Việc sử dụng Tổng đài giải đáp tự động dịch vụ công thể hiện quyết tâm của tỉnh Hậu Giang trong tạo bước đột phá trong cải cách hành chính; xây dựng chính quyền điện tử.
Ngày 8/4, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang tổ chức Lễ công bố thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công và Tổng đài giải đáp tự động dịch vụ công tỉnh.
Theo ông Nguyễn Trường Giang - Giám đốc Viettel Hậu Giang, đây là tỉnh đầu tiên trên toàn quốc đưa ứng dụng Công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) vào phục vụ người dân và doanh nghiệp thông qua Tổng đài giải đáp tự động dịch vụ công trên đầu số 1900 86 68 95.
Tổng đài trả lời tự động dịch vụ công sẽ là kênh thông tin hữu ích để cung cấp, giải đáp cho người dân, doanh nghiệp các thông tin cần thiết trước khi thực hiện dịch vụ công như trình tự thực hiện, hồ sơ giấy tờ thiết yếu kèm theo, địa điểm tiếp nhận trả kết quả, phí, lệ phí, thời gian xử lý… giúp tiết kiệm chi phí, thời gian đi lại cho người dân, doanh nghiệp.
“Tổng đài giải đáp tự động dịch vụ công qua số 1900 86 68 95 hoạt động hoàn toàn tự động 24/24 giờ, không cần đến con người vận hành, đáp ứng đồng thời 6.000 cuộc gọi cùng một thời điểm. Người dân có thể gọi điện lên Tổng đài để tìm hiểu các thông tin liên quan dịch vụ công bất kể thời điểm nào và ở bất cứ đâu, chỉ cần điện thoại có chức năng nghe gọi” - ông Nguyễn Trường Giang cho biết thêm.
Phát biểu tại lễ công bố, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh cho biết, việc thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công và Tổng đài giải đáp tự động dịch vụ công thể hiện quyết tâm chính trị cao của lãnh đạo tỉnh trong việc tạo bước đột phá trong cải cách hành chính; tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư, góp phần phát triển kinh tế-xã hội và xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số của tỉnh.
Việc vận hành hiệu quả Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh và Tổng đài giải đáp tự động dịch vụ công tỉnh Hậu Giang - 1900 86 68 95 góp phần giải quyết thủ tục hành chính một cách nhanh nhất, phục vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp, hướng tới xây dựng nền hành chính phục vụ chuyên nghiệp, hiện đại; là địa chỉ tin cậy trong công tác giải quyết các thủ tục hành chính được các tổ chức, doanh nghiệp và người dân đánh giá cao.
Thời gian tới, Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang, tập thể lãnh đạo, công chức, viên chức của Trung tâm phục vụ hành chính công cần phấn đấu nỗ lực, thực hiện tốt nhiệm vụ, đảm bảo môi trường làm việc tại Trung tâm thân thiện, minh bạch, năng động, đúng với phương châm, mục tiêu hoạt động đã đề ra.
Từng công chức, viên chức của Trung tâm phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, tích cực nghiên cứu, học tập, rèn luyện để nâng cao năng lực, chuyên môn nghiệp vụ; làm tốt nhiệm vụ hướng dẫn, giúp đỡ người dân và doanh nghiệp khi đến giao dịch tại Trung tâm phục vụ hành chính công.
Các sở, ngành triển khai số hóa hồ sơ, giấy tờ và kết quả giải quyết cho tất cả thủ tục hành chính được cung cấp tại Trung tâm; tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, đơn giản hóa quy trình khi số hóa, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; cung cấp kết quả điện tử thay dần cho kết quả giấy.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh nhấn mạnh ưu tiên giải quyết các thủ tục hành chính theo nguyên tắc “5 tại chỗ”, tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, đóng dấu và trả kết quả ngay tại Trung tâm. Tất cả các thủ tục hành chính cấp tỉnh, kể cả thuộc các cơ quan ngành dọc, phải được giải quyết tại Trung tâm.
Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, tập huấn cho người dân để tham gia sử dụng dịch vụ công mức độ 3 và 4; tuyên truyền cho người dân biết và hỏi đáp dịch vụ công qua Tổng đài giải đáp tự động, số điện thoại 1900 86 68 95.
Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Hậu Giang được thành lập tháng 8/2020 theo Nghị định 61 của Chính phủ, trên cơ sở kiện toàn Trung tâm hành chính công tỉnh (được thành lập năm 2017).
Sau hơn 6 tháng thành lập, đến nay Trung tâm phục vụ hành chính công giải quyết 26 thủ tục hành chính theo nguyên tắc “4 tại chỗ”(tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt và trả kết quả) và 233 thủ tục hành chính theo nguyên tắc “5 tại chỗ” (tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, đóng dấu và trả kết quả); đạt 259/1300, bằng 20%. Số hồ sơ thực hiện đúng theo nguyên tắc “4 tại chỗ” và “5 tại chỗ” là 10.485, đạt 97% trên tổng số hồ sơ của các thủ tục hành chính đã đăng ký.
Hầu hết các sở, ngành đều thực hiện tốt, trong đó Công an tỉnh là đơn vị có số hồ sơ nhiều nhất được thực hiện theo nguyên tắc “5 tại chỗ” với hơn 8.400 hồ sơ.
Số dịch vụ công trực tuyến mức 3,4 được cung cấp tại trung tâm là 436, đạt 34%. Số hồ sơ trực tuyến là 6.959, trung bình đạt 45%; Sở Công Thương có số hồ sơ trực tuyến nhiều nhất với hơn 4.100 hồ sơ.
Trung tâm còn được trang bị máy lấy số, máy tính, máy quét tài liệu cho người dân nộp trực tuyến, màn hình hiển thị tại các quầy, kiốt tra cứu thủ tục hành chính, máy tính bảng đánh giá hài lòng tại các quầy và màn hình hiển thị kết quả đánh giá mức độ hài lòng./.
Duy Ba (TTXVN/Vietnam+)