Chủ Nhật, 24/11/2024
Diễn đàn
Thứ Sáu, 11/7/2014 11:4'(GMT+7)

Hành động của Trung Quốc gây nguy hiểm cho hòa bình trên Biển Đông

Giàn khoan Hải dương 981 và tàu của Trung Quốc trên vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam.

Giàn khoan Hải dương 981 và tàu của Trung Quốc trên vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam.

Vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế

Ngày 10/7, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP Hồ Chí Minh (HUFO) đã tổ chức chương trình “Đồng lòng, chung sức hướng về biển, đảo” và ra Tuyên bố phản đối hành động sai trái của Trung Quốc ở Biển Đông.

Tuyên bố của HUFO khẳng định: Việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 với sự yểm trợ của nhiều tàu hộ tống, trong đó có cả tàu quân sự, máy bay, vào vùng biển Việt Nam là hành vi vi phạm nghiêm trọng đến chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa trên Biển Đông; vi phạm luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, đi ngược lại tinh thần Tuyên bố về ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc là một bên ký kết với ASEAN; vi phạm Thỏa thuận Cấp cao Việt Nam-Trung Quốc về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển, đe dọa nghiêm trọng hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông; gây tổn hại nghiêm trọng đối với quan hệ Việt-Trung. 


HUFO cương quyết yêu cầu Trung Quốc phải chấm dứt ngay những hành vi vi phạm, rút ngay vô điều kiện giàn khoan Hải Dương 981 cùng các loại tàu của Trung Quốc ra khỏi vùng biển của Việt Nam, tôn trọng luật pháp quốc tế và tiến hành tham gia đàm phán với Việt Nam để giải quyết bằng hòa bình. 


Cũng theo tuyên bố, Trung Quốc lại tiếp tục có kế hoạch triển khai các giàn khoan khác trong khu vực Hoàng Sa của Việt Nam, xây dựng trái phép tại các bãi đá, các đảo bị chiếm đóng trái phép tại Trường Sa. Hành động này của phía Trung Quốc đã bị các tổ chức quốc tế, các lực lượng yêu chuộng hòa bình phản đối. Nhiều chính phủ nước ngoài bày tỏ quan ngại và lên tiếng phản đối hành vi khiêu khích nguy hiểm của Trung Quốc.


HUFO cũng bày tỏ cảm ơn các cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế và các nước trên thế giới trong những ngày qua đã và đang lên án mạnh mẽ những hoạt động vi phạm chủ quyền Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc và biểu thị sự đồng tình, ủng hộ chính nghĩa của Việt Nam.

Việt Nam luôn sử dụng các biện pháp hòa bình để giải quyết bất đồng


Trong khi đó, mạng tin Finanzen.net, một trong những cổng thông tin tài chính lớn nhất của Đức, ngày 9/7 đã có bài báo nói về Hội thảo quốc tế "Hoàng Sa-Trường Sa: Sự thật lịch sử", diễn ra tại Đà Nẵng từ ngày 19 đến 21/6 vừa qua. Mạng tin này cho biết, hơn 100 chuyên gia, các nhà khoa học và nhà báo đến từ Mỹ, Đức, Nga, Pháp, Bỉ, Nhật Bản, I-ta-li-a, Ấn Độ, Hàn Quốc, Ô-xtrây-li-a và Phi-líp-pin, cùng các nhà khoa học Việt Nam đã thảo luận về những chứng cứ lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Theo bài báo, hành động của Trung Quốc khi hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 đã làm leo thang căng thẳng liên quan đến chủ quyền lãnh thổ giữa hai nước, đồng thời khẳng định với hành động này, Trung Quốc đã phớt lờ Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển mà Việt Nam và Trung Quốc ký năm 2011.

Bài báo cho rằng, trước hành động của Trung Quốc, Việt Nam có thể viện tới Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 để giải quyết vấn đề hiện nay. Tác giả bài báo dẫn lời Giáo sư Can Thay-ơ (Carlyle Thayer) khẳng định, việc làm của Trung Quốc là hành động khiêu khích, bất hợp pháp và gây nguy hiểm cho hòa bình trên Biển Đông. Ông Can Thay-ơ cũng nêu rõ: Trung Quốc không thể tự tiện đưa giàn khoan vào khai thác dầu mà không được Việt Nam cho phép bởi khu vực đó rõ ràng thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Ngoài ra, bài báo cũng dẫn tham luận của các nhà khoa học quốc tế như: Đa-ni-en Sáp-phơ (Daniel Schaeffer), Đmi-tơ-ri Mô-xi-a-cốp (Dmitry Mosyakov) và Giê-rôm Câu-hen (Jerome Cohen) về những chứng cứ pháp lý, lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với cả hai quần đảo nêu trên. Giáo sư Giê-rôm Câu-hen khẳng định cho tới nay, Việt Nam đã luôn nỗ lực hết sức sử dụng các biện pháp hòa bình để giải quyết những bất đồng trên Biển Đông./.

(Theo: QĐND)



Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất