Thứ Bảy, 28/9/2024
Diễn đàn
Thứ Hai, 23/11/2009 22:27'(GMT+7)

Hiệu lực pháp luật

Nhìn chung luật nước ta khá cụ thể chặt chẽ, thể hiện rõ tính ưu việt cuả chế độ, trong đó mọi quyền lợi chính đáng của nhân dân luôn đặt ở vị trí tối thượng, bảo đảm quyền tự do dân chủ, công bằng bình đẳng.

Tuy nhiên tính thuyết phục của mọi điều luật là một chuyện, còn luật ấy đi vào cuộc sống và có hiệu lực như thế nào lại là chuyện khác. Không thể không thấy một hiện trạng: Khá nhiều điều luật thuộc đủ mọi lĩnh vực (tố tụng, hình sự, dân sự, hôn nhân gia đình, kinh tế, xây dựng…) đã không được tuân thủ.

Tình trạng “nhờn” luật diễn ra khá phổ biến ở khắp mọi nơi. Đáng suy nghĩ là ở những thành phố lớn - nơi được coi là các trung tâm kinh tế văn hoá có dân trí cao như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Hải Phòng… lẽ ra phải có sự tuân thủ pháp luật nghiêm túc hơn những khu vực dân cư khác có trình độ dân trí thấp hơn thì tình hình vẫn đáng phàn nàn. Nhìn vào bất cứ đâu cũng thấy có tình trạng “nhờn” luật, nhất là trong các lĩnh vực: xây dựng, giáo dục, y tế, giao thông, quản lý đô thị, trật tự công cộng, bảo vệ môi trường…

Một trong những lĩnh vực bị vi phạm trầm trọng ngang nhiên nhất là hôn nhân gia đình - nhất là ở nông thôn, các vùng hẻo lánh. Tình trạng bạo lực gia đình công khai diễn ra, bất chấp sự cấm kỵ của pháp luật. Tại một thị trấn nọ, chỉ cách thành phố Ninh Bình hơn 10 km, có kẻ đàn ông ngang nhiên đuổi vợ con ra khỏi nhà để đưa một cô gái về ở “đàng hoàng” như vợ chồng ngay bên cạnh các cơ quan chính quyền đoàn thể, bảo vệ pháp luật của huyện mà không có bất cứ sự can thiệp ngăn chặn nào. Hiện tượng tương tự không phải là cá biệt ở nhiều vùng quê khác. Còn ngay ở Hà Nội, báo chí cũng đã từng nêu đích danh nhiều vụ bạo lực gia đình mà kẻ gây ác vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật...

Từ những vụ việc đã nêu trên thấy rõ môt điều: Luật ở nước ta đã tốt (đầy đủ, chặt chẽ, tính nhân văn cao) nhưng đây đó những người thực thi, bảo vệ pháp luật còn lơi lỏng phận sự, vô tình (hoặc nhiêù khi là cố ý) tiếp tay cho tội phạm, cho kẻ vi phạm pháp luật. Những vụ án oan sai bỏ lọt tội phạm vẫn cứ xảy ra không ít do luật tố tụng không được tuân thủ. Đã có một sự thật: chỉ thấy xét xử người dân phạm tội mà ít thấy như vậy đối với những người làm công việc liên quan đến tư pháp, bảo vệ pháp luật nhưng lại vi phạm pháp luật. Xét xử oan một người hoặc ngược lại, bỏ lọt một kẻ có tộị thì đương nhiên lỗi ấy thuộc về những người điều tra khởi tố xét hỏi định tội. Nhưng tương đương với những người dân phải ra toà ở những vụ án có tình trạng như trên, ít thấy người trong hệ thống thực thi công lý cũng ra toà. Đó là điều không thể không nắn chỉnh để lấy lại công bằng xã hội, sự nghiêm minh cuả pháp luật như nó vốn có và là mục đích cao cả của nền pháp chế nước ta.

Rất mong mỗi kỳ Quốc hội họp, bên cạnh việc bổ sung chỉnh sửa, ban hành các điều luật, cần chú trọng đặc biệt đến việc bảo đảm hiệu lực cuả pháp luật một cách triệt để nhất để công sức cuả những người soạn thảo, cuả cả Quốc hội lao tâm khổ tứ suy xét, quyết định không phải là dã tràng./.

Nguyễn Hưng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất