Thứ Bảy, 23/11/2024
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Thứ Năm, 4/4/2019 8:49'(GMT+7)

Hiệu quả bước đầu việc sáp nhập thôn, xóm, tổ dân phố ở Hòa Bình

Đồng chí Bùi Văn Cửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ 1084 tỉnh trực tiếp đi cơ sở, tiếp thu các ý kiến, kiến nghị, tâm tư nguyện vọng của nhân dân về việc sáp nhập.

Đồng chí Bùi Văn Cửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ 1084 tỉnh trực tiếp đi cơ sở, tiếp thu các ý kiến, kiến nghị, tâm tư nguyện vọng của nhân dân về việc sáp nhập.

Tỉnh phấn đấu đến năm 2021 sẽ hoàn thành mục tiêu giảm ít nhất 10% so với biên chế được giao. 

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình Bùi Văn Tỉnh cho biết: Trước năm 2017, số cán bộ, công chức cấp xã đông, tính bình quân cứ 181 người dân thì có 1 người là cán bộ, công chức cấp xã; cao gấp gần 2 lần so với bình quân cả nước. Nhiều năm qua, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có những xóm, thôn, bản, tổ dân phố chỉ với hơn 10 hộ dân nhưng vẫn có Chi bộ đảng, chính quyền, Ban công tác Mặt trận, tổ chức đoàn thể. Tổng kinh phí chi trả phụ cấp cho những người hoạt động không chuyên trách, khoán kinh phí hỗ trợ hoạt động cho các tổ chức đoàn thể của tỉnh khoảng 161 tỷ đồng/năm.

Do vậy, ngày 27/6/2017, Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình ban hành Quyết định số 1084/QĐ-UBND thực hiện Đề án “Thí điểm sáp nhập, kiện toàn xóm, tổ dân phố thuộc tỉnh Hòa Bình”. Tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cho các thành viên phụ trách các huyện, thành phố. Các huyện, thành phố đã quán triệt, triển khai đến phòng, ban, ngành, đoàn thể và toàn bộ đơn vị hành chính cấp xã; thực hiện rà soát các xóm, tổ dân phố trực thuộc. Ngoài ra, tỉnh chỉ đạo UBND cấp xã làm điểm xây dựng Ðề án sáp nhập, đặt tên (đổi tên, thành lập mới) các xóm, tổ dân phố theo tiêu chí: Xóm phải có 100 hộ gia đình trở lên và tổ dân phố phải có 150 hộ gia đình trở lên.

Theo Chủ tịch UBND huyện Yên Thủy Bùi Văn Hải, Ban chỉ đạo Ðề án 1084 huyện lựa chọn thị trấn Hàng Trạm (khu phố 2 và khu phố 4), xã Ngọc Lương (xóm Công Tiến và xóm Liên Tiến) làm điểm. Lúc đầu, nhân dân đưa ra những khó khăn về lối sống, văn hóa..., tuy nhiên khi được chính quyền giải thích rõ ràng, cụ thể, dần dần bà con hiểu, đồng thuận bỏ phiếu đồng ý.

Ở huyện Yên Thủy có xóm Công Tiến, xã Ngọc Lương, với 19 hộ đồng bào Công giáo, nhiều nếp sinh hoạt riêng nên đồng bào không muốn sáp nhập. Bà Bùi Thị Sinh, xóm Công Tiến, chia sẻ: Lúc đầu người dân lo ngại việc sáp nhập sẽ ảnh hưởng đến một số quyền lợi và thủ tục của nhân dân. Tuy nhiên, khi hiểu được rằng cần thay đổi để tránh cồng kềnh cho bộ máy Nhà nước, kinh phí tiết kiệm sẽ đầu tư cho chính địa phương nên nhân dân đồng lòng.

Sau giai đoạn thí điểm toàn tỉnh có 20 xã, phường, thị trấn thực hiện sáp nhập 121 xóm, tổ dân phố thành 60 xóm, tổ dân phố. Số thôn, xóm, tổ dân phố giảm từ 2.059 xuống còn 1.999.

Từ kết quả này, ngày 12/9/2018, UBND tỉnh Hòa Bình đã ban hành Kế hoạch số 124/KH-UBND triển khai thực hiện nhập, đặt tên, đổi tên thôn, xóm, tổ dân phố trong phạm vi toàn tỉnh. Mục đích nhập thôn, xóm, tổ dân phố theo hướng tinh gọn, đảm bảo hoạt động ổn định nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, chính quyền và tổ chức đoàn thể cấp xã; nâng cao trình độ, trách nhiệm, chất lượng đội ngũ cán bộ không chuyên trách và hoạt động của các tổ chức đoàn thể ở thôn, xóm, tổ dân phố, tăng mức thu nhập cho họ.

Tỉnh ủy Hòa Bình chỉ đạo hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở phải quyết tâm cao; cán bộ, đảng viên nhất quán trong nhận thức về mục đích, sự cần thiết, tầm quan trọng, lợi ích của việc nhập, kiện toàn thôn, xóm, tổ dân phố trong phạm vi toàn tỉnh. Quá trình thực hiện phải đảm bảo ổn định về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; không gây tâm lý hoang mang, làm xáo trộn đời sống sinh hoạt và đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân. 

Tỉnh Hòa Bình phấn đấu đến hết quý III/2019 đạt mục tiêu giảm khoảng 10,15% số xóm, tổ dân phố (157 xóm và 52 tổ dân phố). Tổng kinh phí tiết kiệm được từ việc chi trả phụ cấp cho những người hoạt động không chuyên trách, khoán kinh phí hỗ trợ hoạt động cho các tổ chức đoàn thể sẽ giảm khoảng 15,2 tỷ đồng/năm.

Tỉnh bổ sung điều kiện quy định về thôn, xóm, tổ dân phố theo Thông tư số 09/2017/TT-BNV ngày 29/12/2017 của Bộ Nội vụ. Bên cạnh đó, tỉnh rà soát toàn bộ số thôn, xóm, tổ dân phố thuộc các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh (gồm cả những đơn vị đã làm điểm nhưng vẫn còn thôn, xóm, tổ dân phố chưa thực hiện, thuộc diện sáp nhập) để xác định số thôn, xóm, tổ dân phố thuộc diện nhập và xây dựng Đề án thực hiện. 

Theo Kế hoạch của UBND tỉnh, phương án nhập, kiện toàn thôn, xóm, tổ dân phố có vị trí địa lý giáp ranh liền kề, địa hình không bị chia cắt phức tạp, ảnh hưởng đến giao thông đi lại; thuận tiện cho việc phát triển kinh tế-xã hội và cải thiện đời sống nhân dân; tương đồng về văn hóa, phong tục tập quán... đảm bảo sau khi hoàn thành việc nhập không còn thôn, xóm dưới 100 hộ, tổ dân phố dưới 150 hộ. Trường hợp đặc biệt, do điều kiện khách quan có thôn, xóm, tổ dân phố không thể nhập được với một thôn, xóm, tổ dân phố khác hoặc sau khi nhập thôn, xóm mới có dưới 100 hộ, tổ dân phố mới có dưới 150 hộ, trước khi tổ chức lấy ý kiến cử tri xã phải báo cáo cấp huyện và tỉnh để xem xét. Những xóm, tổ dân phố đã sáp nhập giai đoạn làm thí điểm vẫn giữ nguyên để đảm bảo sự ổn định.

Một trong những điểm mới đáng chú ý khi nhập xóm, tổ dân phố phạm vi toàn tỉnh là việc lấy ý kiến cử tri bằng hình thức giơ tay thay vì bỏ phiếu kín như giai đoạn thực hiện thí điểm.

Đại tá Trịnh Văn Cường, Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết: Trước băn khoăn của người dân về các loại giấy tờ như sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân sau sáp nhập, Công an tỉnh đã ban hành hướng dẫn cụ thể.

Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã ban hành hướng dẫn thủ tục đối với việc quản lý và sử dụng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau sáp nhập. Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hòa Bình Bùi Quang Điệp cho biết: Về mặt nguyên tắc, người dân không nhất thiết phải đăng ký thay đổi "sổ đỏ”. Khi người dân đi thực hiện quyền đối với tài sản của họ sẽ được thực hiện đồng thời với việc đăng ký biến động và xác nhận thay đổi về địa chỉ thường trú, địa chỉ đất. Nếu người dân có nhu cầu xác nhận việc thay đổi thông tin địa chỉ trên giấy chứng nhận đã cấp thì thực hiện hồ sơ đăng ký biến động tại xã, phường, thị trấn (ở vùng nông thôn được miễn phí). 

Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch đã ban hành hướng dẫn về sắp xếp, tổ chức, bố trí quản lý việc sử dụng và khai thác nhà văn hóa, khu thể thao của thôn, xóm, tổ dân phố sau khi nhập, đặt tên, thành lập mới.

Về chế độ, chính sách cho những cán bộ không chuyên trách dôi dư sau sáp nhập, tỉnh đã điều chỉnh 3 mức hỗ trợ cụ thể cho người công tác dưới 5 năm, từ 5 năm đến dưới 10 năm và từ 10 năm trở lên.

Tỉnh cũng tiếp tục thực hiện chủ trương một chức danh có thể kiêm nhiệm nhiều việc khác nhau như Trưởng ban Dân vận kiêm Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc; Bí thư chi bộ kiêm Trưởng ban công tác Mặt trận, trưởng xóm kiêm đội trưởng, công an viên kiêm phó xóm…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Cửu, Trưởng ban Chỉ đạo Ðề án 1084 khẳng định: Với phương châm thực hiện từ dễ đến khó, bài bản, khoa học, quyết liệt, tỉnh Hòa Bình đặt mục tiêu sẽ triển khai hiệu quả việc sáp nhập thôn, xóm, tổ dân phố. Sau khi sáp nhập, các địa phương sẽ được đầu tư thêm kinh phí xây dựng, sửa chữa, nâng cấp nhà văn hóa, sân thể thao, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân, đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn, hỗ trợ kinh phí và giải quyết nhanh các giấy tờ liên quan đến cá nhân, hộ gia đình.../.

Nhan Sinh/TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất