyết vấn đề Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Trước đó, tại cuộc hội đàm, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang đã thông báo với Cố vấn Thủ tướng, Điều phối viên Guyn-tơ Hai-xơ về tình hình liên quan tới việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam; cũng như quan điểm của Việt Nam trong việc giải quyết vấn đề Biển Đông.
Bộ trưởng Trần Đại Quang cảm ơn Chính phủ và nhân dân Đức đã ủng hộ, chia sẻ với Chính phủ và nhân dân Việt Nam trong việc giải quyết vấn đề Biển Đông; đề nghị Chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức có tiếng nói mạnh mẽ hơn ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam cũng như yêu cầu Trung Quốc chấm dứt những hành động xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam.
Trong khi đó, việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển của Việt Nam được nhiều học giả quốc tế nhận định đây là một bước đi nhằm hiện thực hóa yêu sách chủ quyền “đường lưỡi bò” và nằm trong một chiến lược tổng thể của Trung Quốc muốn vươn lên là một cường quốc Biển ở châu á-Thái Bình Dương. ông G. Pôn-linh (Gregory Pooling) thuộc Trung tâm nghiên cứu Đông Nam á - Viện nghiên cứu chính sách chiến lược quốc tế Mỹ (ISIS) cho rằng, Chính phủ Trung Quốc không chỉ chủ trương yêu sách toàn bộ vùng biển trong “đường lưỡi bò” mà họ còn muốn thôn tính nguồn lợi về ngư nghiệp và dầu mỏ trong đó. Rõ ràng điều này đi ngược lại luật pháp quốc tế. “Tuyên bố chủ quyền đường 9 đoạn của Trung Quốc là phi lý, vô nghĩa và nhập nhằng”, Tiến sĩ I-xắc Các-đơn (Issac Kardon), chuyên gia Luật quốc tế, Đại học Cornell (Mỹ) khẳng định./.
Phương Linh (QĐND)