(TG)-Công tác quản lý nhà nước về khoa học, công nghệ đã hướng vào mục tiêu đổi mới, nâng cao chất lượng nghiên cứu trong những ngành, lĩnh vực quan trọng. Trong điều kiện khó khăn nhưng Nhà nước vẫn dành đầu tư thích đáng cho khoa học công nghệ từ nguồn ngân sách.
Trong giai đoạn 2005-2015, thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển khoa học và công nghệ, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thúc đẩy phát triển khoa học và công nghệ đã được đổi mới và không ngừng hoàn thiện.
Đặc biệt Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định: "Phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu; khoa học và công nghệ giữ vai trò then chốt trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước."
Theo Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), các lĩnh vực quản lý nhà nước về KH&CN cơ bản đã được điều chỉnh bằng luật. Hệ thống văn bản hướng dẫn triển khai cũng đã được các cấp, các ngành ban hành tương đối đầy đủ. Chính sách, pháp luật về phát triển KH&CN trong các lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, công nghệ cao (CNC), chuyển giao công nghệ, sở hữu trí tuệ... ngày càng được đổi mới và hoàn thiện, tạo môi trường pháp lý đồng bộ, thuận lợi.
Các kết quả nghiên cứu khoa học những năm qua đã làm tăng hàm lượng công nghệ trong nhiều sản phẩm, đóng góp đáng kể cho tăng trưởng và sức cạnh tranh trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, nâng cao năng suất, chất lượng các mặt hàng xuất khẩu nông, lâm, thủy sản, thiết kế chế tạo giàn khoan dầu khí, đóng tàu quân sự, thương mại hóa vi mạch điện tử, sản xuất vắcxin...
Theo tính toán của Bộ KH&CN, tỷ trọng giá trị sản phẩm CNC và sản phẩm ứng dụng CNC trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp có xu hướng tăng dần trong những năm qua, với 12,74% năm 2011, 17,22% năm 2012 và 18,37% năm 2013. “Về đóng góp của KH&CN vào tăng trưởng kinh tế - theo tính toán của Viện Năng suất Việt Nam, trong giai đoạn 4 năm 2011-2014, đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GDP trung bình là 25,96% và có xu hướng tăng dần đều qua các năm.
Riêng năm 2014, TFP đã có đóng góp tới 39,58% tăng trưởng GDP. Điều này cho thấy dưới tác động của tổng hợp các nhân tố - trong đó có KH&CN, các yếu tố đầu vào của quá trình sản xuất (vốn và lao động) đã được sử dụng hiệu quả hơn. Chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam đã liên tục được cải thiện. Tuy nhiên bên cạnh những tồn tại còn một số hạn chế cụ thể là năng lực tiếp thu, làm chủ và đổi mới công nghệ của doanh nghiệp không cao. Công nghệ được mua bán chủ yếu trên thị trường là thiết bị, máy móc và dây chuyền công nghệ toàn bộ...
Lĩnh vực cơ khí chế tạo cơ bản tạo ra giá trị gia tăng thấp, ngành chế tạo máy công cụ không theo kịp nhu cầu hiện rất khó khăn. Việt Nam vẫn chỉ sản xuất được các máy công cụ vạn năng, sản phẩm máy công cụ tự động điều khiển số mới chỉ là sản phẩm đơn lẻ của một số cơ sở nghiên cứu.
Để phát triển tiềm lực KH&CN, Bộ KH&CN cũng đã đưa ra những giải pháp và đề xuất kiến nghị cụ thể bao gồm: Đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ về tổ chức, cơ chế quản lý và hoạt động khoa học và công nghệ; Tập trung các nguồn lực để triển khai các định hướng phát triển khoa học và công nghệ chủ yếu; Tiếp tục nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ quốc gia; Phát triển thị trường khoa học và công nghệ, doanh nghiệp khoa học và công nghệ và các hoạt động dịch vụ khoa học và công nghệ; Đẩy mạnh hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ nhằm nâng cao khả năng tiếp thu, làm chủ thành tựu công nghệ tiên tiến, sáng tạo ra sản phẩm, dịch vụ, công nghệ mới, góp phần vào việc phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, dịch vụ với giá trị gia tăng cao./.
Tuấn Phạm