Một trong những nội dung quan trọng được bàn thảo tại Hội nghị cấp cao APEC (HNCC APEC) lần thứ 22 vừa diễn ra ở Bắc Kinh, Trung Quốc, là các thành viên APEC cho rằng cần đẩy mạnh việc tự do hóa mậu dịch, thương mại, tăng cường kết nối để hình thành một APEC năng động và có sức cạnh tranh cao hơn, đối phó hiệu quả với những thách thức trước mắt.
Tạp chí giới thiệu phỏng vấn của phóng viên Báo QĐND với Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng về các vấn đề liên quan đến Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng như về Khu vực thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP):
PV: Thưa Bộ trưởng, sau các vòng đàm phán về Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), cuộc gặp gỡ giữa 12 thành viên tham gia đàm phán về TPP tại HNCC APEC 22 ở Bắc Kinh mới đây có bước tiến triển nào trong đẩy nhanh tiến trình ký kết hiệp định này hay không?
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Nhân dịp HNCC APEC lần thứ 22 tổ chức tại Bắc Kinh, Trung Quốc, các nhà lãnh đạo 12 thành viên của Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã có cuộc gặp lần thứ 5. Nếu so sánh với cuộc gặp lần thứ 4 tổ chức tại Ba-li (In-đô-nê-xi-a) tại APEC 21 diễn ra hồi năm ngoái thì có thể nói cho đến thời điểm này, việc đàm phán giữa các thành viên TPP cũng đã đạt được nhiều kết quả tích cực hơn. Tất cả lãnh đạo các thành viên đàm phán TPP đều cho rằng đây là thời điểm hết sức quan trọng cho đàm phán và đã đến lúc cần phải có quyết định chính trị để định hướng cho việc kết thúc đàm phán trong thời gian ngắn tới đây.
PV: Theo Bộ trưởng thì thời gian ngắn tới đây có thể là vào dịp nào?
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Mặc dù không được nêu một cách cụ thể, nhưng nếu tính đến những kết quả đã đạt được và những việc còn phải làm trong thời gian tới thì có khả năng sẽ đạt được trong những tháng đầu năm 2015.
PV: Bộ trưởng có thể nói rõ hơn về những vấn đề còn trở ngại trong đàm phán TPP?
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Về đàm phán TPP, rất nhiều nội dung đã thống nhất được với nhau, còn một số không nhiều lắm các thành viên TPP tiếp tục phải đàm phán. Cũng còn một số đàm phán song phương như giữa Nhật Bản với Hoa Kỳ, giữa một số thành viên khác, trong đó có Việt Nam, với Hoa Kỳ, nhưng số lượng không nhiều nên các nhà lãnh đạo bày tỏ hy vọng có thể kết thúc đàm phán trong thời gian tới. Tất cả đều mong muốn sẽ đạt được một hiệp định có tiêu chuẩn cao, cân bằng lợi ích, có tính đến chênh lệch về trình độ phát triển của các nước thành viên. Riêng đối với Việt Nam, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang có nhấn mạnh thêm một ý, là cần phải tính đến thực tiễn của từng nước; các nhà lãnh đạo đều chia sẻ và đồng tình theo hướng xử lý vấn đề như vậy.
PV: Cách đây một năm, một trong những vướng mắc trong đàm phán giữa Việt Nam với một số nước là về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa. Xin Bộ trưởng cho biết vấn đề này đã được giải quyết thế nào?
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Đối với Việt Nam, vấn đề nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, nhất là đối với lĩnh vực hàng dệt may, là nội dung mà Hoa Kỳ và một số nước quan tâm. Trong một năm qua, chúng ta đã nỗ lực hết mình, thuyết phục, vận động cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có cả các Hiệp hội doanh nghiệp Hoa Kỳ, các nhà sản xuất, xuất khẩu Hoa Kỳ và đặc biệt tham vấn cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam; đến giờ phút này, vấn đề về xuất xứ hàng hóa, trong đó có hàng hóa dệt may, đã tìm được công thức về cơ bản có thể gặp nhau được.
PV: Bên cạnh TPP, bắt đầu từ HNCC APEC 2006 ở Việt Nam đã có ý tưởng về việc hình thành Khu vực thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP), đến hội nghị lần này bắt đầu hình thành lộ trình… Sau 8 năm, các doanh nghiệp Việt Nam đã có những bước chuẩn bị thế nào cho việc hình thành FTAAP?
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Trong thời gian qua, các doanh nghiệp của chúng ta đã được các cơ quan của Chính phủ tham vấn trong quá trình đàm phán các hiệp định mậu dịch tự do, nhất là TPP. Nhiều doanh nghiệp cũng trực tiếp đề nghị các cơ quan của Việt Nam lưu ý đến những vấn đề chúng ta sẽ gặp phải, bên cạnh những thuận lợi, thì có những thách thức thế nào khi chúng ta đàm phán hoặc kết thúc ký kết hiệp định thương mại tự do. Doanh nghiệp Việt Nam một mặt được thông tin tương đối đầy đủ về các nội dung của các hiệp định thương mại mậu dịch tự do nhưng thẳng thắn mà nói, sự chuẩn bị, chủ động, các đối sách giải pháp của doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt cơ hội do các hiệp định, các khu vực thương mại tự do mang lại còn chưa đầy đủ. Mặt khác, việc có những biện pháp giảm thiểu tác động bất cập đối với Việt Nam còn hạn chế. Đây cũng chính là nội dung mà Thủ tướng, các bộ, ngành, cả Quốc hội đang họp cũng yêu cầu làm sao để cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam thích ứng, nắm bắt được nội dung các hiệp định khu thương mại tự do, triệt để khai thác mặt có lợi, hiệu quả của các hiệp định đó mang lại.
PV: Với tư cách tư lệnh ngành, Bộ trưởng có khuyến cáo gì với các doanh nghiệp để nắm bắt được các cơ hội cũng như tránh được các tác động bất lợi sau khi các hiệp định trên được ký kết, đặc biệt là Hiệp định TPP?
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Tôi nghĩ rằng cơ hội thì có khá nhiều, nhưng khó khăn cũng không ít, đòi hỏi bản lĩnh của các doanh nghiệp Việt Nam. Doanh nghiệp chúng ta qua một thời gian hội nhập, ít nhiều đã có kinh nghiệm. Trong thực tế 7 năm là thành viên của WTO, không ít doanh nghiệp Việt Nam đã thành công, không những đứng vững ở thị trường trong nước mà còn vươn ra được thị trường nước ngoài. Đó là những doanh nghiệp dám đương đầu với khó khăn thách thức, tìm tòi học hỏi, đổi mới công nghệ, đầu tư trang thiết bị, tự mình nâng cao trình độ quản lý và luôn luôn đặt ra những mục tiêu cao hơn, không bằng lòng với thực tế. Tôi nghĩ bài học thành công của các doanh nghiệp này nên được các doanh nghiệp của chúng ta noi theo.
PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng!./.
Văn Yên (thực hiện)
(Nguồn: QĐND)