Hoạt động ứng dụng khoa học công
nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam
đang thúc đẩy và từng bước nâng dần hàm lượng khoa học công nghệ vào sản
xuất thông qua việc sử dụng giống mới, công nghệ sinh học, phương thức
canh tác tiên tiến…góp phần nâng cao năng suất và chất lượng nông sản.
Đối với lĩnh vực trồng trọt, hàng năm, tỉnh Quảng Nam đều tổ chức du nhập và tiến hành khảo nghiệm chọn các giống mới bổ sung vào bộ giống lúa phù hợp với sản xuất trong điều kiện biến đổi khí hậu đang diễn biến phức tạp. Đồng thời, tỉnh cũng xây dựng thành công nhiều vùng sản xuất rau chuyên canh theo hướng VietGAP có giá trị kinh tế cao từ 80 - 100 triệu đồng/ ha/năm, như vùng rau Trà Quế (thành phố Hội An), Bình Triều (huyện Thăng Bình), Duy Phước (huyện Duy Xuyên), dưa hấu Kỳ Lý (huyện Phú Ninh)... Để phát triển các vùng cây ăn quả và bảo tồn các loài cây bản địa quý hiếm, tỉnh Quảng Nam đã chủ động nhân giống một số giống cây ăn quả, cây lâm nghiệp bằng phương pháp vô tính như bưởi trụ Đại Bình, bòn bon Tiên Phước, sầu riêng, dó bầu…để chuyển giao cho nông dân trồng thương phẩm.
Đối với các huyện miền núi của tỉnh, hiện nay dự án phát triển cây song, cây mây mang lại hiệu quả rõ nét trong việc phục hồi phát triển nguồn lâm sản ngoài gỗ đang có nguy cơ cạn kiệt, tạo nguồn nguyên liệu để phát triển nghề thủ công mỹ nghệ, góp phần xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số. Với kết quả bước đầu mang lại từ dự án này, huyện Tây Giang đang hỗ trợ 1,8 tỷ đồng về giống cho người dân trồng, nhân rộng ra toàn huyện.
Từ năm 2013 đến nay, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Nam phối hợp với Hội Nông dân tỉnh triển khai hỗ trợ ứng dụng công nghệ sản xuất phân hữu cơ vi sinh phục vụ sản xuất nông nghiệp an toàn tại 50 xã điểm nông thôn mới của tỉnh. Kết quả khảo sát cho thấy hiệu quả rất cao, được địa phương và người dân tham gia tích cực góp phần vừa tạo nguồn phân bón tại chỗ, vừa bảo vệ môi trường nông thôn.
Nổi bật nhất trong lĩnh vực chăn nuôi trên địa bàn tỉnh hiện nay là việc ứng dụng công nghệ truyền tinh nhân tạo phục vụ hiệu quả cho công tác cải tạo chất lượng đàn bò bản địa. Bên cạnh đó, tỉnh đã hình thành hệ thống mạng lưới thụ tinh nhân tạo lợn với gần 20 cơ sở và hộ gia đình nuôi lợn đực giống hàng năm cung ứng gần 200.000 liều tinh lỏng phục vụ công tác truyền giống nhân tạo.
Là một tỉnh ven biển có nhiều lợi thế trong phát triển nuôi trồng thủy sản, Quảng Nam cũng có nhiều công trình nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực này được nhân rộng như nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng theo quy trình GAP; nuôi thâm canh cá tra, cá diêu hồng, cá rô phi có ứng dụng các chế phẩm sinh học; mô hình nuôi hàu đơn thương phẩm…
Ông Lê Muộn - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển tỉnh Quảng Nam cho biết: Với việc đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ vào thực tế sản xuất trong những năm qua đã tạo thêm nhiều việc làm, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi từ đó tăng thu nhập cho nông dân trên địa bàn tỉnh, đây là cơ sở quan trọng để xây dựng nông thôn mới bền vững.
Thời gian tới, tỉnh Quảng Nam sẽ tập trung tăng cường các nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ mới vào lĩnh vực chăn nuôi nhằm đưa tỷ trọng chăn nuôi lên 35% trong cơ cấu ngành vào năm 2015; nghiên cứu các cây trồng cho sản phẩm phi gỗ để tăng thu nhập cho đồng bào miền núi kết hợp với việc bảo vệ rừng; đẩy mạnh phối hợp hiệu quả thiết thực mối quan hệ giữa bốn nhà (Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông)…/.
Theo TTXVN