TRUYỀN THÔNG VỀ TIÊM CHỦNG VACCINE PHÒNG COVID-19
Giữa năm 2020, khi đại dịch COVID-19 lan rộng toàn cầu, gây những hậu quả lớn về sức khỏe, kinh tế và xã hội, các hãng dược hàng đầu thế giới nhanh chóng bắt tay nghiên cứu sản xuất vaccine phòng COVID-19. Ngay khi đó Chính phủ Việt Nam đã chỉ đạo Bộ Y tế tiếp cận với các tổ chức quốc tế, các hãng dược nước ngoài để tìm hiểu khả năng tiếp cận nguồn vaccine phòng COVID-19, đồng thời chỉ đạo các đơn vị sản xuất vaccine trong nước nghiên cứu, bào chế, thử nghiệm vaccine phòng COVID-19, chuẩn bị sẵn sàng cho chiến dịch tiêm chủng vaccine lớn nhất trong lịch sử được tiến hành trong năm 2021.
Tháng 2/2021, Mạng lưới nghiên cứu thị trường độc lập toàn cầu (WIN) thực hiện thăm dò dư luận xã hội ở nhiều nước trên thế giới, công bố: Việt Nam là nước đứng đầu thế giới về tỷ lệ người dân chấp nhận tiêm vaccine phòng COVID-19 với hơn 90%. Có được kết quả này là một phần không nhỏ đóng góp của các chiến dịch truyền thông tiêm chủng vaccine rộng khắp từ Trung ương đến địa phương.
Sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/2/2021 về mua và sử dụng vaccine phòng COVID-19, Bộ Y tế đã ban hành văn bản hướng dẫn truyền thông với các mục tiêu: (i) Cung cấp thông tin chính xác về quá trình nghiên cứu, phát triển sử dụng vaccine trên thế giới và Việt Nam, hiệu quả của từng loại vaccine mà Việt Nam tiếp cận; (ii) Thông tin về hiệu quả phòng bệnh, tính an toàn, lịch trình tiêm, các phản ứng sau tiêm; kế hoạch triển khai tiêm theo mức độ vaccine được cung cấp; (iii) Vai trò, trách nhiệm của ngành y tế và nhân viên y tế trong việc triển khai tiêm. Huy động sự ủng hộ, tham gia, hỗ trợ nguồn lực của người dân và cộng đồng.
Công tác truyền thông về tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 được chia thành hai cấp độ: truyền thông cấp Bộ và truyền thông cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Truyền thông cấp Bộ, tức tuyến Trung ương, thực hiện 5 nhiệm vụ chính: (i) Lập kế hoạch, hướng dẫn truyền thông; (ii) Xây dựng thông điệp, xây dựng các sản phẩm truyền thông, tạo kho dữ liệu truyền thông; (iii) Hợp tác với báo chí chính thống; (iv) Truyền thông trên mạng xã hội; (v) Theo dõi và xử lý tin đồn, khủng hoảng.
Trong khi đó, truyền thông cấp tỉnh, thành phố cần thành lập bộ phận truyền thông tiêm chủng, chỉ định người phát ngôn; tổ chức cung cấp thông tin về tình hình tiêm chủng tại địa phương; hoàn chỉnh thông điệp truyền thông với đặc điểm dân cư, ngôn ngữ, văn hóa của địa phương mình; thực hiện truyền thông qua báo, đài của địa phương, qua mạng xã hội và trực tiếp tới cộng đồng (thông qua các tổ COVID-19 cộng đồng(1)); theo dõi và xử lý tin đồn, quản trị khủng hoảng; nâng cao năng lực truyền thông cho cán bộ y tế cơ sở.
Theo kinh nghiệm truyền thông y tế tại Việt Nam lâu nay, việc phối hợp truyền thông ở hai cấp độ đảm bảo hiệu quả truyền thông cao hơn và hiệu quả hơn: Truyền thông tuyến Trung ương đưa ra các thông điệp, tài liệu truyền thông chuẩn được Bộ Y tế đảm bảo về mặt nội dung chuyên môn và được triển khai chủ động trên các kênh truyền thông Trung ương, còn truyền thông tuyến địa phương có trách nhiệm làm cho các thông điệp, khuyến cáo phòng chống dịch trở nên gần gũi với các cộng đồng dân cư sinh sống trên địa bàn.
Bộ Y tế cũng chú trọng xây dựng các video ngắn với những nội dung tương tự nêu trên theo định dạng ngang (phù hợp với nền tảng Youtube) và định dạng dọc (phù hợp với nền tảng Tiktok), lồng giọng Bắc và giọng Nam / hoặc có phụ đề. Tất cả các tài liệu truyền thông tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 được Bộ Y tế tải lên kho dữ liệu trên nền tảng OneDrive để các cán bộ truyền thông y tế tại các tỉnh, thành phố có thể truy cập dễ dàng, tải về và sử dụng vào mục đích truyền thông trên địa bàn.
Tính tới tháng 12/2021, Bộ Y tế đã mở và vận hành các phương tiện truyền thông sở hữu (owned media) trên các nền tảng: Trang “Sức khỏe Việt Nam” trên Facebook với 150 nghìn like, 520 triệu lượt tiếp cận; Kênh “Bộ Y tế” trên Facebook với 425 video, 16 triệu lượt xem, 5,3 tỷ lượt hiển thị; Trang “Bộ Y tế” trên Zalo với 9,3 triệu quan tâm; Kênh “Bộ Y tế” trên Tiktok với 1,3 triệu người yêu thích, 3,7 triệu lượt xem; Trang “Bộ Y tế” trên mạng Lotus với 13 nghìn like và 2,7 triệu lượt tiếp cận.
Đối với truyền thông tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 ở các tỉnh thành phố, Bộ Y tế khuyến cáo nên tạo các trang về tiêm chủng của địa phương trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Youtube, Zalo, Tiktok và Lotus, hoặc sử dụng các trang có sẵn của trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC), bệnh viện đa khoa… Các nội dung truyền thông bao gồm đăng tải các tài liệu truyền thông tiêm chủng của Bộ Y tế, của địa phương, lịch tiêm. Đặc biệt Bộ Y tế khuyến khích các tỉnh, thành phố thực hiện các giao lưu trực tuyến về tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 với chuyên gia y tế và khách mời là người địa phương, để tạo sự gần gũi hơn với công chúng.
CÁC CHIẾN DỊCH TRUYỀN THỐNG QUA MỘT NĂM THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 128/NQ-CP
Nghị quyết 128/NQ-CP ban hành ngày 11/10/2021 Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” được các chuyên gia đánh giá là hoàn toàn phù hợp, “không thể sớm hơn, cũng không thể muộn hơn”. Với quyết sách quan trọng là chuyển từ chống dịch COVID-19 bằng biện pháp hành chính sang vừa kiểm soát dịch bệnh, vừa tiến hành mở cửa, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội thì các chiến dịch tiêm chủng có vai trò quan trọng hơn bao giờ hết.
Chiến dịch truyền thông “Tiêm vaccine - vững niềm tin” do Bộ Y tế phối hợp với tập đoàn Meta thực hiện trên nền tảng Facebook trong quý IV/2021 trong bối cảnh đã cơ bản kiểm soát được đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 với biến chủng Delta. Mục tiêu của chiến dịch nhằm kêu gọi sự ủng hộ, tham gia, chung tay của toàn xã hội với việc triển khai tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, tạo miễn dịch mạnh mẽ trong cộng động, bảo vệ các nỗ lực chống dịch và sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường. Nội dung của chiến dịch là cung cấp trực tiếp tới người sử dụng Internet.
Chiến dịch đã cung cấp cho người dân Việt Nam những kiến thức hữu ích về đại dịch COVID-19, giải đáp những thắc mắc thường gặp về COVID-19 và vaccien thông qua các tọa đàm trực tuyến và chuỗi video hướng dẫn. Chiến dịch cũng ra mắt bài hát "Tiêm vaccine - Vững niềm tin” nhằm khuyến khích người dân Việt Nam thể hiện vai trò của họ trong việc bảo vệ chính mình, cũng như người thân và cộng đồng. Các hoạt động của chương trình đã tiếp cận gần 100 triệu lượt người, đạt gần 28 triệu lượt xem, thu hút hơn 180.000 lượt tương tác trên nền tảng Facebook và nhiều thông tin, bài viết trên báo chí, truyền hình, thể hiện sự quan tâm của công chúng. Đặc biệt, cuộc tọa đàm về tiêm vaccine phòng COVID-19 cho phụ nữ và trẻ em đã thu hút được số lượng tiếp cận kỷ lục với 17 triệu lượt.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế còn phối hợp với Meta, Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF) và Chính phủ Australia thực hiện chiến dịch truyền thông “Vui Trung thu và tựu trường an toàn” và “Hành trình an toàn”. Cao điểm của chiến dịch này được thực hiện từ tháng 8 đến tháng 10/2022 với mục tiêu: thông qua Internet để quảng bá thông tin về tiêm vaccine phòng COVID-19 tới đông đảo phụ huynh có con trong độ tuổi tiêm vaccine (từ 5 đến dưới 18 tuổi).
Trong chiến dịch này, hình thức truyền thông chủ yếu là infographic, đề cập những vấn đề như: giúp con phát triển khỏe mạnh, được thử nghiệm lâm sàng nghiêm ngặt và rộng rãi, có quy trình vận chuyển và bảo quản nghiêm ngặt, an toàn với hệ miễn dịch của trẻ, không gây suy giảm trí nhớ, giúp bảo vệ trẻ trong trường học, giảm nguy cơ mắc COVID-19 nặng phải nhập viện ở trẻ, bảo vệ trẻ khỏi các triệu chứng hậu COVID-19; khuyến cáo cha mẹ cho con tiêm đủ mũi cơ bản, mũi nhắc lại, đi tiêm đúng lịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Các infographic được đăng tải cùng lúc trên các trang của Bộ Y tế, WHO và UNICEF trên nền tảng Facebook, đồng thời được gửi tới Sở Y tế và Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật các tỉnh, thành phố để lan tỏa trên các trang mạng, góp phần thúc đẩy tiến độ bao phủ vaccine cho trẻ em trong độ tuổi.
“Chiến dịch 2K + vaccine + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân” là chiến dịch được thay thế cho chiến dịch 5K trước đây cũng đang phát huy vai trò của truyền thông trong tình hình bình thường mới. Khi các ca nhiễm COVID-19 ở Việt Nam và trên toàn cầu liên tục giảm, số ca nhiễm nặng và tử vong cũng giảm thì chiến dịch 2K cùng các biện pháp khác là thông điệp mà Bộ Y tế triển khai lan toả mạnh mẽ trong cộng đồng để người dân nâng cao nhận thức và duy trì những hành vi có lợi cho sức khoẻ.
Hiện nay, dịch bệnh COVID-19 vẫn đang hiện hữu cùng với sự xuất hiện của các biến thể mới; bên cạnh đó là các bệnh về đường hô hấp (như cúm mùa) đã, đang và sẽ tiếp tục bùng phát trong thời gian đông - xuân, vì vậy, việc thực hiện thông điệp 2K+ rất cần thiết. Cùng với đó, Bộ Y tế cũng khuyến nghị người dân cần đi tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 3, mũi 4 cho các đối tượng theo hướng dẫn của Bộ Y tế; cha mẹ, người giám hộ tích cực đưa con em đi tiêm vaccine đủ 2 liều cơ bản cho trẻ trong độ tuổi từ 5 - dưới 12 để bảo vệ trẻ đến trường, vui chơi an toàn.
BÀI HỌC KINH NGHIỆM
Tính đến ngày 23/10/2022, theo số liệu của Bộ Y tế, Việt Nam đã thực hiện tiêm tổng cộng 261.297.020 liều vaccine phòng COVID-19. Việt Nam là một trong những nước triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 với quy mô rộng rãi, nhiều đối tượng, nhiều mũi tiêm, sử dụng đa dạng các loại vaccine; là quốc gia có số liều vaccine sử dụng, tỉ lệ bao phủ vaccine cao và tốc độ tiêm chủng nhanh so với các nước trên thế giới. Tỉ lệ tiêm mũi 3 cho người từ 12 tuổi trở lên trên tổng dân số cao gấp đôi tỷ lệ trung bình trên thế giới. Tỉ lệ tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi cao hơn một số quốc gia phát triển như Mỹ, Pháp, Đức, Italy. Việc tiêm chủng vaccine rất thành công góp phần quan trọng trong phòng chống dịch COVID-19.
Ngày 12/10/2022, tập đoàn truyền thông Nhật Bản Nikkei đã xếp Việt Nam ở vị trí thứ 8 trong xếp hạng Chỉ số Phục hồi COVID-19 (Nikkei’s COVID-19 Recovery Index). Chỉ số này được đánh giá thông qua việc quản trị lây nhiễm, độ bao phủ vaccine và tính năng động của xã hội. Từ vị trí 100 trong bảng xếp hạng lần đầu được công bố tháng 7/2021, Việt Nam đã có bước tiến bộ ngoạn mục, nằm trong top 10 bốn tháng liên tiếp kể từ tháng 5/2022.
Có thể khẳng định, nhờ sự nỗ lực truyền thông và sự vào cuộc đồng bộ của chính quyền cũng như toàn ngành y tế, việc triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 đã đạt được kết quả cao, tạo miễn dịch cộng đồng, giúp khống chế dịch bệnh.
Qua thực tế triển khai các hoạt động truyền thông tiêm chủng, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm:
Thứ nhất, truyền thông về tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 tại Việt Nam là sự kết hợp nhịp nhàng và bổ khuyết cho nhau giữa nhiều hoạt động truyền thông: truyền thông chính thống, truyền thông trên mạng xã hội và truyền thông trực tiếp tại cộng đồng theo đúng nguyên tắc truyền thông nguy cơ.
Thứ hai, việc chủ động chọn mạng xã hội là kênh truyền thông quan trọng, phù hợp với xu hướng truyền thông hiện đại. Qua đó, ngành y tế truyền tải trực tiếp những thông tin chính xác, minh bạch đến đối tượng mục tiêu - những người sử dụng Internet, chiếm 2/3 dân số. Đây là quá trình truyền thông hai chiều, giúp ngành y tế nắm bắt và giải quyết ngay những thắc mắc của người dân về tiêm chủng, huy động người dân đi tiêm chủng - một trong những biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 của Chính phủ.
Thứ ba, sự phối hợp tích cực giữa Bộ Y tế với tập đoàn công nghệ sở hữu các nền tảng mạng xã hội và các tổ chức quốc tế như Tổ chức Y tế Thế giới, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc đã triển khai được những chiến dịch truyền thông có quy mô lớn trên mạng xã hội, giúp người sử dụng Internet Việt Nam tiếp cận được với những thông tin đầu nguồn khách quan và đáng tin cậy về tiêm chủng vaccine phòng COVID-19.
Thứ tư, về cơ bản, truyền thông về tiêm chủng đã bám sát các xu hướng tâm lý người dân, khuyến cáo người dân chủ động, ủng hộ, tích cực tham gia tiêm chủng; cập nhật liên tục thông tin về các vaccine được tiêm chủng tại Việt Nam, hướng dẫn theo dõi sức khỏe và phản ứng sau tiêm chủng; xử lý các khủng hoảng truyền thông và thông tin sai lệch về tiêm vaccine.
Thứ năm, bên cạnh những kết quả tích cực, công tác truyền thông phòng, chống dịch COVID-19 nói chung và truyền thông tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 nói riêng thời gian qua mới tập trung chủ yếu cho người Việt Nam và được thực hiện bằng tiếng Việt. Đây là hạn chế khiến cộng đồng người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam khó tiếp cận trực tiếp với thông tin chính thống của Chính phủ Việt Nam về công tác phòng, chống dịch COVID-19. Thời gian qua, các cộng đồng người nước ngoài ở Việt Nam tiếp nhận thông tin về phòng, chống dịch COVID-19 chủ yếu thông qua các đại diện ngoại giao của nước họ, hoặc qua các nhóm tự phát trên mạng xã hội. Điều này gây khó khăn cho người nước ngoài trong việc thu xếp công việc, đi lại, sinh hoạt tại Việt Nam. Bộ Y tế không có đủ nguồn lực để thực hiện truyền thông phòng, chống dịch bằng tiếng nước ngoài, nên cần có sự trợ giúp từ các bộ, ngành liên quan như Bộ Ngoại giao, Bộ Giao thông vận tải, Tổng cục Du lịch, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ. Trong đó, Bộ Ngoại giao có thể đóng vai trò điều phối trong hoạt động truyền thông phòng, chống dịch đối với các cộng đồng người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam và người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam./.
ThS. VŨ MẠNH CƯỜNG
Phó vụ trưởng Vụ Truyền thông và Thi đua, khen thưởng, Bộ Y tế
TS. VŨ TUẤN ANH
Trưởng khoa Truyền thông và Văn hoá đối ngoại, Học viện Ngoại giao
___________________
(1) Mô hình Tổ COVID-19 cộng đồng được các chuyên gia của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương áp dụng lần đầu tại xã Sơn Lôi (Vĩnh Phúc) khi địa phương này là cộng đồng dân cư đầu tiên ở Việt Nam phải thực hiện phong tỏa để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 (tháng 2/2020). Các Tổ COVID-19 cộng đồng có nhiệm vụ “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà” thực hiện truyền thông, vận động các hộ gia đình thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, trong đó có tiêm chủng vaccine.